Ngọc Hiển là huyện cuối cùng trên bản đồ nước Việt, nơi có Mũi Cà Mau, điểm cực Nam Tổ quốc, nơi có khu rừng đước lớn nhất Việt Nam trải dài sông Cửa Lớn, nối từ cửa Bồ Ðề ở phía biển Ðông với cửa Ông Trang ở vịnh Thái Lan, rộng khoảng hơn 35.000ha. Khu rừng đước này nằm trọn trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau từng được UNESCO công nhận vào năm 2009. Và hôm nay, vùng đất cuối cùng đất nước lại lập thêm một kỳ tích mới: Vùng nuôi tôm sú sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng ngập mặn lớn nhất Việt Nam.
Nói chuyện kỳ tích hôm nay cũng cần nhắc lại ngày hôm qua một chút. Nghe kể, nghề nuôi tôm dưới những cánh rừng ngập mặn trên đất Mũi xuất hiện từ hơn mấy mươi năm trước. Đó là cả một thời kỳ xung đột. Nuôi tôm lãi lớn nên bà con mở rộng diện tích nuôi tôm bằng việc thu hẹp diện tích rừng. Thậm chí là dùng cả những chiêu trò đập dập thân cây rồi đổ cho chuột cắn. Lạ một điều, khi những cánh rừng chết “bất thường” thì nghề nuôi tôm rừng cũng chết theo. Mất một thời gian lâu sau đó bà con mới nhận ra, à, tôm chỉ sống khi rừng được bảo vệ.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ khẳng định chắc nịch, đó là vai trò của kinh tế tập thể ở Cà Mau. Tác dụng lớn nhất là thay đổi tư duy, nhận thức của bà con để cùng nhau phát triển bền vững. Các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội quán nuôi tôm ra đời không chỉ cùng nhau sản xuất mà còn là nơi kết nối, liên kết với các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu. 195 hợp tác xã nông nghiệp, 790 tổ hợp tác, 1 liên hiệp hợp tác xã đã tạo thành cộng đồng kinh tế tập thể rất lớn, đặc biệt là mô hình của Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú, với tổng diện tích gần 10.000ha, cùng với hơn 2.000 hộ nông dân, thuộc 3 xã Viên An Ðông, Viên An và xã Ðất Mũi của huyện Ngọc Hiển. Đây là một mô hình kinh tế tập thể lớn bậc nhất xứ Cà Mau. Tháng 6/2021, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã chính thức xác lập kỷ lục với nội dung: Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú - Đơn vị sở hữu vùng nuôi Tôm sú sinh thái hữu cơ trong khu vực rừng đước ngập mặn lớn nhất Việt Nam.
Vùng tôm rừng 10.000ha của hơn 2.000 hộ nông dân
Chúng tôi đi theo quốc lộ 1A đoạn từ thành phố Cà Mau về huyện Ngọc Hiển, nối liền với đường Hồ Chí Minh ở cực Nam Tổ quốc. Dọc hai bên là những cánh rừng đước ngập mặn xanh mướt, được người dân khoanh thành luống dài thẳng tắp để nuôi tôm rừng. Qua cầu Năm Căn đến địa bàn ấp Biện Nhạn, xã Viên An Đông, nơi Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú đóng đô, cũng bạt ngàn những mô hình tôm rừng như thế.
Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú thuộc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú là đơn vị thành lập các dự án tôm hữu cơ đầu tiên từ năm 2013 với tên gọi Phòng chứng nhận sinh thái. Đến đầu năm 2017, Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú ra đời với mục tiêu vì xã hội và môi trường trong rừng đước tại huyện Ngọc Hiển. Trưởng ban dự án này, ông Dương Vũ Phong nói, đến nay đã xây dựng được 3 xã trọng điểm về nuôi tôm sinh thái gồm xã Viên An, Viên An Ðông và Ðất Mũi với tổng diện tích gần 10.000ha, cùng với hơn 2.000 hộ nông dân tham gia. Thời điểm này doanh nghiệp và người dân đang xây dựng thương hiệu tôm nuôi hữu cơ ban đầu theo tiêu chuẩn quốc tế Naturland. Rõ ràng khi lợi ích đã được khẳng định rồi thì chuyện bà con thay đổi để liên kết và cùng nhau phát triển bền vững cũng nhàn hơn rất nhiều.
Thay đổi mà anh Phong nói thể hiện rõ ở hai điều. Thứ nhất, những người tôm tôm rừng ở Ngọc Hiển bây giờ nhận thức, tư duy đã rất khác so với những năm trước. Bà con biết làm thương hiệu, biết tổ chức sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường.
