| Hotline: 0983.970.780

Đa dạng hóa giải pháp trong phòng chống thiên tai

Bài 2: Bảo đảm an toàn cho vùng hạ du

Thứ Ba 05/07/2022 , 14:26 (GMT+7)

Tổ Tư vấn vận hành liên hồ chứa sông Kôn-Hà Thanh, có nhiệm vụ tư vấn, cảnh báo ngập lụt, giúp vận hành điều tiết nước hồ chứa về hạ lưu, tham gia cắt lũ…

Hồ chứa cắt lũ giữ an toàn vùng hạ du

Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trước mùa mưa lũ, đơn vị này đã kiện toàn Tổ tư vấn vận hành liên hồ chứa sông Kôn-Hà Thanh, tổ công tác này có nhiệm vụ theo dõi tình hình mưa để tư vấn, cảnh báo ngập lụt, giúp vận hành điều tiết nước hồ chứa về hạ lưu, tham gia cắt lũ.

Tính toán theo lượng mưa từ 69 trạm quan trắc lượng mưa tự động, 34 trạm quan trắc mực nước tự động, Tổ Tư vấn vận hành liên hồ chứa sông Kôn-Hà Thanh sẽ liên tục điều chỉnh vận hành, khống chế lượng nước qua hồ về hạ lưu luôn nhỏ hơn lượng nước đến hồ; kiểm soát nước lũ qua điều tiết nước từng thời điểm của 3 hồ chứa nước: Hồ Định Bình có dung tích thiết kế 226,3 triệu m3, hồ Núi Một có dung tích thiết kế 110 triệu m3 và hồ Thuận Ninh có dung tích thiết kế 35,36 triệu m3, giữ nước lại trong hồ, làm lệch pha nước lũ lớn cùng dồn dập về sông Kôn là yếu tố then chốt làm giảm ngập vùng hạ lưu.

Hồ Đồng Mít nằm trên địa bàn huyện An Lão (Bình Định) đã tham gia thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ. Ảnh: V.Đ.T

Hồ Đồng Mít nằm trên địa bàn huyện An Lão (Bình Định) đã tham gia thực hiện nhiệm vụ điều tiết nước, cắt lũ. Ảnh: V.Đ.T

“Nếu đồng bằng xảy ra lũ, trong khi mực nước sông ở Bình Nghi (huyện Tây Sơn), Thạnh Hòa (thị xã An Nhơn) đã ở mức gần báo động 3 mà mưa vẫn còn xảy ra lớn thì Sở NN-PTNT sẽ đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các chủ hồ sử dụng dung tích phòng lũ hồ Định Bình, hồ Núi Một, hồ Thuận Ninh để làm giảm áp lực lũ xuống vùng hạ lưu. Đề xuất này phải tính toán hết sức căn cơ vì còn phải đảm bảo an toàn hồ chứa”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

Trước mùa mưa lũ, Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak ký kết Quy chế phối hợp trong công tác vận hành công trình Thủy điện An Khê-Ka Nak với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, huyện và các xã vùng hạ du chịu ảnh hưởng quá trình điều tiết nước; đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân; rà soát, kiểm tra nhân lực, vật lực, thiết bị phục vụ công tác PCTT&TKCN của đơn vị và tổ chức diễn tập phương án PCTT&TKCN.

Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak cũng tổ chức rà soát, kiểm tra toàn diện, quan trắc, đánh giá tình trạng an toàn hồ đập, bảo dưỡng, sửa chữa trước mùa mưa lũ đối với toàn bộ thiết bị, công trình liên quan đến công tác vận hành chống lũ, đặc biệt là tuyến đầu mối; lắp đặt hệ thống loa cảnh báo tại khu vực hạ du công trình, xây dựng các biển cảnh báo dọc hạ lưu và tăng cường bổ sung thêm các biển cấm, biển báo hiệu đường thủy đặt trên bờ khu vực hạ du; duy trì hệ thống thông tin liên lạc, điện thoại vệ tinh đảm bảo thông suốt để phục vụ chỉ đạo điều hành trong mùa mưa lũ.

