| Hotline: 0983.970.780

Đại điền: Ngoài kia gió đang thổi

[Bài 7] Đại điền 71 tuổi một mình cấy 30 mẫu và cặp đôi cấy 150 mẫu

Thứ Sáu 28/10/2022 , 14:13 (GMT+7)

Đời bà có nhiều giai đoạn phải một mình, đó là lúc chồng đi bộ đội rồi đơn vị gửi giấy báo tử về, suốt 7 năm ở nhà đội tang, thầm khóc trong lòng.

Nông dân chân trắng

Thế rồi khi “người chết trở về” vì chồng chỉ bị địch bắt, bà như sống lại, để rồi vẫn một mình với 2,2 mẫu ruộng của đại gia đình đông tới 11 khẩu. Quãng năm 2010 ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện có phong trào làm đơn xin trả lại ruộng, quê bà tuy không như thế nhưng dân bắt đầu chán ruộng, đầu tiên là cho thuê ruộng, sau cho mượn ruộng, bà tiếc của nhận cấy đến 30 mẫu.

Bài liên quan

Bà là Nguyễn Thị Châm người thôn Phạm Xá, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Về sau khi thấy bà cấy nhiều, có kinh tế, họ mới xin bớt lại, thành ra diện tích chỉ còn 25 mẫu. Lúc này người chồng mỗi ngày thêm một yếu bởi vết thương của những năm tháng tù đày, địch tra tấn. 6 năm 7 tháng ông cấm khẩu, nằm một chỗ, một mình bà hết lo chuyện cơm nước, tắm rửa, lại lo việc đồng áng cho đến ngày ông rời xa cõi tạm.

Tuy làm ruộng nhưng bà tự nhận mình là nông dân chân trắng, không cần lội bùn nữa mà chỉ ngồi trên bờ điều hành, chỉ đạo. Ngày nào cần bao nhiêu lao động đi cấy, đi bón phân, đi phun thuốc là phân công rồi cứ thế mà răm rắp làm.

Empty

Cánh đồng rộng bát ngát của bà Châm. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Tôi mỗi ngày một già nhưng công nghệ mỗi ngày một hiện đại nên kể cả cấy 100 mẫu vẫn kham nổi tốt. Xưa phun thuốc sâu bằng bình đeo vai, giờ phun thuốc bằng máy bay không người lái 25 mẫu làm không hết 8 tiếng. Xưa 25 mẫu 20 người đi gặt trong 10 buổi mới xong, giờ gặt máy chưa đến 2 ngày. Xưa phơi thầu sân kho hợp tác xã, 4 người lao động, phơi 2 buổi chỉ được 5 tấn, giờ 25 mẫu gặt lên, thóc tươi người ta cân luôn tại chỗ.

Làm nông phải biết tính toán dựa vào sự quan sát thực tế, như bình thường mỗi vụ phun 3 lần thuốc sâu nhưng năm ngoái tôi “ăn bớt” được 2 lượt, tiết kiệm được mỗi lượt 12 triệu đồng nhờ vạch lá lúa ra, không thấy rầy, khô vằn trong khi các nông dân chân bùn khác cứ vác bình đi phun suốt. Như cấy non, thưa nên ruộng đồng thông thoáng, ít sâu bệnh, cây lúa đẻ như cái nơm, bông thóc lại dài gấp đôi, gấp rưỡi so với những người cấy dày đông đặc.

Bài liên quan

Vụ xuân tôi gieo giống nếp Đài Loan bởi lá dày, cứng, đan vào nhau nên gió khó có thể xô đổ, không bao giờ phải buộc như giống “nếp ngố” lá ngắn. Nhưng vụ mùa tôi lại cấy “nếp ngố” bởi có giá trị kinh tế cao. Khi các nhà máy sấy đầy hết, nếu cố tình gặt sẽ bị dìm giá thóc, tôi đợi dân làng gặt vãn mới gặt, mới cân hoặc ngược lại, lúc đó mỗi kg thóc sẽ dôi ra được 200-300đ, vậy là 25 mẫu được thêm 15 triệu.

Để làm được điều này tôi phải cấy thật sớm hoặc thật muộn so với đại trà chừng 14 ngày, lúc đó tha hồ “làm cao” với nhà máy sấy. Còn phân, thuốc tôi thường mua ở các đại lý lớn, lấy số lượng nhiều ra mà mặc cả sao sao cho giá thật thấp...”, bà thổ lộ bí quyết.

Empty

Bà Châm (ngoài cùng bên phải) đang ghi chép số lượng lúa thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm ngoái lúa tuy năng suất cao nhưng giá thóc kém, bà thu lãi khiêm tốn được khoảng 100 triệu. Vụ xuân năm nay, trời bù lại, giá thóc lên tới 8.200đ/kg, số lượng bao nhiêu cũng ít, thành ra thương lái phải tranh nhau, bà ưu tiên cho anh em trong họ mới bán cho mà sấy, còn người ngoài tuy trả giá cao hơn cũng thôi. Tính ra riêng vụ đó, bà thu 420 triệu trong khi chi chỉ hết 280 triệu, lãi ròng 140 triệu.  

Tôi cùng với bà ra cánh đồng Sòi để gặt đám Bắc Thơm số 7. Những bông lúa bằng chằn chặn, năng suất ước tính trung bình 2,5 tạ/sào và giá mua tươi là 6.000đ/kg. 71 tuổi nhưng sức khỏe của bà vẫn rất tốt, mắt vẫn rất tinh, người ta cân thóc ở ngoài sân, đứng dưới bóng cây cách cả chục mét mà bà vẫn phát hiện ra cái kim nó chỉ vào số bao nhiêu, tươi hay đuối.

Bài liên quan

Chỉ nhờ vào trồng lúa mà năm ngoái con trai làm nhà, bà cho 300 triệu, cho con dâu cái xe máy ga 47 triệu, cho cháu này cái xe đạp điện 16 triệu, cho cháu kia cái điều hòa hay tiền đóng học, cho thóc ăn cả mấy năm trời, mua gà cho 4 gia đình con mỗi nhà trị giá 1 triệu rồi nuôi hộ nuôi để dành ăn tết...

Bà Châm cười khà khà: “Ở tuổi tôi không mua được bảo hiểm xã hội nữa rồi nhưng cũng có 900 triệu để cho vay để lấy lãi, sau này làm lương hưu, dưỡng già. Tiền mình làm ra, tiêu ra sao không ai nói cả. Đấy như tôi mua 4 quả na Thái này giá 200.000đ, có mấy ai làm nông trong làng dám mua không?”.

Empty

Bà Châm: "Đấy như tôi mua 4 quả na Thái này giá 200.000đ, có mấy ai làm nông trong làng dám mua không?”. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Hiệp sĩ khuyến nông” Vũ Văn Tiến - nguyên Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Thanh Miện, người trực tiếp tư vấn kỹ thuật miễn phí cho bà nhận xét: “Bà Châm là nông dân đi tiên phong trong việc cấy nhiều lúa ở huyện và tin tưởng tuyệt đối vào cán bộ kỹ thuật. Bà có đầu óc tổ chức sản xuất, quyết đoán, quản lý tốt, người làm thuê không thể “bịp” được.

Không những thế, bà thường tìm hiểu thị trường để biết “sóng” của nó rồi có những vụ dự trữ thóc khô đón, đợi khi giá lên cao mới bán để thu lãi nhiều nhất có thể. Chăm chỉ nhặt từng đồng một nhưng bà sẵn sàng làm từ thiện cho những ai có hoàn cảnh khó khăn, hào phóng cho các hội, đoàn chứ không bo bo sống cho riêng mình”.

Cặp đôi cấy nhiều nhất huyện Thanh Miện

Vợ chồng anh chị Trần Xuân Ái - Phạm Thị Thìn ở thôn Tiêu Lâm xã Ngũ Hùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương bắt đầu sản xuất lớn từ năm 2014, sau khi địa phương dồn điền đổi thửa, họ đổi ruộng, mượn ruộng tập trung được 15 mẫu. Dần dần người bỏ ruộng mỗi lúc một đông, họ mượn được đất của hơn 100 gia đình, cộng với thuê 30 mẫu công điền của HTX với giá 30-45 kg thóc/sào/năm nữa, tổng cộng được khoảng 140-150 mẫu. Để đáp ứng cho số diện tích ruộng cực lớn này, họ sắm 2 máy gặt, 2 máy cày, 1 máy sấy 20 tấn/mẻ.

Chị Thìn chia sẻ, khác với nhiều người, họ chỉ chọn giống lúa “gạo lợn” Q5 để cấy: “Q5 là gạo chuyên để nuôi lợn, nấu rượu, tráng bánh đa, cứng cây, khó đổ nên rất tiện cho việc gieo vãi, năng suất khá ổn định 2,5 tạ/sào/vụ xuân, 2 tạ/sào/vụ mùa, mà bán cũng kiểu cũng có người mua. Nhà tôi trung bình bán mỗi vụ 350-400 tấn thóc không bao giờ sợ ế, rẻ cũng được 7.000đ/kg, vụ xuân trung bình lãi trên 300 triệu, vụ mùa lãi trên 200 triệu.

Empty

Chị Thìn đang đi nhặt những bông lúa ma. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhưng làm lúa cũng có năm bị gió đổ, bị sâu bệnh chứ không hề đơn giản, như vụ này lúa ma xuất hiện khá nhiều mà chúng tôi không biết phải xử lý thế nào. Thường đến thời vụ cấy tôi mượn 20 người gieo vãi, rồi đến mùa thuê gặt, đóng thóc, còn lại thì chỉ có hai vợ chồng làm tất cả các công việc. Ngoài 2 vụ lúa, chúng tôi còn làm 1 vụ đông, trồng trung bình 40 mẫu bắp cải. Vụ được lãi 100-150 triệu, vụ được lãi 200-300 triệu nhưng có những năm như lúc Covid, không bán được phải chặt bỏ hàng ngàn tấn bắp cải đổ xuống ruộng làm phân, khi đó chỉ muốn khóc.

Nghề làm ruộng này mỗi năm bận 4 tháng, trong đó mỗi vụ bận 1 tháng gieo vãi, sau đó dặm tỉa, vãi phân, chăm sóc, 1 tháng gặt gái. Có những ngày nóng chúng tôi phải làm đến 11 giờ đêm, có lúc 2-3 giờ sáng cũng phải đi tháo nước. Được cái là các anh chị ở Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Miện, rồi Phòng NN-PTNT huyện Thanh Miện như cô Na, cô Nhung cũng hay xuống giúp đỡ về kỹ thuật một cách miễn phí”.   

Empty

Chị Thìn đang đi thăm 50 mẫu lúa trên cánh đồng Sành. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Điều ngạc nhiên là, không chỉ đắm đuối với mỗi chuyện ruộng đồng, 3 năm nay anh Thìn còn nhận làm thu gom rác của xã. Cứ mỗi tuần 3 buổi anh đi khắp 7 thôn để lấy rác chở về khu tập trung. Nhờ đó, mỗi năm anh được trả công hơn 100 triệu. 

Tôi ra cánh đồng Sành nơi gia đình anh chị đang cấy 50 mẫu. Lúa đẹp như tranh, vàng ươm như nắng. Thấy tôi mê mải ngắm đám lúa đang chuẩn bị gặt ấy, chị Thìn cười: “Nhìn thấy lúa đẹp thì cười nhưng nhìn thấy lúa xấu thì sợ bị dân làng họ cười cho chú ạ! Sắp tới đây tôi định sẽ đầu tư máy bay không người lái để phun thuốc sâu cho ruộng nhà và dịch vụ cho bà con. Tôi mong sao các hộ ký hợp đồng cho mình mượn hay thuê ruộng lâu dài đến khi nào nhà nước lấy ra thì mới yên tâm để đầu tư được”.

Xem thêm
Thường vụ Quốc hội đồng ý khởi tố, bắt tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đề nghị về việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...