Cà Mau - miền đất đậm đà bản sắc
Ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Cà Mau, cho biết: Cà Mau có vị trí địa lý là điểm cực Nam Tổ quốc, đồng thời nằm trong hành lang phát triển kinh tế phía Nam của chương trình hợp tác phát triển tiểu vùng Mêkông mở rộng. Cà Mau có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế với các nước Đông Nam Á, do vậy rất thuận lợi cho việc hợp tác và hội nhập, nhất là đối với lĩnh vực du lịch Cà Mau.
Là một trong bốn tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, Cà Mau sở hữu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar thế giới), gắn với Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích tự nhiên khoảng 42.000 ha và Vườn Quốc gia U Minh hạ với diện tích 8.286 ha rất thuận lợi đầu tư phát triển du lịch sinh thái. Tiềm năng của rừng, biển và hệ sinh thái động vật, thực vật rất phong phú, trên 200 loài thủy sản của hệ sinh thái mặn, lợ, ngọt.
Bên cạnh đó, Cà Mau cũng là vùng đất hội tụ nhiều di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa, các lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc, mang đậm nét văn hóa nhân văn. Đặc trưng riêng của con người vùng sông nước, sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Cà Mau còn có tài nguyên du lịch nhân văn với nhiều công trình, di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh gắn với quá trình hình thành, xây dựng và phát triển vùng đất, con người, sông nước Cà Mau.
Đặc biệt, cụm công trình Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ là biểu tượng đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau, thể hiện truyền thống luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Cũng tại Mũi Cà Mau biểu tượng Cột cờ Hà Nội đã khẳng định chủ quyền, khát vọng của hòa bình, ấm no và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, chứa đựng tình cảm rất sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội dành cho Cà Mau, là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dãi đất hình chữ “S” hướng ra biển đông thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong những năm qua, Cà Mau đã có nhiều chính sách để bảo tồn di sản văn hóa, di tích lịch sử từng bước gắn kết với phát triển du lịch.
Toàn tỉnh Cà Mau có 12 di tích cấp quốc gia và 32 di tích cấp tỉnh. Có hơn 40 di sản văn hóa phi vật thể được ghi nhận gồm các loại hình ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Trong đó có 3 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và 2 loại hình tri thức dân gian: nghề thủ công truyền thống gác kèo ong và nghề thủ công truyền thống muối ba khía. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về văn hóa phi vật thể hiện có trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào các di sản: Chuyện kể Bác Ba Phi, lễ hội Nghinh Ông, Nghệ thuật Đờn ca tài tử, Nghề truyền thống Gác kèo ong.
Với những tiềm năng lợi thế, Cà Mau mong muốn tiếp tục mở rộng liên kết, hợp tác khai thác và phát triển hài hòa các giá trị văn hóa gắn với du lịch, từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và hướng đến là ngành kinh tế mũi nhọn vào những năm 2030.
Kênh xáng Xà No “Quả đấm chiến lược” của Hậu Giang
Theo các tài liệu nghiên cứu, kênh xáng Xà No được người Pháp tiến hành đào từ mùa khô năm 1901, đến tháng 7/1903 thì hoàn thành, dài khoảng 40 km, nối liền Sông Hậu (từ ngã ba Vàm Xáng Rạch, thành phố Cần Thơ) đến sông Cái Lớn (ngọn rạch Cái Tư).
Kênh xáng Xà No là một tuyến dòng chảy quan trọng, nối sông Mêkông với biển Tây, tạo nên một hệ thống thủy văn thống nhất cho toàn vùng ĐBSCL. Nhờ có con kênh này mà diện tích canh tác lúa của vùng đã tăng lên đáng kể. Kênh xáng Xà No ngoài việc giải quyết tiêu thoát nước cho khoảng 40.000 ha miền đất Hậu Giang phục vụ sản xuất, nó còn là trục kênh rất quan trọng cho việc giao thương lúa gạo miền Hậu Giang và là một con kênh đẹp gắn với lịch sử rất có tiềm năng khai thác du lịch.
