| Hotline: 0983.970.780

Chông chênh những ngôi làng tái định cư thuỷ điện

[Bài 2]: Đất không lành, chim không muốn đậu

Thứ Sáu 18/08/2023 , 14:17 (GMT+7)

Ngoài những hộ dân không chịu đến khu tái định cư ngay từ đầu, nay đã có thêm nhiều người khác quay lại nơi ở cũ tìm kế mưu sinh. Bởi 'đất mới không lành'...

Những căn nhà tạm trong vùng vùng đệm Vườn Quốc gia Tà Đùng của người dân không chịu về khu tái định cư Đắk P'lao. Ảnh: Phúc Lập.

Những căn nhà tạm trong vùng vùng đệm Vườn Quốc gia Tà Đùng của người dân không chịu về khu tái định cư Đắk P'lao. Ảnh: Phúc Lập.

Những hộ dân quyết bám trụ này đủ điều kiện được cấp 1 suất tái định cư ở khu tái định cư xã Đắk P’lao (huyện Đắk Glong - Đăk Nông). Nhưng họ không chịu dời đi, bởi họ thấy trước viễn cảnh tương lai cuộc sống ở chỗ mới sẽ rất khó khăn. Quả thật, khi cận cảnh cuộc sống của người dân ở khu tái định cư, không khó hiểu vì sao họ nhất quyết bám trụ chốn cũ, mặc dù bây giờ nơi họ đang ở, đang canh tác, chỉ là tạm bợ.

Theo nhau quay về chốn cũ

Theo chân anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội nông dân Đắk P’lao, chúng tôi lần theo con đường mòn đất đỏ dẫn vào những dải đồi chập chùng ven hồ Tà Đùng, thuộc địa phận xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Chừng nửa tiếng sau, chúng tôi gặp vài căn nhà tạm, mái lợp bằng những tấm tôn cũ, vách tre nứa tạm bợ, mỗi căn cách nhau vài trăm mét, nhưng tất cả đều không bóng người, chỉ có vài con gà đang nhẩn nha tìm mồi.

Duy nhất một căn nhà mở cửa, nhưng khi thấy chúng tôi, người phụ nữ bên trong vội kéo cánh cửa tôn khép lại. “Giờ này họ đi làm hết rồi, tìm gặp hơi khó”, anh Bảy nói. Sau khi gọi cho vài người quen và đợi thêm 15 phút, một người đàn ông ngồi trên chiếc xe máy cà tàng chạy đến. Anh Bảy giới thiệu đó là anh K’Siêu, một trong những hộ dân “bám trụ” lòng hồ, không chịu về khu tái định cư.

Bài liên quan

Nơi gia đình anh K’Siêu ở thuộc thôn 1, xã Đắk P’lao cũ, nay là vùng đệm của Vườn Quốc gia Tà Đùng, cách lòng hồ vài trăm mét. “Sao anh không chịu về khu tái định cư, vừa có nhà, đất canh tác, con cái có trường đi học mà ở đây?”, tôi hỏi. Vừa dẫn chúng tôi ra vườn cà phê của gia đình cách đó không xa, anh K’Siêu vừa phân trần: “Chịu thôi. Hồi đó cán bộ lúc đầu dẫn bà con đi xem đất khu tái định cư, cách đường quốc lộ 6 cây số thôi, đất bằng, canh tác tốt, bà con đồng ý ngay. Nhưng đến khi đi bốc thăm nhà thì lại không phải chỗ đó, mà vào thêm 6 cây số nữa, đất đá sỏi nhiều, khô cằn, dốc lắm, không giữ nước, không canh tác được. Ở đây đất tốt, không lo thiếu nước. Mình còn vào rừng kiếm đọt măng, rau rừng, xuống hồ thả lưới kiếm cá ăn được. Ở chỗ tái định cư, người ta cũng đóng cửa đi làm tứ tán chứ có mấy người ở đâu. Mình ở đây không phá rừng là được mà”.

Cách nhà anh K’Siêu chừng 2 cây số, chúng tôi tình cờ gặp một phụ nữ đang lúi húi chăm cà phê. Thấy người lạ dừng xe ghé vào, người phụ nữ tỏ vẻ ngại ngùng, muốn tránh mặt. Đến khi được anh Bảy giới thiệu, chị mới rụt rè: “Cuộc sống ở khu tái định cư khó khăn quá, buộc phải quay lại đây để làm thôi chứ nếu ở đó mà được cấp đủ đất, có nước để canh tác thì chẳng quay lại đây làm gì để cán bộ phải đến nhiều lần đâu”. Nghe đến đây, chúng tôi mới hiểu vì sao chị muốn né tránh.