Ví dụ, tiêu chuẩn bắt buộc của chứng chỉ Naturland là việc nuôi tôm không được làm ảnh hưởng đến rừng ngập mặn, bắt buộc người nuôi phải đảm bảo tỷ lệ che phủ của rừng từ 40% trở lên trên diện tích ao nuôi và không được phép sử dụng bất cứ hóa chất gây hại nào. Nuôi tôm dưới rừng nhưng phải có nguồn gốc xuất xứ, vừa nuôi vừa tham gia quản lý và bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ động vật hoang dã thuộc sách đỏ, quản lý đầu vào, con giống, quản lý rác thải, chất thải… Các hộ tham gia mô hình cũng phải cam kết không được chặt phá cây rừng, thay đổi hiện trạng đất rừng trái phép, có ý thức bảo vệ và duy trì sự sống của các loài động vật hoang dã khi xuất hiện trong trại nuôi, cấm tiêu diệt hay săn bắt, mua bán dưới bất cứ hình thức nào….
Điều quan trọng là người nuôi phải ghi chép tất cả các hoạt động liên quan đến nuôi tôm (cải tạo, diệt cá tạp, thả giống, thu hoạch…) và các hoạt động khác (chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt…) vào nhật ký. Các tài liệu, hồ sơ phải được lưu giữ tất cả theo quy định trong thời hạn 5 năm (hợp đồng, nhật ký trại nuôi, hóa đơn mua giống...). Bên cạnh đó, rác thải sinh hoạt phải được thu gom và xử lý phù hợp, không gây nhiễm bẩn trực tiếp xuống ao nuôi và môi trường.
Thứ hai, không chỉ đảm bảo lợi ích kinh tế, điều đặc biệt, bà con nuôi tôm sinh thái còn được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng. Với mô hình nuôi tôm của công ty Minh Phú, bà con sẽ được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Những hộ có chứng nhận sinh thái còn được hỗ trợ 20.000 con giống/năm. Khi các dự án được cấp giấy chứng nhận, bà con sẽ được hưởng những quyền lợi về chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức 500.000 đồng/ha và phần giá trị tăng thêm khoảng 3.000 đồng/kg.
“Đúng như tên gọi “công ty cổ phần xã hội”, lợi nhuận thu được phía công ty sẽ trích 60% tiếp tục đầu tư cho mô hình", ông Phong chia sẻ, nuôi tôm rừng kết hợp được khẳng định là mô hình canh tác phù hợp với điều kiện thực tế ở Cà Mau, một mặt vừa đáp ứng được mục tiêu kinh tế là đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân từ tôm, mặt khác bảo vệ được rừng ngập mặn, phát huy vai trò của kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng mô hình nuôi tôm sinh thái cho các thành viên, công ty cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức tập huấn, hội thảo quy trình nuôi tôm sinh thái cho người dân để đáp ứng quy định, quy trình tôm sinh thái. Ðồng thời ứng dụng quy trình kỹ thuật nuôi để cải thiện năng suất, chất lượng, hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, hướng tới sự phát triển bền vững.
“Dự án đã mở ra hướng đi mới cho người nuôi tôm tại Ngọc Hiển hợp tác bứt phá đi lên, phát triển bền vững sinh kế cho cộng đồng người dân nuôi tôm, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, gìn giữ và phát triển nghề nuôi tôm rừng truyền thống, xây dựng hình ảnh thương hiệu và nâng cao tôm sinh thái, hữu cơ như là sản phẩm đặc sản và chất lượng”, Trưởng ban dự án nuôi tôm rừng ở Ngọc Hiển đúc kết.
Chúng tôi đến Hội quán tôm rừng Rạch Gốc, mô hình hội quán đầu tiên của tỉnh Cà Mau mới được thành lập cuối năm 2020. Chủ nhiệm Nguyễn Thanh Tín cho biết, Hội quán ra đời từ nguyện vọng và quyết tâm của cả nông dân và chính quyền địa phương, nhằm tạo điều kiện cho bà con nơi đây có thể giao lưu, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, kết nối ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản, giảm chi phí đầu tư, hạn chế tình trạng thương lái ép giá.
Hiện Hội quán tôm rừng có 55 thành viên tham gia mô hình với tổng diện tích canh tác 220ha tập trung ở ấp Rạch Gốc B. Bằng hình thức ký hợp đồng với Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, toàn bộ các thành viên trong hội quán được tập đoàn tập hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Các xã viên còn được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn nuôi đan xen những vật nuôi khác như cua, sò huyết, vọp… Bình quân mỗi hộ thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng/năm từ tôm sinh thái, 60 - 80 triệu đồng từ con cua và nhiều nguồn thu khác, trong đó có cả tiền dịch vụ môi trường rừng.
Theo thống kê toàn huyện Ngọc Hiển hiện có hơn 23.000ha mặt nước nuôi thủy sản kết hợp dưới tán rừng với 11.379 hộ. Trong số đó đã có 19.400ha nuôi theo loại hình sinh thái, mỗi năm tạo ra hơn 4.000 tấn tôm sinh thái đạt các chứng nhận Naturland, EU Organic, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Canada Organic, ASC, BAP... Ngoài ra, các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nuôi còn xây dựng các mô hình nuôi bán thâm canh (26.490ha), nuôi tôm thâm canh (263ha), quảng canh (6.915ha)... mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 38.000 tấn tôm, cua các loại.
