| Hotline: 0983.970.780

Chông chênh những ngôi làng tái định cư thủy điện

[Bài 1]: Khu tái định cư… tái nghèo

Thứ Năm 17/08/2023 , 09:00 (GMT+7)

Sau 13 năm về ở khu tái định cư, cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây vẫn 'chông chênh' như những mảnh rẫy cheo leo trên sườn đồi dốc mà họ được cấp.

Đặc điểm chung của những khu tái định cư dù đã có nhiều năm này là cuộc sống người dân còn quá chật vật, dù có nơi được đầu tư rất bài bản nhưng vẫn chưa có người ở.  

Nhiều hộ chưa đủ đất canh tác

Nhìn từ trên cao, khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3 ở xã Đắk P’lao mới, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông khá bài bản, khang trang. Những ngôi nhà cùng kiểu dáng, màu sơn xanh sáng xếp hàng ngay ngắn, nằm tương đối tập trung ở dọc 2 bên đường chính. Nhưng, nhìn ra xung quanh, là hình ảnh da báo loang lổ. Đó là đất canh tác, sản xuất của chủ đầu tư thủy điện cấp đền bù cho người dân đủ điều kiện tái định cư. Do địa hình xấu, nhiều khoảnh dốc hơn 40 độ, đất lại khô cằn nên khó canh tác, chăm sóc lại càng khó hơn.

Đường vào khu tái định cư xã Đắk P'lao, Đắl Glong. Ảnh: Phúc Lập.

Đường vào khu tái định cư xã Đắk P'lao, Đắl Glong. Ảnh: Phúc Lập.

Khu tái định cư nằm cách QL28 12km. Con đường đi vào nay đã được trải nhựa, dù không rộng lắm, đủ cho hai chiếc xe tải tránh nhau. Nhưng không gian đầy nắng gắt và gió, những ngôi nhà tái định cư được xây dọc hai bên đường, phần lớn cửa đóng khoá ngoài, nhiều nhà đã đóng cửa nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, vì chủ nhân không ở, hoặc phải bỏ đi làm ăn xa.

Năm 2010, khi công trình thủy điện Đồng Nai 3 tích nước, gần 100% diện tích xã Đắk P’lao cũ nằm dưới lòng hồ Tà Đùng ngày nay, khiến gần 600 hộ với hơn 2.100 người dân trong xã phải di dời đến nơi ở mới, đó là một phần diện tích xã Quảng Khê.

Trong số dân di cư này, chỉ có 432 hộ với gần 600 người đủ điều kiện tái định cư (có hộ khẩu tại xã Đắk P’lao cũ từ năm 2006 trở về trước). Những hộ này được cấp 1 sào đất ở (gồm 400m2 đất thổ cư, 600m2 đất vườn) cùng 1ha đất sản xuất. Gần 200 hộ còn lại không đủ điều kiện tái định cư, chỉ được cấp đất ở, không có nhà xây sẵn, cũng không có đất canh tác.

Người dẫn chúng tôi đi mục sở thị khu tái định cư này là Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk P’lao Nguyễn Văn Bảy, sinh năm 1978, dân tộc Mường. Gia đình anh Bảy là một trong số 432 hộ dân xã Đắk P’lao phải di dời về nơi ở mới để nhường đất cho dự án thủy điện. Nhờ biết làm ăn, anh Bảy được đánh giá là người giàu nhất xã Đắk P’lao hiện nay với 5ha đất vườn ngay trên đường vào khu tái định cư, cách quốc lộ 28 sáu km, anh mua từ khi nhà còn ở nơi cũ, chưa bị nước hồ nhấn chìm. Hiện khu vườn trồng sầu riêng, bơ đang cho thu hoạch. Trên đất này, anh vừa xây xong căn biệt thự thuộc loại đẹp nhất vùng Đắk Glong. Chính vì thế, dù được cấp nhà ở khu tái định cư nhưng anh không ở mà cho người bạn mượn.

Khu tái định cư Đắk P'lao được đầu tư khá bài bản. Nhưng khu nhà 2 bên đường nằm trên đình dải đồi hẹp, như sống trâu, còn phía dưới rất dốc, là đất canh tác. Ảnh: Phúc Lập.

Khu tái định cư Đắk P'lao được đầu tư khá bài bản. Nhưng khu nhà 2 bên đường nằm trên đình dải đồi hẹp, như sống trâu, còn phía dưới rất dốc, là đất canh tác. Ảnh: Phúc Lập.

“Bà con trong khu tái định cư còn nghèo, khó khăn lắm. Từ hồi vào khu tái định cư đến giờ, đa số chưa được chủ đầu tư cấp đủ đất sản xuất, chưa kể nhiều người chưa được cấp đất canh tác. Theo thoả thuận khi di dời, mỗi hộ đủ tiêu chuẩn tái định cư, sẽ được cấp 1 sào đất ở và 1ha đất canh tác. Nhưng đến nay, sau hơn chục năm, đại đa số mỗi hộ mới chỉ được cấp từ 3-6 sào đất canh tác. Nguyên nhân là vì không có đất sạch. Ban đầu họ thu gom được 650ha để cấp cho bà con. Nhưng sau khi rà soát lại thì chỉ có hơn 100ha đủ điều kiện cấp. Phần lớn còn lại là đất lâm nghiệp, đất không đủ tiêu chuẩn canh tác. Nhưng ngay cả đất đã cấp cho bà con cũng rất xấu, độ dốc lớn, nước tưới không có nên trồng cây gì cũng không hiệu quả. Trong khi đó, bình quân mỗi hộ có từ 6-7 khẩu đến hơn chục người. Vậy làm sao không nghèo được”, anh Bảy nói.

Anh Bảy cho biết, ban đầu, chủ đầu tư thủy điện chọn nơi tái định cư cho bà con ở phía ngoài, cách QL 28 sáu km, tức ngay khu vực nhà anh bây giờ. Khu vực này đất khá bằng, ở hay canh tác cũng thuận lợi. “Lúc đó, từ đầu QL 28 vào đây, toàn rừng, đất bằng, cách trung tâm xã Quảng Khê 6km, khi chủ đầu tư đưa đại diện người dân đến xem, họ đồng ý ngay. Nhưng đến khi xây dựng thì lại lùi vào sâu bên trong thêm 6km nữa, là địa điểm hiện nay, khiến mọi người ngỡ ngàng, ai cũng lắc đầu ngao ngán khi nhìn thấy những khu đất canh tác nằm treo leo trên sườn dốc cao”, anh Bảy cho biết.

Hiện nay, tổng số hộ dân ở khu tái định cư Đắk P’lao đã tăng gần gấp đôi, từ 432 hộ ban đầu năm 2010, lên 828 hộ. Số tăng thêm này một phần do tách hộ, phần khác là những người không nằm trong số 432 hộ đủ tiêu chuẩn.

Rất nhiều những ngôi nhà ở khu tái định cư 'cửa đóng then cài'. Ảnh: Phúc Lập.

Rất nhiều những ngôi nhà ở khu tái định cư "cửa đóng then cài". Ảnh: Phúc Lập.

Khó khăn chồng chất

Trong ngôi nhà tái định cư của anh Bảy, chúng tôi đã có cuộc gặp và trò chuyện với anh K’Ny, 46 tuổi, trưởng bon B’Tong, anh K’Bảy, trưởng bon B’Nơm và anh Giàng A Sì, trưởng thôn 5, xã Đắk P’lao. Anh Bảy cho biết, đây là những người chịu khó làm ăn nhất ở Đắk P’lao, có thể coi là khá ở làng tái định cư này, nhưng cuộc sống của họ chẳng hơn gì những người trong diện hộ nghèo.

“Anh K’Ny được cấp đủ 1ha đất canh tác chưa?”, tôi hỏi. “Mới có 4 sào thôi”, K’Ny đáp. “Đất có ở gần nhà không? Anh đang trồng cây gì?”. “Đất cách đây mấy cây số, dốc lắm, không có nước nên chỉ trồng được cà phê thôi. Mới thu hoạch được 2 năm. Chẳng được bao nhiêu. Mùa mưa thì đỡ chứ mùa này cà cháy hết rồi”, anh K’Ny nói.

Anh Giàng A Sì, trưởng thôn 5: 'Cuộc sống bà con ở đây còn khó khăn lắm, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do đất xấu, dốc, nên không có thu bao nhiêu'. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Giàng A Sì, trưởng thôn 5: "Cuộc sống bà con ở đây còn khó khăn lắm, dù chăm chỉ làm ăn, nhưng do đất xấu, dốc, nên không có thu bao nhiêu". Ảnh: Phúc Lập.

Ngoài 4 sào đất được cấp, anh K’Ny còn khai hoang được 1,6ha, cũng trồng cà phê. Mới đây, khi anh làm đơn xin cấp sổ đỏ cho 1,6ha này, nhưng anh được thông báo rằng nếu làm sổ số đất này thì coi như đất tái định cư đã cấp đủ, không được cấp thêm 6 sào đất canh tác còn thiếu nữa.

“1,6ha này là do gia đình tôi khai hoang, đâu có liên quan đến 1ha được cấp tái định cư. Nên họ nói vậy tôi thấy không đúng đâu. Nhưng mà bây giờ tôi không biết làm sao nữa”, K’Ny nói.

Tôi quay sang hỏi anh K’Bảy, 42 tuổi, trưởng bon B’Nơm: “Có ai chưa được cấp đất sản xuất không?”. Anh đáp: “Có. Ngoài 42 hộ đủ điều kiện về khu tái định cư như chúng tôi nhưng họ không về, nên chưa có đất sản xuất, theo tôi biết thì còn một số hộ khác chưa được cấp. Ngay tại bon tôi, lúc mới về đây, có 28 hộ chưa có đất canh tác”.

Anh K’Bảy, Trưởng bon B’Nơm: 'Đất dốc đã đành, đa số bà con chưa được cấp đủ đất canh tác như bên thuỷ điện cam kết ban đầu'. Ảnh: Phúc Lập. 

Anh K’Bảy, Trưởng bon B’Nơm: "Đất dốc đã đành, đa số bà con chưa được cấp đủ đất canh tác như bên thuỷ điện cam kết ban đầu". Ảnh: Phúc Lập. 

Anh K’Bảy cho biết, lúc mới về khu tái định cư, bon anh có 100 hộ, ngoài ra còn hơn 20 hộ đủ điều kiện nhưng không về ở. Bây giờ, số hộ bon B’Nơm đã lên 162 hộ, với khoảng hơn 600 nhân khẩu. “Nhưng số người thực tế ở thôn hiện giờ không bao nhiêu đâu, vì khó khăn quá nên hiện họ đi khắp nơi làm thuê rồi, nhiều nhất là sang Lâm Đồng, rồi Bình Dương, Đồng Nai, ai có người quen giới thiệu chỗ nào có việc làm là đi”.

Khó khăn nhất ở khu tái định cư Đắk P’lao là thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cây trồng. Anh K’Bảy cho biết, gia đình anh phải đầu tư cả trăm triệu đồng để khoan giếng. “Sao hết nhiều tiền vậy?”, tôi thắc mắc. “Khoan 2 cái mà. Cái đầu tiên khoan xong cũng có nước, mà chỉ được ít thôi, không đủ dùng, nên sau lại phải khoan thêm cái thứ 2 hết bốn mấy triệu nữa. Mà khoan sâu lắm, hơn trăm mét mới có nước”, K’Bảy đáp.

“Công ty thủy điện làm nhà sẵn mà không có giếng nước riêng sao?”, tôi hỏi. “Làm gì có. Cả khu tái định cư chỉ có 3 cái giếng khoan thôi, 1 cái hư rồi, 2 cái không đủ nước. Mà nhiều nhà phải đi xa, leo dốc cao để gùi nước về, phụ nữ yếu không đi lấy nước được đâu”, anh K’Bảy cho hay.

Theo lời anh Bảy thì 3 giếng nước này có công suất khoảng 260m3/ngày đêm. Nhưng xây dựng xong và bàn giao cho xã quản lý không được bao lâu thì 1 cái hư, còn 2 thì cũng cầm chừng, nước lúc có lúc không”. 

Anh K’Ny, trưởng bon B’Tong, được cấp 4 sào đất canh tác, anh khai hoang thêm được 1,6ha từ trước, nhưng vẫn chỉ đủ 'đắp đổi qua ngày' vì đất dốc, xấu, thiếu nước tưới, trồng cây gì cũng không có năng suất. Ảnh: Phúc Lập.

Anh K’Ny, trưởng bon B’Tong, được cấp 4 sào đất canh tác, anh khai hoang thêm được 1,6ha từ trước, nhưng vẫn chỉ đủ "đắp đổi qua ngày" vì đất dốc, xấu, thiếu nước tưới, trồng cây gì cũng không có năng suất. Ảnh: Phúc Lập.

Vợ chồng anh K’Bảy thuộc loại “giàu” nhất ở khu tái định cư với 7ha đất trồng cà phê và 4 sào đất được cấp. Nhưng mỗi năm cũng chỉ thu được hơn 200 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Mặc dù rất cần cù, chịu khó chăm bón, nhưng mỗi năm chỉ thu được gần chục tấn cà phê nhân, tức năng suất chỉ đạt hơn 1 tấn/ha. “Chỉ đủ ăn thôi, còn tiền khoan giếng, đầu tư phân bón cho vườn cà phê phải đi vay”, anh nói.

“Phần lớn người dân khu tái định cư này là đồng bào tại chỗ, một phần khác là đồng bào thiểu số di cư từ ngoài Bắc vào. Họ sống chủ yếu nhờ nương rẫy, dựa vào nguồn nước sông, hồ, suối, sản xuất chủ yếu theo tập tục lạc hậu nên khi lên tái định cư, thiếu đủ thứ, đất không đủ sản xuất, thiếu nước, địa hình lại dốc, nên càng khó khăn hơn. Nếu không có gì đột phá thì dân tái định cư còn khổ dài dài, khó mà giảm nghèo được chứ đừng nói thoát nghèo”, anh Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk P’lao chia sẻ.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.