| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới đổi thay diện mạo vùng biên

[Bài 4]: Lộc Ninh và khát vọng 'nông thôn thông minh'

Thứ Sáu 03/03/2023 , 11:09 (GMT+7)

Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình NTM, huyện biên giới Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã chuyển mình cả về chất và lượng.

Bộ mặt mới vùng biên

Những con đường gập ghềnh, nắng bụi, mưa lầy được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ, thuận tiện đi lại. Nhiều hộ hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trường, trạm xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, làm cho diện mạo nông thôn thêm khởi sắc…

Đó là thành quả của cả một quá trình đầy nỗ lực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện biên giới Lộc Ninh.

DSCN4598

Những con đường gập ghềnh, nắng bụi, mưa lầy được bê tông hóa khang trang, sạch sẽ, thuận tiện đi lại. Ảnh: Trần Trung.

Theo bà Lê Thị Ánh Tuyết – Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh, là địa phương có đường biên giới dài trên 100km tiếp giáp với các huyện chậm phát triển của Campuchia, lại có tới 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 1 thị trấn, 8 xã nội địa và 7 xã biên giới. Ngoài ra, huyện còn có 14 thành phần dân tộc cùng sinh sống (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 20,88% dân số toàn huyện).

DSCN4522

Khu nuôi nhốt gia súc tập trung tại xã Lộc Khánh. Ảnh: Trần Trung.

Hơn chục năm trước, nói tới chuyện xây dựng NTM ở huyện Lộc Ninh không ít người cho là ý tưởng hão huyền. Bởi lẽ khi ấy, số tiêu chí bình quân xây dựng NTM ở đây rất thấp, trung bình đạt 1,05 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 18,7  triệu đồng/người/năm. Lãnh đạo, các cấp, các ngành ở Lộc Ninh khi đó hiểu rõ được những trở ngại đặt ra trong quá trình xây dựng NTM, khi mà các tiêu chí cần thực hiện nhiều, nhu cầu đầu tư lớn, trong khi việc huy động nguồn lực, thu ngân sách huyện khó khăn, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình lại hạn chế.

“Nhìn chung bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện Lộc Ninh trước khi có Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: cơ sở hạ tầng xuống cấp, hư hỏng; sản xuất nông nghiệp còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ; việc áp dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh còn hạn chế… phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và chương trình xây dựng NTM tại huyện nhà”, bà Tuyết nói.

DSCN4373

Tuyến đường bê tông xi măng kiểu mẫu tại xã Lộc Hiệp. Ảnh: Trần Trung.

Tuy nhiên, với nhận thức: Xây dựng NTM chính là cơ hội để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; là sức bật tạo nên diện mạo mới cho quê hương…, Lộc Ninh đã quyết tâm bắt tay vào xây dựng NTM theo chiều sâu và hướng đến sự bền vững; đồng thời xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, chú trọng phát huy nội lực “lấy sức dân để làm lợi cho dân”; tạo hứng khởi và niềm tin cho nhân dân bằng cách: mọi công việc đều được đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Với cách làm này, từ chỗ hiểu rõ quyền lợi được hưởng, người dân đã bảo nhau thực hiện trách nhiệm trong việc đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất, hiến cây để xây dựng NTM. Qua 10 năm triển khai thực hiện, địa phương đã đầu tư xây dựng khoảng 1.000 km đường giao thông trên địa bàn các xã, trên 90% số xã hoàn thành tiêu chí này.

DSCN4393

Ấp Hiệp Tâm A phấn đấu trở thành khu dân cư kiểu mẫu năm 2023. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, với phương châm “an dân là nền tảng chính trị xã hội để phát triển”. địa phương lồng ghép linh hoạt giữa chương trình NTM với các chính sách an sinh xã hội, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo bền vững. Giai đoạn 2015-2020, từ nguồn vốn Chương trình 135, địa phương đầu tư trên 38 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất; cấp gần 209 ha đất sản xuất cho các hộ dân tộc thiểu số; thực hiện 3 dự án định canh, định cư tại các xã Lộc Thịnh, Lộc Thành, Lộc Hòa. Huyện xây dựng và sửa chữa 447 căn nhà cho các hộ khó khăn với tổng trị giá 18,5 tỷ đồng, hàng năm tạo việc làm mới cho trên 4.000 lao động. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới của huyện chỉ còn 1,75%.