Sướng như nuôi tôm dưới tán rừng
Tôi hỏi những bà con ở Ngọc Hiển tôm rừng sinh thái là gì? Họ nói đó là loại tôm lớn lên trong thiên nhiên, được thả nuôi trên mặt nước có độ che phủ của rừng tự nhiên nên không sợ hạn mặn, không sợ mưa mùa như tôm nuôi công nghiệp. Giá bán cũng cao gấp đôi so với nuôi tôm thông thường. Từ những cánh rừng ngập mặn ở đất Mũi, bà con nói, bây giờ tôm rừng sinh thái Ngọc Hiển hiên ngang đi vào những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Nhật hay EU. Nghe đâu chuyện này bắt nguồn từ cuối thế kỷ trước, có một đoàn khách của Đại sứ quán Thụy Sĩ do Bộ Thủy sản dẫn đi thăm Cà Mau, trong bữa cơm dưới tán rừng đước, con tôm rừng được chài lên đãi khách và “xuất ngoại” ngay sau đó.
“Sướng” là từ của ông Ngô Thanh Hiền, 50 tuổi, ngụ tại ấp Ông Trang, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển khi tham gia mô hình liên kết nuôi tôm rừng sinh thái ngày hôm nay.
Hộ ông Hiền có hơn 4ha diện tích nuôi tôm rừng. Trước đây nuôi theo kiểu truyền thống, thu nhập cũng tương đối ổn định nhưng qua một vài năm môi trường nước có dấu hiệu bị ô nhiễm, năng suất giảm, có những vụ mất trắng mà không biết phải làm sao. Kể từ khi chuyển sang nuôi tôm rừng sinh thái được mấy cái lợi như vầy, ông Hiền chia sẻ: Nuôi tôm rừng sinh thái không chỉ đạt lợi nhuận cao hơn 10 - 20% so với truyền thống mà lại tuyệt đối an toàn. Đây nghề sướng nhất, hầu như không cần sử dụng máy móc, hay làm việc nặng gì cả. Vợ chồng, con cái có thời gian làm việc khác, vừa có mức thu nhập ổn định khoảng 200 - 220 triệu đồng/năm.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lại dùng từ ‘vững chắc, vững bền”. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác trên đất Mũi xuất phát từ nhu câu thực tiễn, đi từ thấp đến cao và đã đạt được những hiệu quả tích cực, vững chắc. Đặc biệt, những mô hình tôm rừng ở Ngọc Hiển, Năm Căn bây giờ đã là những chuỗi sản xuất khép kín, không chỉ có giá trị kinh tế cao mà góp phần thay đổi tư duy, nhận thức bà con về một nền nông nghiệp vững bền, trách nhiệm.
Chuỗi liên kết tôm rừng sinh thái ấy được chăm chút từ khâu lựa chọn con giống, tổ chức sản xuất vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng bằng tư duy trách nhiệm với thị trường, khách hàng và cả trách nhiệm với con cháu đời sau. Bà con quý những cánh rừng, ao tôm không khác gì máu thịt.
Trong cộng đồng kinh tế tập thể trên đất Mũi, Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú là trung tâm. Kết nối bà con, các tổ hợp tác, hợp tác xã lại để cùng nhau phát triển, cùng nhau “làm những điều tử tế”.
Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Thành Tâm ở xã Viên An được thành lập từ năm 2020 và tham gia vào dự án của Công ty Cổ phần xã hội chuỗi tôm rừng Minh Phú. Thật xúc động khi nghe ông Mai Hoàng Thơm, Trưởng ấp Bà Khuê, xã Viên An tâm sự thế này: Bà con giờ không còn cảnh tự ai nấy làm, nhờ biết đi cùng nhau mà đời sống vật chất, tinh thần đều thay đổi. Cùng nhau làm ra con tôm dưới tán rừng ngập mặn, không chỉ vì đời sống của bà con hôm nay mà còn giữ gìn cho “sắp nhỏ” mai sau.
Chúng tôi đi trên tuyến đường bộ Hồ Chí Minh nối liền Ðất Mũi. Những cánh rừng ngập mặn ngày càng được phủ xanh bởi những cây đước, sú, vẹt, bần… Ngành nông nghiệp Cà Mau thống kê, toàn bộ khu vực rừng ngập mặn này có diện tích hơn 110.448ha, trong đó diện tích có rừng 56.402ha, không có rừng 54.045,85ha, nằm trên địa bàn 6 huyện: Năm Căn, Phú Tân, Ngọc Hiển, Ðầm Dơi, Trần Văn Thời và U Minh. Theo quy hoạch của tỉnh đây là khu vực phát triển nuôi tôm sinh thái kết hợp với phát triển bảo vệ rừng.