Một ngày nắng oi ả của tháng 7, có mặt tại Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn. Lúc này đã gần 14 giờ chiều, lau vội những giọt mồ hôi trên trán, ông Phạm Minh Dũng, Phó Giám đốc trung tâm vui vẻ bắt tay, mời tôi ngồi xuống uống nước.
Ông Dũng nói: "Tôi vừa đi tiêm vacxin phòng bệnh dại về. Vì thiếu nhân lực nên phải tranh thủ tiêm cả trưa nhà báo ạ".
Ông Dũng kể, trước đây, ông học chuyên ngành chăn nuôi, thú y của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và ra Vân Đồn công tác từ năm 2007. Khi ấy, trạm chăn nuôi thú y của huyện vừa mới xây xong.
Đến năm 2011, ông Dũng chuyển công tác đến huyện Tiên Yên, sau đó là đến huyện đảo Cô Tô làm trạm trưởng.
Cuối năm 2016, ông trở về Vân Đồn, đây cũng là thời điểm sáp nhập các Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - BVTV, Khuyến nông,... thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp.
Hiện Trung tâm Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn chỉ có 3 cán bộ thú y, trong đó, có một cán bộ chuyên trách là ông Dũng và 2 cán bộ bán chuyên (người có chuyên ngành khác nhưng học thêm một lớp về thú y).
"Diện tích huyện lớn trong khi quân số ít, tôi không trực tiếp đi tiêm vacxin chắc không thể đảm bảo tỉ lệ tiêm phòng cho vật nuôi như kế hoạch đã đề ra. Như vậy, nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất lớn. Dù là phó giám đốc tôi cũng phải đi làm như nhân viên thôi, từ đi tiêm, lấy mẫu, giám sát vật nuôi sau tiêm...", ông Dũng tâm sự.
"Hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Vân Đồn hầu hết là các mô hình nhỏ lẻ, nông hộ. Tuy nhiên, các hộ dân trên địa bàn nằm rải rác, huyện còn có nhiều xã đảo nằm xa đất liền. Chính vì vậy, công tác tiêm phòng vacxin gặp rất nhiều khó khăn. Các cán bộ xã, trưởng thôn đều phải đi tiêm phòng dù không phải là thú y viên chuyên trách", ông Phạm Minh Dũng cho biết thêm.
Một khó khăn nữa trong công tác tiêm phòng tại huyện đảo Vân Đồn là người dân thường ít khi có mặt ở nhà. Nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản hiện đang phát triển mạnh tại Vân Đồn, phần lớn người dân làm kinh tế từ công việc mang tính chất đặc thù phải thường xuyên có mặt trên biển, có khi phải 2 tuần đến 1 tháng mới về nhà. Vì lý do đó, cán bộ thú y đến tiêm phòng thường không gặp chủ hộ, nhiều nhà phải đi 2 - 3 lượt mới tiêm phòng được.
Đơn cử như tại xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, hiện chỉ có 3.000 hộ nhưng phải tiêm liên tục trong 1 tháng mới xong.
"Chúng tôi vận động người dân tiêm phòng cho vật nuôi, gia súc, gia cầm như vận động tiêm phòng Covid-19 vậy. Đặc biệt là bệnh dại trên chó, mèo vì đây là bệnh rất nguy hiểm, có thể dẫn đến chết người, nhất là trong mùa nắng nóng, dịch bệnh càng dễ lây lan", ông Dũng chia sẻ.
Theo chân vị Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn đi tiêm phòng dại, phóng viên chứng kiến các cán bộ thú y chuyên và bán chuyên phải đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tiêm.
Vất vả là vậy, nhưng việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm phòng cũng đầy gian nan. Bên cạnh những hộ gia đình ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và đồng ý tiêm phòng cho chó, mèo, vẫn còn những hộ tỏ ra thờ ơ, không hợp tác.
"Họ thường nói chó mai bán rồi nên không cần tiêm làm gì, rồi chó nhà tôi không cắn người bao giờ, cán bộ thú y đã phải yêu cầu người dân viết cam kết", ông Dũng lắc đầu nói.
Được biết, giá tiêm phòng dại trên địa bàn huyện là 50.000 đồng/con, ngoài ra, chủ hộ sẽ được cấp bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ nuôi. Đây là hình thức khuyến khích các hộ gia đình tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi, đặc biệt là tiêm phòng dại cho chó, mèo.
"Tính chất công việc phải đi lại liên tục, đặc biệt là vào các đợt tiêm trong năm, phụ cấp ít, mỗi tháng chỉ được gần 1,5 triệu đồng, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro nên nhiều người đã phải bỏ nghề", ông Dũng tâm sự.
Để khắc phục cho việc thiếu nhân lực, ngay từ cuối năm 2022, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Vân Đồn đã lên kế hoạch tiêm phòng, chủ động tiêm từ sớm để đảm bảo tiến độ đã đề ra. Hiện tỉ lệ tiêm phòng các mũi như tụ huyết trùng lợn, tụ huyết trùng trâu bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục trâu bò... trên địa bàn huyện đều đạt trên 99%.
Lực lượng thú y cơ sở hiện đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác tiêm phòng để phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho vật nuôi, đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, hiện các chế độ đãi ngộ, phụ cấp đều chưa tương xứng với trách nhiệm, chưa kể còn bị cắt giảm sau khi chuyển sang mô hình Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tự chủ nên ông Dũng lo lắng một vài năm nữa sẽ không có thế hệ mới tiếp nối công việc quan trọng này.