Nhiều người con xa quê lâu năm nay trở về, không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hệ thống điện lưới quốc gia, trường học, trạm y tế khang trang, kiên cố; cây xanh, rãnh thoát nước, biển báo an toàn giao thông được xây dựng đồng bộ trên các tuyến đường…

Sức sống mới từ các mô hình hiệu quả

Nếu như hệ thống đường giao thông được xem là yếu tố tạo nên “diện mạo mới” của Lộc Ninh trong xây dựng NTM, thì những đổi mới trong sản xuất nông nghiệp lại chính là yếu tố cơ bản để làm nên “sức sống mới” cho địa phương này. Với nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển doanh nghiệp,… đến nay,  địa phương đã có 37 hợp tác xã nông nghiệp trên cơ sở phát triển những cây con lợi thế của địa phương.  Ngoài ra, Lộc Ninh còn có gia súc trên 10.000 con, trong đó, đàn trâu, bò lớn nhất tỉnh với tổng đàn trên 10.000 ngàn con, đàn dê hơn 81.000 con…

DSCN4459

Người dân xã Lộc Phú ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi nhốt dê tập trung. Ảnh: Trần Trung.

Song song đó, xác định đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số trong xây dựng NTM, nông dân huyện Lộc Ninh giờ đây nhàn nhã hơn với các phương pháp làm nông nghiệp thông minh; họ cũng nhanh chóng bắt nhịp xu thế thị trường bằng việc sản xuất sạch, có chứng nhận truy xuất nguồn gốc và mạnh dạn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số đang được coi là yêu cầu tất yếu trong xây dựng NTM, là “chìa khóa” mở ra tương lai cho nông nghiệp, chấm dứt mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả.

Đơn cử hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang, hầu hết sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn hẳn mặt bằng chung ngoài thị trường, một phần sẽ được HTX thu mua để phục vụ chế biến sâu. Giá bán các sản phẩm sau chế biến cao gấp 2, gấp 3 so với giá tiêu nguyên liệu. 

38c815374b1f8741de0e

Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang bắt tay cùng nhà nông liên kết sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

“HTX có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao. Nhờ bệ đỡ này, HTX đã mua thêm máy móc, thiết bị để chuẩn hóa hơn từ khâu chế biến đến đóng gói như: Máy xay xát, máy sấy năng lượng mặt trời, máy sấy lạnh, sấy thăng hoa, sấy tách nhiệt, máy tách màu… Sản phẩm hạt tiêu qua chế biến được đóng bao bì, in nhãn mác, hạn sử dụng để người tiêu dùng an tâm. Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu của HTX đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, người mua hàng quét qua điện thoại thông minh có thể tra cứu được toàn bộ quy trình sản xuất, thông tin của sản phẩm. Đây là bước đầu tiên để người trồng tiêu thay đổi chiến lược sản xuất trong thời điểm mọi thông tin đều được công khai trên mạng” - anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang cho biết.

226e7493c1a50efb57b4

HTX có 5 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Trần Trung.

Để sản phẩm không bị trộn lẫn trên thị trường, HTX xây dựng hình ảnh nhận diện thương hiệu của sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài; đồng thời tận dụng các kênh quảng bá trực tiếp và xây dựng website, giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Zalo, YouTube, kênh thương mại điện tử Amazon, Alibaba để hướng tới thị trường xuất khẩu.

DSCN1653

HTX tận dụng các kênh quảng bá trực tiếp và xây dựng website, giới thiệu sản phẩm qua Facebook, Zalo, YouTube, kênh thương mại điện tử Amazon, Alibaba để hướng tới thị trường xuất khẩu. Ảnh: Trần Trung.

“Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh là một phần trong chuyển đổi số quốc gia. Tinh thần cầu tiến cùng với tư duy nhạy bén trước tín hiệu thị trường của nông dân sẽ là cơ hội, bước đệm để huyện Lộc Ninh không chỉ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn là nông thôn thông minh”, bà Lê Thị Ánh Tuyết cho biết thêm.

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, nhìn lại, chính quyền và nhân dân huyện biên giới Lộc Ninh tự hào với con số: 12/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phấn đấu huyện về đích NTM vào cuối năm 2023.

“Trên cơ sở phân tích, nhận định những lợi thế, tiềm năng sẵn có, Lộc Ninh xác định 3 chương trình đột phá chiến lược, đó là: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và hoạt động du lịch.

Lộc Ninh phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của nguồn năng lượng mặt trời; hình thành và phát triển các trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã, thị trấn; chú trọng sản xuất tập trung một hoặc một vài loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao và triển khai chương trình mỗi xã, thị trấn có ít nhất một sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.