| Hotline: 0983.970.780

Bài 2: ASF đã hoành hành như thế nào?

Thứ Ba 25/06/2019 , 14:55 (GMT+7)

Kể từ lần phát hiện đầu tiên cách đây hơn 100 năm, tả lợn châu Phi (ASF) đã nhiều lần hoành hành, gây thiệt hại kinh tế lớn cho loài người.

Ve rừng Kenya

Những thông tin đầu tiên được ghi chép về ASF là từ năm 1921, tại Kenya. Theo số liệu của Bộ Y tế quốc gia Đông Phi này, những cá thể lợn có triệu chứng nhiễm ASF như sốt cao, tai và bụng có nốt xuất hiện, thở bất thường bắt đầu có từ năm 1907, và hầu hết là lợn rừng.

Nhiều quốc gia ban lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn vì sợ ảnh hưởng đàn gia súc trong nước.

Sau đó, bệnh truyền sang lợn nhà do tiếp xúc với lợn rừng mang trên mình loài ve Ornithodoros, được xem là vật trung gian truyền bệnh ASF. Vào thập niên 20, nhận thức về ASF chưa có nhiều. Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) phỏng đoán rằng, người dân cách đây 100 năm đã không triệt bệnh đúng cách và để lợn lành tiếp xúc với máu, dịch nhầy và phân của lợn bệnh, khiến ASF bùng phát.

Trong khoảng 30 năm đầu tiên, kể từ khi ASF được phát hiện, bệnh được giới hạn tại châu Phi. Đến năm 1957, thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha trở thành địa điểm đầu tiên ngoài lục địa đen phát hiện bệnh này ở lợn.

Năm 1960, một vụ dịch nữa xảy ra ở Bồ Đào Nha, trước khi lan dần sang các quốc gia lân cận như Tây Ban Nha, Pháp, Bỉ và các nước Nam Âu trong thập niên 80. Do tỷ lệ tử vong của lợn khi mắc ASF là 100% và văc-xin phòng bệnh chưa được tìm ra, các quốc gia EU đồng thuận việc giết toàn bộ lợn bệnh ngay khi có triệu chứng.

Theo số liệu của BBC, châu Âu đã tiêu hủy khoảng một triệu con lợn trong khoảng thời gian này. Kể từ năm 1990, các nước trong khu vực đồng tiều chung châu Âu – Euro – hầu như không bị ASF đe dọa đàn lợn nhà, ngoại trừ một số vùng rìa tiếp giáp với Đông Âu.

Vụ dịch ASF tồi tệ đầu tiên (bình luận của FAO), diễn ra ở Cuba năm 1971. Trước mốc thời gian này, quốc gia ở vịnh Caribe chưa ghi nhận ca mắc bệnh nào, và vì thế, họ có thể đã lơ là khi lợn mắc bệnh. Hậu quả, 500.000 con lợn bị tiêu hủy chỉ trong vòng một năm. Tại Nam Mỹ, Brazil cũng phải giết hàng trăm nghìn con lợn trong hai năm 1978 và 1979.

Năm 2007, ASF tới khu vực Liên Xô (cũ). Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận là ở Gruzia, sau đó lan sang Armenia, Azerbaijan, Iran, Nga và Belarus. Sau khi được dập, ASF bùng phát lẻ tẻ sau đó một thập niên, tại Ukraine, Estonia và Litva. Trong số này, Estonia là nước bị ảnh hưởng nặng nhất khi gần 20.000 lợn nuôi bị giết và quốc gia này phải vật lộn với hàng trăm tấn lợn chết trong vòng nhiều tháng.

Tại châu Á, ổ dịch ASF đầu tiên được công bố là tại tỉnh An Huy, Trung Quốc, vào tháng 8/2018. Khoảng 40.000 lợn nghi nhiễm bệnh đã bị tiêu hủy để dập dịch. Kể từ đó đến nửa đầu năm 2019, ASF hoành hành dữ dội tại châu Á, với khoảng 90% lợn chết vì nhiễm bệnh được báo cáo tại châu lục này. Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) cho biết, tại châu Á và Phi, ASF mới được tìm thấy trên lợn nhà. Trong khi đó, mềm bệnh ở châu Âu phần nhiều tới từ lợn rừng.
 

Mối nguy từ lợn rừng

Hàng chục triệu con lợn đã bị giết trong 100 năm qua, nhưng nỗ lực ngăn ngừa ASF chưa mang lại nhiều hiệu quả. OIE phỏng đoán, vấn đề có thể nằm ở lợn rừng, nhóm rất khó theo dõi và phát hiện mầm bệnh nhưng lại là món ăn yêu thích của người dân châu Âu. Ve Ornithodoros sẽ hút vi rut khi hút máu trên lợn rừng bị bệnh, rồi truyền cho động vật thụ cảm. Do vi rút ASF có thể sống trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, và tồn tại được trong máu lợn ở khoảng nhiệt 4 độ C lên tới 18 tháng, lợn rừng trở thành nguồn lưu trữ vi rut khổng lồ.

Tháng 1/2019, chính phủ Ba Lan ra lệnh giết hơn 200.000 lợn rừng để phòng ASF.

Tại một số nước châu Âu, như Đan Mạch, nước có kim ngạch xuất khẩu thịt lợn lên tới 2,4 tỷ USD, việc ngăn chặn ASF từ xa là biện pháp được ưu tiên. Chính phủ nước này đã xây hàng rào dài 70 km từ bờ biển, chạy dọc theo biên giới với Đức nhằm ngăn chặn lợn rừng và các tác nhân lây lan ASF. Ông Jens Monk Ebbesen, thành viên Hội đồng Nông nghiệp & Thực phẩm Đan Mạch cho biết: “Dự án này có chi phí lên tới 15,7 triệu USD, và người dân Đan Mạch tham gia đóng góp 6,3 triệu USD”.

Tại CH Czech, sau khi phát hiện vi rut ASF bằng phương pháp kiểm tra ngẫu nhiên của cơ quan thú y, nước này đã cho khoanh vùng khu vực nhiễm bệnh bằng một hàng rào mùi, có chiều dài khoảng 45 km. Mục đích của nước này, giống Đan Mạch, là cách ly lợn rừng và giữ chúng trong khu vực tầm soát.

Trong một đợt kiểm tra đột xuất của cơ quan dịch tễ Bỉ tháng 9/2018, 32 con lợn rừng cho kết quả dương tính với vi rut ASF. Quốc gia Bắc Âu này nhận định, lợn rừng đã được nhập khẩu trái phép từ những nước Đông Âu. Cho đến tháng 10, 4.000 lợn nhà trong khu vực Gaume bị phát hiện nhiễm ASF đã bị tiêu hủy.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.