Nhìn từ quốc lộ 28, những căn nhà của người dân còn 'cố thủ' chốn cũ như những chấm nhỏ, lẩn khuất trong lùm cây. Ảnh: Phúc Lập.

Nhìn từ quốc lộ 28, những căn nhà của người dân còn "cố thủ" chốn cũ như những chấm nhỏ, lẩn khuất trong lùm cây. Ảnh: Phúc Lập.

Sau khi tôi hỏi vài lần, người phụ nữ mới lí nhí giới thiệu tên Vi Thị Duyên, quê gốc ở Cao Bằng. Chị kể, cách đây gần 40 năm, chị theo cha mẹ cùng 1 số bà con khác từ quê vào vùng Đắk Som này, rồi chọn khu vực lòng hồ hiện nay định cư. Sau vài năm, gia đình chị khai hoang được hơn 5ha đất rẫy trồng cà phê, hoa màu, cuộc sống khá bình yên, đến năm 2005, khi dự án thuỷ điện Đồng Nai 3 chính thức khởi công, cuộc sống bắt đầu thay đổi theo chiều hướng khó khăn hơn. Đến năm 2010, mọi người chính thức phải di dời, nhường đất cho hồ Tà Đùng tích nước.

Chị Duyên cho biết, vườn cà phê này là đất cũ của gia đình, may mắn không bị ngập nước, cách đây 6-7 năm, do cuộc sống ở khu tái định cư quá khó khăn, nên 2 vợ chồng chị quay lại khu đất cũ, gây lại vườn cà phê. 2 năm nay bắt đầu có thu hoạch.

“Mấy năm về khu tái định cư, tôi đã muốn quay về đây ngay rồi, nhưng ban đầu cũng chưa dám, nên phải đi làm thuê khắp nơi, chứ ở nhà tái định cư không có việc đâu, mấy sào đất được cấp một mình chồng ở nhà làm không đủ. Mà đất xấu lắm, lại thiếu nước tưới nên cà phê chẳng được bao nhiêu. Không như đất ở đây, không dốc mà đủ nước nên cà phê tốt lắm”, chị Duyên kể.

Chị Vi Thị Duyên: 'Ở đây còn có việc để làm chứ khu tái định cư lấy gì ăn?'. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Vi Thị Duyên: "Ở đây còn có việc để làm chứ khu tái định cư lấy gì ăn?". Ảnh: Phúc Lập.

Đã nghèo, nay còn nghèo hơn

Nhưng, những hộ như chị Duyên, anh K’Siêu, anh K’Ny, K’Bảy…vẫn còn may mắn khi được cấp vài sào đất canh tác, chưa kể 1 sào đất ở và vườn. Bởi còn có nhiều người sau khi trả mặt bằng cho thuỷ điện, họ trắng tay. Đó là những hộ đến định cư ở vùng lòng hồ thời điểm sau những năm 2005, không có hộ khẩu, không đủ điều kiện được cấp đất sản xuất, chỉ có 400m2 đất để tự làm nhà ở. “Họ đến sau, đúng ra là không được gì đâu, nhưng mà chính quyền cũng hỗ trợ họ có nơi ăn ở thôi”, anh Bảy cho biết.

Gia đình chị H’Loan là một trong số những hộ như thế. Ngoài mảnh đất ở 400m2 ra, vợ chồng chị chỉ có 2 bàn tay trắng và 3 đứa con nhỏ. Nên sau khi về khu tái định cư, vợ chồng chị tìm cách khai hoang đất xung quanh để canh tác. Nhưng chưa kịp thu hoạch gì thì đã bị thu hồi.

Cực chẳng đã, vợ chồng chị lại phải khăn gói vào khu lòng hồ, cất tạm căn chòi lá trên mảnh đất rẫy cũ chưa bị nước nhấn chìm để trồng cà phê. “Cuộc sống ở đây cũng tạm bợ lắm, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng có đất trồng tỉa, có nước, còn hy vọng có cái ăn. Chứ ở nhà mới mà không có gì làm thì lấy gì ăn”, chị H' Loan nói.

Trẻ em ở khu tái định cư Đắk P'lao. Ảnh: Phúc Lập. 

Trẻ em ở khu tái định cư Đắk P'lao. Ảnh: Phúc Lập. 

