| Hotline: 0983.970.780

Bài 3: Đói nghèo truyền kiếp

Thứ Tư 07/03/2012 , 09:42 (GMT+7)

Người nông dân miền núi không có đất, sinh đẻ vô tội vạ hoặc sa chân vào những tệ nạn xã hội thì đói nghèo truyền kiếp là đương nhiên...

Các cụ xưa có câu: Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, muốn nhắn nhủ con cháu phải biết tự mình vươn lên, vượt qua gian khó để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Khốn nỗi, người nông dân miền núi không có đất, sinh đẻ vô tội vạ hoặc sa chân vào những tệ nạn xã hội thì đói nghèo truyền kiếp…

>> Bài 1: Mùa đói trên núi cao
>> Bài 2: Đói ở bản tái định cư

Trưởng bản Nà Lại Lò Văn Chang đang đan rào trên đám ruộng một vụ trước nhà, đây là bản của người Khơ Mú xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên (Lai Châu) mà tôi đã biết mấy chục năm rồi. Kỳ thực, tôi chưa thấy ở đâu lại nghèo như họ, mấy chục năm rồi vẫn cứ đói nghèo. Người Khơ Mú có nguồn gốc phía Nam Trung Quốc, sau những cuộc chiến tranh sắc tộc kéo dài họ dạt xuống miền núi phía Bắc Việt Nam từ mấy thế kỷ trước. Họ tụ lại bên dòng suối Nặm Be sinh cơ lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. Tôi biết ông Lò Văn Mu là người đúc lưỡi cày nổi tiếng của mấy huyện: Than Uyên, Tam Đường, Phong Thổ khi xưa.  

Những đứa trẻ bản Nà Lại trong mùa đói

Ông cũng là người làm ruộng nổi tiếng, chỉ riêng bàn tay ông đã khai khẩn vài ha ruộng từ các đám sình lầy. Mỗi năm chỉ cấy một vụ nhưng đủ thóc ăn cả năm. Một dạo huyện Than Uyên mời ông làm chuyên gia cho lò đúc lưỡi cày của huyện, lương gấp ba, bốn lần thợ, làm được mấy tuần thì ông bỏ về, vì ông nhớ vợ, ham "đúc người" hơn là đúc lưỡi cày. Vợ ông đẻ gần chục đứa con, mỗi lần con cái ông xây dựng gia đình ông lại cắt ruộng chia cho mỗi đứa mấy đám. Người con cả của ông là Lò Văn Ngắm cũng chẳng kém cha, đẻ 8-9 đứa con, thành ra ruộng chia cho mỗi đứa con bây giờ chỉ được vài trăm mét vuông. Như thế còn khá, nhiều gia đình không có đất để chia cho con cái.

Nghe tôi hỏi chuyện đói, Chang ngừng đan rào bảo tôi: Giờ này chẳng ai ở nhà đâu chú ạ, họ đi làm thuê hết cả rồi, khoảng 11 giờ trưa cháu dẫn chú lên mấy hộ nghèo của bản… Bản Nà Lại có 101 hộ năm 2011 có 61 hộ nghèo đói, năm 2012 phấn đấu rút xuống còn 45 hộ. Tôi chả hiểu sự "phấn đấu" ấy là gì, ngay cả mẹ và vợ trưởng bản đây cũng đang đi hái chè thuê ngày kiếm vài chục ngàn. Chang bảo: Trong số hộ nghèo ấy có khoảng hơn chục hộ đói, họ đói lắm, đói quanh năm như gia đình ông Lò Văn Inh, Hoàng Văn Mia, Hoàng Văn Đì, Phan Văn Trình, Vàng Văn Phà, Vàng Văn Den, Vàng Văn Hưng…

Tôi biết, trong số những hộ đói ấy có ba bố con ông Hoàng Văn Mia, Vàng Văn Phà đói truyền kiếp, những hộ này đều không có ruộng nương, quanh năm suốt tháng họ đi làm thuê kiếm ăn. Hình ảnh ông Hoàng Văn Mia hai con mắt mờ đục lui cui trong bếp nướng lá khoai bon giã nhuyễn cho bữa trưa mấy năm trước cứ ám ảnh tôi mãi, đây là bữa ăn "gia truyền" của gia đình ông từ bao nhiêu năm nay rồi. Bao nhiêu năm trước ăn, bây giờ vẫn ăn, chỉ khi nào vợ ông đi hái chè có tiền mới đong được gạo.  