Sinh thời, nhà văn Sơn Nam (người được mệnh danh là ông già Nam bộ) nhận xét, việc đào kênh xáng Xà No là “quả đấm chiến lược” về kinh tế và chính trị với Pháp, bởi nó vừa biểu dương sức mạnh cơ giới của phương Tây, vừa mở ra một triển vọng mới trong công cuộc hình thành vựa lúa miền Hậu Giang.
Vị trí được khẳng định, vị thế kênh xáng Xà No ngày càng được nâng lên. Có người gọi kênh xáng này là “đường thủy chiến lược” là “quốc lộ trên sông” nhưng trên hết kên xáng Xà No chính là “con đường lúa gạo” miền Hậu Giang.
Kênh xáng Xà No hiện nay chạy giữa lòng thành phố Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ của Hậu Giang và đã được làm bờ kè hai bên rất đẹp. Đây không chỉ là công trình cải thiện môi sinh, tạo mỹ quan mà vai trò của nó với phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Các hạng mục chính của dự án là đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, kết hợp làm đường giao thông nông thôn có bề mặt được bê tông hóa. Xây dựng hệ thống cống tại các cửa kênh và nạo vét kênh, mương nội đồng. Ngoài mục tiêu chính là bảo vệ, phát triển sản xuất, dự án còn góp phần cải thiện môi trường sống, cung cấp nước sạch nông thôn phục vụ sinh hoạt, với hàng ngàn hộ nông dân trong vùng dự án được hưởng lợi.
Việt Nam thu nhỏ
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang cho biết: Tiềm năng du lịch của Kiên Giang rất phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều bãi biển đẹp, nhiều hệ sinh thái đặc trưng và nhiều giá trị văn hoá lịch sử. Đây là lợi thế và điều kiện quan trọng để du lịch Kiên Giang phát triển tương xứng với vị thế của điểm đến du lịch hàng đầu của vùng ĐBSCL.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đã xác định 4 trung tâm du lịch của tỉnh gồm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng.
Trong số 4 trung tâm du lịch của Kiên Giang thì Phú Quốc là hòn đảo lớn nằm tách biệt với các trung tâm còn lại trên đất liền, nơi có tiềm năng lớn về du lịch với nhiều bãi biển đẹp như bãi Dài, bãi Sao, bãi Khem, bãi Trường. Nhiều cảnh quan đẹp, nhiều hệ sinh thái biển đảo đặc trưng tập trung ở Vườn quốc gia và Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Chính vì vậy, Phú Quốc đã được xác định là điểm đến có tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trong cấu trúc của ngành du lịch thì các hoạt động vui chơi giải trí chiếm một tỷ trọng khá lớn. Việc phát triển các loại hình vui chơi giải trí làm tăng sự hấp dẫn, đa dạng của sản phẩm du lịch là rất cần thiết.
Vì vậy việc nghiên cứu, đề xuất các loại hình vui chơi giải trí hàng năm của ngành du lịch phù hợp với chức năng, quy mô của từng địa phương, khu du lịch là công việc cần thiết. Để vừa hấp dẫn du khách, vừa thu hút được cộng đồng người dân địa phương tham gia góp phần tăng thu nhập, cải thiện sinh kế, đảm bảo được sự bền vững của hoạt động du lịch.
Hằng năm, Kiên Giang tổ chức các chuỗi sự kiện, các hoạt động truyền thống, lễ hội như: Lễ kỷ niệm ngày hy sinh Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Phan Thị Ràng (Chị Sứ), Lễ hội Năm Văn hóa du lịch và kỷ niệm ngày thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các, Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương - Tân Hiệp, Lễ hội truyền thống Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trung Trực, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch dân tộc Khmer Kiên Giang, Lễ hội Nghinh Ông - Kiên Hải,
Thông qua việc tổ chức các chuỗi sự kiện này đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước, trong vùng đến tham gia sự kiện và trải nghiệm các hoạt động kể cả phần lễ và phần hội. Điều độc đáo trong các sự kiện này là sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư địa phương, sự gắn kết hòa hợp giữa các dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng.