Khôi phục lại hệ thống thú y, BVTV là cần thiết
Nhớ lại thời chưa thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thể hiện đúng vai trò là cánh tay nối dài của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, góp phần đắc lực giúp chính quyền địa phương trong công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh.
Ngày ấy, các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện ở Bình Định luôn hoàn thành các nhiệm vụ chăn nuôi, thú y theo đúng chức năng, nhiệm vụ trên địa bàn quản lý.
Công tác quản lý chăn nuôi, kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y sản phẩm động vật, an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật... được các Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thực hiện đầy đủ theo sự chỉ đạo, giám sát chuyên môn trực tiếp của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định.
Nếu có xảy ra dịch bệnh động vật tại địa phương nào đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định có thể điều động lực lượng thú y huyện từ các địa phương khác không có dịch, tập trung về địa phương có dịch để hỗ trợ chống dịch.
Lực lượng thú y hội tụ đông nên công tác bao vây, khống chế, dập dịch được thực hiện kịp thời. Nhờ đó, công tác phòng chống dịch bệnh động vật phát huy hiệu quả, duy trì phát triển chăn nuôi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tiêm phòng vacxin phòng bệnh gia súc, gia cầm hàng năm luôn đạt tỷ lệ cao hơn so với quy định của UBND tỉnh.
Còn nhớ, nhờ hệ thống thú y cấp huyện vận hành trơn tru, nên công tác phòng chống dịch cúm gia cầm xảy ra vào năm 2004, dịch lở mồm long móng xảy ra vào năm 2006, dịch tai xanh heo xảy ra vào năm 2008… đạt hiệu quả cao, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cho người chăn nuôi và giảm kinh phí phòng chống dịch.
Đặc biệt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tình hình dịch bệnh động vật được khống chế, nên tốc độ tăng trưởng chăn nuôi hàng năm của Bình Định đạt từ 5,5-6,5%.
Sau khi Bình Định sáp nhập các Trạm Chăn nuôi và Thú y vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, gần 5 năm sau hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành.
Việc tổ chức, triển khai công tác quản lý chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Thú y trong điều kiện tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp.
Đáng quan ngại là các Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn Bình Định không đủ nhân lực và kinh nghiệm để tiếp nhận chức năng quản lý chuyên ngành về chăn nuôi, thú y.
Trong khi đó, các Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp không có chức năng, nhiệm vụ này. Do đó, công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, giải quyết, xử lý các vụ việc vi phạm hành chính trong công tác thú y còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ, do hoạt động kết nối hệ thống thú y từ cấp tỉnh đến cấp xã không được liên kết, nên hoạt động giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh tại tuyến cơ sở còn chậm, thiếu kịp thời, có khi bị gián đoạn, chưa thực hiện theo đúng quy định, không cập nhật được số liệu làm ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp.
Việc chia sẻ thông tin, áp dụng các giải pháp phòng chống dịch giữa các địa phương thiếu đồng bộ, chưa kịp thời, nhất là khi có dịch bệnh mới phát sinh.
Đặc biệt, việc điều động nhân viên thú y giữa các huyện, các xã khác để tập trung hỗ trợ công tác phòng, chống dịch không thực hiện được, gây khó cho công tác chống dịch.
Tách thú y xong thì Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp còn gì?
Có thể nói, sau khi hệ thống thú y tuyến huyện bị đứt gãy, công tác thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y như: Công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác kiểm dịch động vật, công tác quản lý và kiểm soát giết mổ sản phẩm động vật, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm… trên địa bàn hầu như bị bỏ ngỏ.
Diễn biến của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn luôn rình rập, trong khi mảng thú y lộ nhiều lỗ hổng như nêu trên, ngành chức năng Bình Định nhận thấy nếu không kiện toàn hệ thống thú y tuyến huyện sẽ khó khăn trong việc bảo toàn đàn vật nuôi để duy trì phát triển ngành chăn nuôi.
Sở NN-PTNT Bình Định đang xây dựng đề án kiện toàn hệ thống tổ chức của cơ quan chuyên ngành thú y cấp huyện theo đúng quy định tại Điều 6 của Luật Thú y, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ…
Bên cạnh đó là Thông tư 30 của Bộ NN-PTNT ban hành năm 2022 cũng nêu rõ, bộ máy ngành thú y, BVTV phải đảm bảo đủ 3 cấp theo Luật Thú y, Luật Trồng trọt, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, nhưng hiện mỗi nơi làm mỗi kiểu, không tỉnh nào giống tỉnh nào.
Sau khi đề án được phê duyệt, 11 Trạm Chăn nuôi và Thú y của 11 huyện, thị xã, thành phố tỉnh Bình Định sẽ tái hoạt động với số lượng tổng số biên chế 47 người được tiếp nhận lại từ chính quyền cấp huyện, để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực chăn nuôi, thú y trên địa bàn quản lý.
Tiếp đến, Sở NN-PTNT Bình Định sẽ chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ, Sở Tài chính xem xét, cân đối, bổ sung biên chế sự nghiệp, đảm bảo đến năm 2025 mỗi Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện có từ 5-7 biên chế sự nghiệp.
Bình Định đang thực hiện chuyển giao biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của Trạm Chăn nuôi và Thú y cũ từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc UBND cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Sở NN-PTNT quản lý.
Tùy thuộc vào đặc điểm, tình hình phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật tại các địa phương, ngành chức năng sẽ bố trí biên chế thực hiện nhiệm vụ phù hợp.
Có như vậy mới đảm bảo phát huy hiệu quả công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh động vật và an toàn vệ sinh thực phẩm có nguồn gốc động vật thuộc địa bàn quản lý.
Theo ông Trần Văn Phúc, nếu tách ngành thú y ra khỏi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện để tái hoạt động các Trạm Chăn nuôi và Thú y như trước đây, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp chỉ còn các lĩnh vực khuyến nông, khuyến ngư, trồng trọt, bảo vệ thực vật.
Trong khi đó, trước đây, trong chuỗi hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, nhiệm vụ thú y là nhiều việc nhất. Bởi công tác phòng, chống dịch bệnh động vật rất phức tạp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh luôn rình rập gây hại gia súc, gia cầm.
Nhiệm vụ khuyến nông đảm trách xây dựng các mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật ít có đột biến, lĩnh vực bảo vệ thực vật công tác dự báo và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.
Một khi tách thú y ra lập hệ thống riêng, thời gian tới các địa phương cũng cần phải khảo sát, đánh giá lại vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp khi chỉ còn làm nhiệm vụ trồng trọt, BVTV và khuyến nông, bởi khi đó câu chuyện giảm đầu mối lại không còn nữa.
Ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn chia sẻ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn hiện có 11 cán bộ, riêng lĩnh vực thú y có 4 người. Nếu tách lĩnh vực thú y ra thì ông Ngọc thừa nhận là những hoạt động còn lại của Trung tâm rất nhẹ nhàng với sự đảm trách của 7 nhân sự.
Nhưng việc tái lập lại hệ thống thú y cấp huyện với Bình Định xong về chủ trương, luật định rồi nhưng lại đang rất vướng ở khâu nhân sự.
Sau khi sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, nhiều anh chị em cán bộ thú y, BVTV đã xin nghỉ hoặc chuyển công tác, trong khi yêu cầu mỗi trạm phải tối thiếu có 7 người, giờ có mời các cán bộ cũ quay lại chưa chắc họ đã đồng ý.
"Bình Định có 11 huyện, thị xã, thành phố, trừ thành phố Quy Nhơn, 10 huyện, thị xã còn lại phải có 70 nhân sự ngành thú y, không biết kiếm đâu cho ra”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định lo lắng.