Hai đứa con dâu của ông Vàng Văn Phà trước ngôi nhà rách nát

Đứa con trai và con rể ông là Hoàng Văn Đì và Phan Văn Trình bị người ta lừa bán vào bãi vàng tận Đồng Hỷ tỉnh Thái Nguyên, sau mấy tháng đội đất chui hầm tưởng chết, may mà chúng đã trốn được về không thì đã bỏ xác từ lâu rồi, chúng cũng chẳng có gì để giúp vợ chồng ông cả. Thành ra cả bố lẫn con quanh năm đói khát. Đứa con gái ông là Hoàng Thị Mặc thì bị bán sang Trung Quốc đã chục năm nay chưa một lần về thăm. Khi tôi đến ông không có nhà, cửa khép hờ bằng một tấm phên, cạnh nhà ông lại mọc lên một túp lều nữa, hỏi ra mới biết đó là nhà của vợ chồng Lò Văn Hán - Lò Thị Xương. Hán lấy vợ khi 17 tuổi, vợ 14 tuổi, sinh được hai đứa con, nhưng một đứa chết khi mới sinh. Nhà Hán hết gạo từ lâu lắm rồi, nó đang theo Lò Văn Ngắm đúc lưỡi cày lấy tiền đong gạo.

Trưa tôi theo Chang lên núi tìm đến gia đình ông Vàng Văn Phà. Ba bố con ông ở gần nhau, ông Phà được nhà nước hỗ trợ nên mái nhà lợp bằng tấm lợp, vách trát tooc xi, so với ngôi nhà rách nát như "tổ đỉa" của hai thằng con trai thì đã khá lắm rồi, nhất là con gái ông là Vàng Thị Liên đi "xuất ngoại" sang Trung Quốc làm ăn đã gửi chút tiền về mới sắm được cái tủ gỗ dán.

Ông Phà đi làm thuê không có nhà, chỉ có vợ đang ngồi vẩn vơ trước cửa sưởi nắng. Hai đứa con dâu là Lò Thị Đoai, Lường Thị Hương đang địu con, tôi hỏi: Hai đứa mới đi hái chè thuê về à? Chúng lắc đầu bảo: Chúng cháu ở nhà trông con thôi… Tôi vào nhà Hương ngồi trên chiếc giường chôn bốn cái cọc sát mặt đất. Những tấm giát làm bằng thân cây mai ọp ẹp đã mủn nhiều chỗ. Trong nhà không có một thứ gì đáng giá, tôi nhìn quanh quẩn thấy chiếc tủ đựng thức ăn làm bằng chiếc loa hỏng đặt ở góc nhà, trên đó là một lọ dưa muối, trong chiếc nồi méo mó có những hạt gì đen đen giống như hạt đậu, Hương cũng không biết hạt gì vì mẹ chồng vừa mang xuống cho ba mẹ con ăn bữa trưa.  