Những đợt mưa trong thời gian vừa qua đã làm tuyến đường từ trung tâm huyện An Lão đi xã An Vinh bị sạt lở 3 vị trí. Ảnh: V.Đ.T

Những đợt mưa trong thời gian vừa qua đã làm tuyến đường từ trung tâm huyện An Lão đi xã An Vinh bị sạt lở 3 vị trí. Ảnh: V.Đ.T

“Theo Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Kôn-Hà Thanh, vận hành các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn A, Vĩnh Sơn B, Vĩnh Sơn C, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom và hồ thủy lợi Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh, Văn Phong, qua 3 năm thực hiện đã cho thấy hiệu quả thiết thực trong công tác đảm bảo an toàn hồ chứa trong mùa lũ và sử dụng hiệu quả nguồn nước”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho hay.

Lên phương án sơ tán khẩn cấp

Thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến mưa lũ cũng phức tạp hơn qua từng năm. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, ngành chức năng Bình Định kết hợp 3 yếu tố gồm: Sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình; người dân chủ động hơn trước hiểm họa thiên tai. Do đó, để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra, trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các địa phương lên phương án sơ tán khẩn cấp người dân tại vùng có nguy cơ, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Định, trong những năm gần đây, tuy Bình Định không xảy ra lũ lớn, nhưng những đợt mưa kéo dài đã gây sạt lở nhiều nơi, đáng quan ngại là những điểm sạt lở ở các huyện miền núi Vĩnh Thạnh và An Lão. Trước tình hình trên, công tác di dời dân khỏi những vùng nguy hiểm trong mùa mưa lũ đang là mối lo lớn nhất của các ngành chức năng ở Bình Định. Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương trong tỉnh rà soát, tổ chức sơ tán người ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn và đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 khi mưa lũ xảy ra.

Khi mưa lũ xảy ra, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết nước về hạ du, tham gia cắt lũ. Ảnh: V.Đ.T

Khi mưa lũ xảy ra, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết nước về hạ du, tham gia cắt lũ. Ảnh: V.Đ.T

Đặc biệt, tại khu vực núi Gành ở xã Cát Minh (huyện Phù Cát) có 36 hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở núi rất nguy hiểm, UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo huyện Phù Cát phải bố trí, di dời để ổn định dân cư khẩn cấp đối với 36 hộ dân với hơn 150 nhân khẩu vùng sạt lở đất dưới chân núi Gành trước mùa mưa lũ năm 2022. Theo đó, UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát hoàn thiện, phê duyệt phương án bố trí, ổn định dân cư khẩn cấp cho 36 hộ dân nơi đây như: Giao đất tại khu tái định cư mới; xác định số tiền sử dụng đất, số tiền người dân vùng thiên tai được miễn giảm và bố trí ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, bồi thường cho người dân yên tâm đến nơi ở mới ổn định, an toàn…

Đáng quan ngại nhất là các huyện miền núi ở Bình Định như An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh, Vân Canh có đa số diện tích là đồi núi, khi xảy ra thiên tai, khả năng hỗ trợ ứng phó sẽ rất khó khăn. Các huyện, thị xã, thành phố đồng bằng như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước và Quy Nhơn thì thường bị thiệt hại nặng trong các đợt mưa lũ hàng năm. Đây là nơi tập trung các khu dân cư, trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, du lịch, công nghiệp, các đầu mối giao thông và toàn bộ vùng đồng bằng trù phú của tỉnh, nên khi thiên tai xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn.

Trong những đợt mưa lớn, ở Bình Định có 16 hồ chứa nước lớn tham gia điều tiết nước, góp phần giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu. Ảnh: V.Đ.T

Trong những đợt mưa lớn, ở Bình Định có 16 hồ chứa nước lớn tham gia điều tiết nước, góp phần giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu. Ảnh: V.Đ.T

Theo ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ở những vùng có nguy cơ bị thiệt hại lớn, trước mùa mưa lũ, chúng tôi đã lên phương án sơ tán khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân, triển khai lực lượng hướng dẫn người dân di chuyển an toàn trong mưa lũ. Đặc biệt, tại 1 số địa phương thường xảy ra tình trạng ngập lụt dâng nhanh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định phối hợp với chính quyền các địa phương chuẩn bị phương tiện để kịp thời ứng cứu người dân.

“Ngành nông nghiệp cần chú trọng an toàn đê điều, hồ đập; giám sát an toàn vận hành hồ đập, trong đó có các hồ xung yếu; tập trung tăng cường công tác giám sát các công trình thủy lợi. Mưa lâu sẽ làm đồi núi thấm nước, dẫn đến nguy cơ sạt lở rất cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long lo lắng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất