| Hotline: 0983.970.780

Thủy sản bền vững, trách nhiệm: Không còn đường khác

[Bài 2] Vật vã chuyển đổi

Thứ Tư 10/05/2023 , 16:33 (GMT+7)

Bà Rịa - Vũng Tàu đang mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm quy định khai thác thủy sản. Tỉnh cũng nỗ lực hỗ trợ ngư dân chuyển đổi hoặc an tâm bám biển.

"Khai tử" gần 1.200 tàu thuyền

Thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, toàn tỉnh có gần 5.400 tàu cá, trong đó gần 3.000 tàu cá đánh bắt xa bờ. Năm 2023, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt sản lượng khai thác trên 360.000 tấn. Thế nhưng, theo đánh giá, con số này khó đạt được khi ngư dân liên tục bị những “vòng kim cô” bủa vây, chưa có dấu hiệu khả quan.

Nhiều ngư dân rơi vào cảnh bế tắc do không thể xuất bến do các quy định về đánh bắt nhưng cũng chưa thể chuyển đổi nghề. Ảnh: Lê Bình.

Nhiều ngư dân rơi vào cảnh bế tắc do không thể xuất bến do các quy định về đánh bắt nhưng cũng chưa thể chuyển đổi nghề. Ảnh: Lê Bình.

Dư âm của đại dịch Covid-19 còn tác động dai dẳng đến việc vươn khơi của các ngư dân. Gần đây, giá xăng dầu liên tục tăng cao cũng là nguyên nhân khiến việc vươn khơi trở nên vô cùng khó khăn. Chưa kể, khó khăn trong việc tìm kiếm nhân công đi biển và tiền công quá cao cho lao động mà nguồn tôm cá lại đang cạn kiệt. Vì thế, nhiều chủ thuyền đành phải neo đậu, đắp cát tàu thuyền vì không đủ kinh phí vươn khơi. Nhiều người buộc phải “xẻ thuyền bán ve chai” để tìm kế sinh nhai, trả nợ.

Từ năm 2020 đến nay, số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã giảm 20%, tương đương với gần 1.200 chiếc. Cụ thể, năm 2020 toàn tỉnh có hơn 5.800 chiếc tàu, đến nay chỉ còn gần 4.700 chiếc.

Đáng nói, số tàu cá giảm chủ yếu ở nghề khai thác gần bờ và tàu khai thác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản như tàu giã cào, đây là ngành nghề mà chủ trương của tỉnh phải giảm dần và chuyển đổi nghề, tính đến cuối tháng 3/2023 đã giảm 220 chiếc so với năm 2019, hiện còn gần 1.400 chiếc; nhóm tàu khai thác vùng ven bờ, vùng lộng cũng giảm.

Trước vấn đề này, ông Lê Tòng Văn - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết, tỉnh đã có quy hoạch phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản theo hướng bền vững, giảm dần đến cấm những hành động làm nguy hại đến nguồn lợi tôm cá và môi trường sinh thái. Song song đó, tỉnh cũng khuyến khích các nghề đánh bắt có tính thân thiện hơn với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực…

"Chúng tôi cũng tham mưu cho Sở NN-PTNT tỉnh, cùng phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân để bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tiếp tục vận động ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp từ giã cào sang ngành nghề khai thác thủy sản khác; tăng cường phối hợp với lực lượng biên phòng, cảnh sát biển… tổ chức tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm”, ông Văn trao đổi.

Giã cào là nghề phá hủy môi trường, sinh vật tầng đáy, làm mất cân bằng hệ sinh thái biển, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, gây hại đến những loài thủy sản cần được bảo vệ như: rạn san hô, rùa biển, vích, đồi mồi, bò biển…

Theo Nghị định số 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, không cho phép tàu công suất 90CV trở lên hành nghề giã cào bay hoạt động tại tuyến bờ và tuyến lộng. Tuy nhiên, nhiều tàu hành nghề giã cào có công suất từ 150 - 800 CV thường hoạt động ở vùng biển có độ sâu 30m trở vào bờ.

Đừng để ngư dân "túng quá làm liều"

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định, cùng với việc thực hiện chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) thì ngăn chặn các tàu thuyền khai thác tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái cũng được đặt trong tình trạng cấp bách. Điều này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến việc khai thác, kinh tế địa phương trong tương lai gần. Do đó, tỉnh kiên quyết thực hiện các biện pháp để bảo vệ nguồn lợi tôm cá, thủy hải sản.

Bà Phạm Thị Na - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, thời gian qua, bằng hình thức tuyên truyền của các ngành, các cấp của tỉnh, hầu hết ngư dân ý thức được đâu là nghề đánh bắt tận diệt, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản. Dẫu vậy, không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đổi nghề, có khi túng quá - họ làm liều.

Nỗ lực tìm hướng chuyển đổi cho bà con ngư dân, ngành NN-PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khuyến khích ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu cá công suất lớn để vươn ra khai thác tại các ngư trường xa bờ; tìm kiếm các nguồn lực khác hỗ trợ cộng đồng trong đào tạo nghề, hỗ trợ lãi suất ngân hàng để ngư dân có điều kiện chuyển đổi nghề. Thế nhưng, việc này đòi hỏi cả quá trình bền bỉ, cả về phía các ngành chức năng và ngư dân.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam có mặt tại cảng tàu thuyền Bãi Trước (TP Vũng Tàu). Khi được  hỏi về việc chuyển đổi, nhiều ngư dân cho biết khó khăn nhất là thiếu vốn để chuyển đổi nghề. Ông Nguyễn Văn Điển - ngư dân từng nhiều năm hành nghề giã cào bay thở dài, bởi sau khi chấp hành việc thôi hành nghề giã cào thì hiện tại ông vẫn chưa thể chuyển đổi được. Theo ông Điển, chuyển đổi nghề  phải có vốn lớn để thay đổi hoàn toàn mà việc tiếp cận vay vốn từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước lại vô cùng khó khăn.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân an tâm bám biển, chuyển đổi nghề để bảo vệ nguồn lợi tôm cá. Ảnh: Minh Sáng.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, đồng hành cùng người dân an tâm bám biển, chuyển đổi nghề để bảo vệ nguồn lợi tôm cá. Ảnh: Minh Sáng.

"Chưa kể, để chuyển đổi tập quán đánh bắt đã quen từ trước đến nay rất khó, cần có thời gian để làm quen. Tìm được tài công biết nhìn được luồng cá nổi, chọn con nước, điểm đánh cá cũng cực khó. Bạn ghe đi lưới rê thì phải biết vá lưới, xông lưới, cột triêng…", ông Điển phân tích. Thế nên, phương án tạm thời của ông là đi theo các tàu khác để học hỏi kinh nghiệm, cũng là cơ hội để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đến nay, Sở NN-PTNT tỉnh cũng đã thực hiện lấy ý kiến góp ý lần 5, đang hoàn thiện Đề án Chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản trên biển để trình UBND phê duyệt Đề án theo quy định.

Riêng tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân, UBND tỉnh đã có báo cáo số 14200/UBND-VP kiến nghị gửi Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao đối với chủ tàu, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản.

Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu đối với chủ tàu cá có tàu tạm ngưng hoạt động; hỗ trợ 3 triệu đồng/thuyền viên, người lao động trên tàu khai thác thủy sản đang tạm ngưng hoạt động. UBND tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ tối đa 30% tổng số tiền chênh lệch giá dầu trong chuyến biển tham gia hoạt động khai thác thủy sản trong thời gian ảnh hưởng của giá dầu tăng.

Cần đào tạo lao động có tay nghề đánh bắt

Theo ông Phan Thạch - Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, hiện nay việc tìm bạn tàu rất khó vì ngay con cái ngư dân cũng không nối nghiệp. Các chủ tàu cũng rất chới với để tìm bạn tàu, thậm chí thông qua "cò" để tìm những người chưa có kinh nghiệm để thế chân. Điều này mang nhiều tính may rủi, ảnh hưởng cả về số lượng thủy hải sản đánh bắt và tính ổn định của nhân lực.

Ông Thạch cho biết, Bộ NN-PTNT cũng tìm các đơn vị đứng ra chuyển giao công nghệ đánh bắt cá cho ngư dân một cách bài bản. Đánh bắt muốn bền vững và trở thành ngành nghề chủ lực thì vai trò đào tạo nhân lực cần được quan tâm đúng mức, có đủ kĩ năng, trình độ.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.