Ngôi nhà "tổ đỉa" của gia đình Lường Thị Hương

Chồng Hương là Vàng Văn Hưng đi làm tối mới về, khi đó mới có tiền đong gạo nấu cơm cho cả nhà ăn. Tôi mở chiếc tủ đựng thức ăn, trong đó có một chiếc bát con đựng mấy miếng tóp mỡ đen nhẻm. Hương cúi mặt bảo: Không có ruộng, nghèo đói quá xấu hổ lắm cán bộ ơi…

Cách nhà Ly không xa là Giàng A Ký. Ông bà Ký đông con, chia cho bố mẹ Ký mấy đám ruộng, bố mẹ Ký lại chia ruộng cho các con, phần Ký chỉ được một đám, mỗi năm thu được 60-70 kg thóc, năm nào tốt thì được thu 1 tạ, ngô được thu 6-7 bao. Nhà có 7 khẩu trông vào số lương thực ấy, nên bây giờ đói lắm. Từ sau Tết đến giờ ngày nào Ký cũng đi làm thuê cho những nhà hàng xóm, như: phát cỏ, bổ củi, dựng lại chuồng trâu, chuồng lợn… mỗi ngày được trả công 10-12 bát gạo. Hai đứa con của Ký da xanh xao, mắt cứ trố ra nom sợ lắm…

Không chỉ người dân Nà Lại đói vì thiếu đất sản xuất do đẻ vô tội vạ, ngay cả huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) nơi đất rộng người thưa, nhưng do toàn đồi núi, dốc dựng ngược hiện nay cũng đang trong giai đoạn "khủng hoảng" thiếu đất. Xã La Pán Tẩn có 621 hộ, năm 2011 có 85,98 hộ nghèo, sang năm 2012 do tách hộ nên số hộ nghèo tăng lên 92,96%. Nhìn vào con số ấy mà khiếp, gần như cả xã nghèo đói, sự nghèo đói ngày một tăng mà không biết bao giờ mới dừng. Cách nay ba chục năm vào độ tháng ba Mù Cang Chải ngập màu hoa thuốc phiện, hoa thuốc phiện đẹp rực rỡ trên khắp các triền núi, người ta trồng thuốc phiện để bán cho Công ty Một cây chế biến thuốc tân dược. Di chứng để lại là hàng ngàn người nghiện hút, một dạo người ta thống kê được Mù Cang Chải cứ 10 người thì có một người nghiện.

Bố con Giàng A Ký

Thống kê mới nhất La Pán Tẩn hiện còn 105 người nghiện hút, thì thôn Pú Nhu có hơn 40 người trên 100 hộ. Nơi đây lại thiếu đất sản xuất, số hộ đói ăn từ 2-3 tháng trên 70%, số hộ đói quanh năm, đói "truyền kiếp", đói kiết xác từ đời cha đến đời con khoảng hơn 40%. Tôi theo Phó bí thư Đảng ủy xã Trần Xuân Kiên lên nhà Giàng Páo Ly ở thôn La Pán Tẩn, năm nay 61 tuổi, ông đã nghiện hút 25 năm từng đi cai nghiện ở Trung tâm cai nghiện Thác Bà. Bây giờ về nhà ông vẫn chưa bỏ được thuốc phiện, ông bảo: Thỉnh thoảng mình đến nhà các cụ già xin tý sái hút cho đỡ nhớ. Cũng giống như chơi gái thôi, lâu lâu cũng phải làm một phát… Nhà ông Ly ít ruộng, mỗi năm thu được 30-35 bao thóc, nhà có 7 miệng ăn nên năm nào cũng đói. Ai có việc thì làm, nhưng ông Ly già rồi ít người thuê, ông lên núi nhặt quặng được trả 70-80 ngàn ngày, phần mua gạo phần mua thuốc hút. Năm ngoái được nhà nước cứu đói 5 đợt, nên cũng đỡ, năm nay thì chưa thấy gì...

Xem thêm
Thủ tướng làm Trưởng ban sắp xếp, tinh giản bộ máy của Chính phủ

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp

Các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn liền với chuỗi giá trị giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống hộ nghèo, hộ cận nghèo...

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 1]: Khi rác nhựa là nguồn sống

Gần nửa thập kỷ qua, nghề phân loại, tái chế rác nhựa đã biến phân nửa làng nghề hương tăm truyền thống ở Xà Cầu thành 'thủ phủ' phế liệu lớn nhất thủ đô.