| Hotline: 0983.970.780

Những hệ lụy từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên

[Bài 5] Thủy điện: Mất nhiều, được chẳng bao nhiêu

Thứ Ba 25/05/2021 , 14:12 (GMT+7)

Người ta nói, công trình thủy điện là để người dân được hưởng lợi. Thế nhưng thực tế không như vậy...

Cuộc sống của người dân xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trở nên mất bình yên từ khi trên địa bàn xuất hiện nhiều công trình thủy điện. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cuộc sống của người dân xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) trở nên mất bình yên từ khi trên địa bàn xuất hiện nhiều công trình thủy điện. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nỗi lo hạ du

Theo báo cáo đánh giá của Sở Công thương Bình Định, những nhà máy thủy điện đang hoạt động đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn miền núi; hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn các xã có dự án thủy điện được nâng lên một bước đáng kể.

Đối với các dự án thủy điện có hồ chứa dung tích lớn, ngoài những lợi ích phát điện, còn góp phần làm giảm đỉnh lũ và lưu lượng lũ cho vùng hạ du, đồng thời chủ động cấp nước về hạ du vào mùa khô để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển…

Ấy vậy nhưng thực tế không như thế. Những gì mà các công trình thủy điện mang lại là hàng trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn rất xung yếu bị các công trình thủy điện “hô biến”, đời sống người dân trong vùng dự án bị xáo trộn, người dân vùng hạ du thì luôn canh cánh nỗi lo bị thiên nhiên trả đũa, ám ảnh nhất là chuyện thủy điện xả lũ vào những mùa mưa bão uy hiếp đến tính mạng con người và gây xâm thực làm mất đất sản xuất.

Đất sản xuất ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị thủy điện Tiên Thuận xả nước hoạt động 2 tổ máy gây xâm thực. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đất sản xuất ở xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị thủy điện Tiên Thuận xả nước hoạt động 2 tổ máy gây xâm thực. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đơn cử chuyện “nuốt” đất sản xuất của Nhà máy Thủy điện Tiên Thuận ở huyện Tây Sơn (Bình Định). Năm 2014, nhà máy này đi vào hoạt động 2 tổ máy phát điện, mỗi lần nhà máy xả nước vận hành là gây sạt lở, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của người dân xã Tây Thuận.

Nông dân mất đất bức xúc phản ứng, nhiều lần gửi đơn đến chính quyền và ngành chức năng phản ánh, kiến nghị doanh nghiệp giải quyết thiệt hại, khắc phục tình trạng sạt lở. Công ty CP Tiên Thuận hứa hẹn lần lửa, mãi đến cuối năm 2020 đơn vị chủ đầu tư mới thực hiện việc bồi thường cho người dân mất đất.

Theo ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn), suốt 4-5 năm nay, năm nào đất sản xuất của nông dân xã Tây Thuận cũng bị nước của thủy điện Tiên Thuận gây xói lở làm mất dần, tính đến nay mất cả héc ta, hoa màu nông dân đang canh tác cũng theo đất sạt lở hết xuống sông.

Sau nhiều năm Cty CP Tiên Thuận dây dưa không bồi thường, chính quyền xã Tây Thuận phải vào cuộc làm căng, đến cuối năm 2020 đơn vị này mới xuất chi bồi thường cho 11 hộ dân thôn Hòa Thuận với số tiền hơn 800 triệu đồng.

Đất sản xuất ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị xâm thực khi Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nat xả nước chạy máy. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đất sản xuất ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) bị xâm thực khi Nhà máy thủy điện An Khê-Ka Nat xả nước chạy máy. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“UBND xã đã kiến nghị Công ty CP Tiên Thuận xây dựng kiên cố bờ kè dài khoảng 300m để chống xói lở, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Vào mùa khô, thủy điện An Khê-Ka Nát thi thoảng cũng có xả nước cứu những diện tích lúa của xã Tây Thuận bị hạn, nhưng rất nhỏ giọt, không bõ bèn gì”, ông Nguyễn Văn Chín, Chủ tịch UBND xã Tây Thuận, cho hay.

Còn người dân ở các vùng hạ du thuộc huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng chất chồng lo lắng vào những mùa mưa lũ. Những năm gần đây, năm nào người dân huyện Tuy Phước cũng phải gánh chịu vài ba trận lụt lớn do các nhà máy thủy điện xả lũ.

“Vào mùa mưa, mỗi khi nghe thủy điện xả lũ là người dân cả xã lo sợ không ngủ được, vậy mà có khi vẫn trở tay không kịp, thiệt hại cho người dân là không thể kể xiết. Nỗi ám ảnh về các thủy điện xả lũ đồng loạt, dẫn đến mối họa lũ chồng lũ luôn thường trực trong lòng người dân vùng hạ du”, 1 người dân ở xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước), bộc bạch.