Nói về thực trạng người dân khu tái định cư quay lại lòng hồ sinh sống, anh Bảy phân tích: “Ban đầu, có 540 hộ phải di dời đến khu tái định cư, trong đó có 432 hộ đủ điều kiện được cấp 400m2 đất ở, 600m2 vườn và 1ha đất canh tác. Số còn lại không đủ điều kiện, nên chỉ được cấp 400m2 đất ở. Tuy nhiên, ngay cả những hộ đủ điều kiện cũng chưa được cấp đủ đất. Đến nay, sau 13 năm thì số hộ đã tăng lên 836, với khoảng 4.000 nhân khẩu. Trong khi đất sản xuất, mọi thứ vẫn không thay đổi gì, nên cuộc sống ngày càng khó khăn hơn.

Hiện tại, mấy cái giếng khoan của bên dự án đã hư hết rồi, không còn sử dụng được, người dân phải góp tiền khoan giếng lấy nước sinh hoạt, 4 - 5 nhà chung một cái. Còn nước phục vụ nông nghiệp thì trông vào ông trời. Cho nên, người ta quay lại lòng hồ tìm kế mưu sinh cũng là chuyện dễ hiểu thôi. Hồi mới di dời, chỉ có khoảng hơn hai chục hộ không chịu nhận tiền đền bù, vẫn bám trụ. Nhưng sau đó, thỉnh thoảng lại có người ở khu tái định cư do làm ăn khó khăn, âm thầm quay lại lòng hồ. Bây giờ có khoảng 60 hộ ở trong ấy rồi”.

Ở Đắk P'lao, nước sinh hoạt đã khó, nước phục vụ tưới tiêu càng khó hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Ở Đắk P'lao, nước sinh hoạt đã khó, nước phục vụ tưới tiêu càng khó hơn. Ảnh: Phúc Lập.

Cùng nói về những bất cập ở khu tái định cư Đắk P’lao, ông K’Lớ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk P’lao trầm ngâm: “Thực ra, khu tái định cư cũng có cái ưu điểm chứ không phải xấu hết. Ví dụ như cơ sở hạ tầng, nhà cửa xây dựng đàng hoàng, điện, đường, trường, trạm đầy đủ. Nhưng cái chưa tốt thì cơ bản là nhiều. Trong đó quan trọng nhất là tư liệu sản xuất, đa số các hộ còn chưa được cấp đủ đất canh tác như cam kết ban đầu. Như nhà tôi, đến giờ cũng mới được cấp tổng cộng 4 sào, vừa đất ở vừa đất canh tác. Chưa kể là đất xấu, dốc, lại thiếu nước trầm trọng, càng canh tác càng lỗ, nhưng không làm thì không được. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn, nhiều nhà đã đóng cửa đi các nơi tìm việc làm từ lâu.

Với vài sào đất địa hình dốc, xấu thế này, rất khó để người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Phúc Lập.

Với vài sào đất địa hình dốc, xấu thế này, rất khó để người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Phúc Lập.

Ban đầu họ dự kiến quy hoạch đất cấp cho bà con tái định cư là 650ha, nhưng sau đó, bên ngành nông nghiệp tỉnh đi rà soát lại thì chỉ có hơn 160ha đất đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp. Còn lại là đất sỏi, đất dốc, đất lâm nghiệp, đất của hộ gia đình, doanh nghiệp chưa thỏa thuận đền bù xong…tính ra đến nay toàn khu tái định cư mới chỉ có khoảng 250ha đất canh tác, cấp cho 432 hộ đủ điều kiện, bình quân mỗi hộ được khoảng 4 - 5 sào. Cũng có 1 số hộ đã được cấp đủ, nhưng không nhiều”.

“Bây giờ, cái quan trọng nhất để người dân gắn bó với khu tái định cư là đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước phục vụ tưới tiêu. Chỉ cần có mấy thứ đó thì người ta sẽ về ngay, không ai muốn quay về lòng hồ đâu. Còn nếu tình trạng này kéo dài, không có giải pháp khả thi để ổn định cuộc sống cho người dân thì chắc sẽ còn nhiều người quay lại chỗ cũ tìm cách mưu sinh thôi”, ông K’Lớ, nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Đắk P’lao.

Xem thêm
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác an toàn, vệ sinh lao động

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khởi động dự án nhà ở xã hội đầu tiên trong năm 2024 tại Đồng Nai

Đồng Nai Ngày 21/5, tại phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa (Đồng Nai) diễn ra Lễ khởi động dự án xây dựng nhà ở xã hội, do Công ty CP Chương Dương Homeland tổ chức.