Hồ chứa nước Định Bình, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Định nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có dung tích chứa hơn 220 triệu khối nước 1 thời cũng bị thủy điện “bức tử”. Ấy là thời điểm 2 công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn 3 thi công trên đầu nguồn sông Kôn thuộc địa bàn xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh). Khi ấy, hàng trăm nghìn khối đất, đá được thải ra từ quá trình thi công các công trình thủy điện nói trên đổ xuống dòng sông Kôn, rồi trôi xuống bồi lấp lòng hồ Định Bình.

Thực tế ngược với kỳ vọng

Khi trên sông Kôn nằm trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) được quy hoạch hàng chục nhà máy thủy điện, chính quyền và người dân ở đây lập tức mơ đến con đường dẫn từ thị trấn Vĩnh Thạnh lên xã vùng cao Vĩnh Sơn sẽ được xây dựng bài bản. Bởi, đó chính là con đường dẫn về các công trình thủy điện.

Thời điểm 2 công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn 3 thi công trên đầu nguồn sông Kôn xả hàng trăm nghìn khối đất, đá xuống sông rồi trôi xuống bồi lấp lòng hồ Định Bình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thời điểm 2 công trình thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Vĩnh Sơn 3 thi công trên đầu nguồn sông Kôn xả hàng trăm nghìn khối đất, đá xuống sông rồi trôi xuống bồi lấp lòng hồ Định Bình. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thế nhưng mơ vẫn hoàn mơ, bởi trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh hiện có 5 nhà máy thủy điện lớn đang hoạt động, có thể kể: Nhà máy thủy điện Định Bình có công suất lắp máy 9.9 MW do Công ty CP Thủy điện Định Bình làm chủ đầu tư; nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ có công suất lắp máy 6 MW do Công ty CP Thủy điện Bình Định làm chủ đầu tư; nhà máy thủy điện Ken Lút Hạ có công suất lắp máy 20 MW do Công ty CP Thủy điện Trà Xom làm chủ đầu tư; nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn 5 có công suất lắp máy 28 MW do Công ty CP Đầu tư Vĩnh Sơn làm chủ đầu tư; nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn có công suất lắp máy 66 MW do Công ty CP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư.

Thế nhưng đến nay con đường từ thị trấn Vĩnh Thạnh đi xã Vĩnh Sơn vẫn nát bươm, người đi xe máy nếu không cẩn thận sẽ bị bung tay lái bất cứ lúc nào bởi con đường dày đặc những ổ trâu, ổ voi.

Điều này chứng tỏ, những chủ đầu tư các công trình thủy điện “lười” đầu tư sửa chữa tuyến đường mà người dân địa phương mệnh danh là “con đường thủy điện”, bởi, trên con đường này nhan nhản những tấm biển gắn tên công trình thủy điện.

Dòng sông Kôn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) bị thủy điện 'bức tử' trông như 'dòng sông chết'. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Dòng sông Kôn trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) bị thủy điện “bức tử” trông như “dòng sông chết”. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mất mát do thủy điện lớn là vậy, thế nhưng những gì Bình Định được nhận lại từ thủy điện trong thời gian qua chẳng có là bao. Theo cho biết của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Sở NN-PTNT Bình Định), trong số những nhà máy thủy điện trên địa bàn đã đi vào vận hành, tỉnh Bình Định chỉ thu được tiền dịch vụ môi trường rừng của những nhà máy thủy điện có lưu vực dòng chảy nằm trên địa bàn tỉnh, còn những nhà máy có lưu vực dòng chảy nằm trên địa bàn nhiều tỉnh khác thì khoản dịch vụ môi trường rừng do Trung ương thu, sau đó phân bổ về cho từng tỉnh căn cứ trên lưu vực cụ thể tỉnh đó bị ảnh hưởng.

“Hiện nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Bình Định chỉ thu được khoản dịch vụ môi trường rừng từ 3 công trình thủy điện Trà Xom, Nước Xáng và Ken Lút Hạ, những nhà máy thủy điện khác do Trung ương thu. Hiện mỗi năm tổng thu dịch vụ môi trường rừng của Bình Định từ các công trình thủy điện được trên dưới 7 tỷ đồng, trong đó có khoản điều phối của Trung ương”, ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bình Định, cho hay.

Ông Đinh Khư (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) bày tỏ nỗi lo khi thủy điện xả lũ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ông Đinh Khư (bìa trái), Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định) bày tỏ nỗi lo khi thủy điện xả lũ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Mấy năm gần đây rừng đã bắt đầu “đòi nợ”, càng về sau lũ càng kinh hoàng hơn, những vùng cao thường xuyên xảy ra nạn sạt lở núi.

Theo cho biết của ông ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, mùa mưa bão năm 2020 vừa qua, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh có đến 40 điểm sạt lở núi gần đường giao thông, trong đó có 2 điểm có nguy cơ cao sạt lở cao tại làng Đăk Tral và làng O3 thuộc xã Vĩnh Kim. Giữa mùa lũ mà lãnh đạo UBND tỉnh liên tục đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục.

Vừa rồi UBND tỉnh chỉ đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, thống kê toàn bộ những điểm sạt lở núi trên toàn địa bàn tỉnh để có phương án đối phó lâu dài”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.