| Hotline: 0983.970.780

Bãi cọc Bạch Đằng - địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước

Thứ Tư 26/02/2020 , 09:46 (GMT+7)

Bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) sẽ được lập quy hoạch bảo tồn và sẽ là địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống yêu nước.

Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng  và các GS đầu ngành về Lịch sử, các chuyên gia khảo cổ học tại bãi cọc Cao Qùy. Ảnh: KC.

Lãnh đạo Thành phố Hải Phòng  và các GS đầu ngành về Lịch sử, các chuyên gia khảo cổ học tại bãi cọc Cao Qùy. Ảnh: KC.

Xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ

Qua phát hiện của người dân tại địa bàn xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) và đề nghị của thành phố Hải Phòng, ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật khu vực cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê và phát hiện được 27 cọc gỗ.

Căn cứ vào kết quả giám định niên đại, bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288), để ngăn chặn quân Nguyên Mông không đi vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn.

Còn theo GS Sử học Lê Văn Lan, việc xuất hiện bãi cọc Cao Quỳ là 1 điềm lạ và thiêng, lạ đó là kỳ, thiêng đó là diệu, 2 chữ không thể nói khác về sự phát lộ, phát hiện bãi cọc.

Việc phát hiện và bắt đấu nghiên cứu bãi cọc là 1 sự kiện diệu kỳ xuất hiện đúng lúc, đúng chỗ, báo hiệu 1 tương lai khả quan, đáng mừng về việc nghiên cứu nghiên cứu truyền thống Bạch Đằng Giang, lịch sử truyền thống dân tộc.

Đúng lúc là vào cuối năm Kỷ Hợi, đúng chỗ là xuất hiện ở huyện Thủy Nguyên, gần Khu di tích Bạch Đằng Giang, tạo giá trị cho chỗ khu di tích, kết hợp với bãi cọc này tạo thành 1 quần thể Di tích Bạch Đằng Giang.

Tiếp đó, ngày 9/2/2020, gia đình ông Đào Văn Đến tại thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng đã phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao sau khi tiến hành bơm nước để thu hoạch cá. Sau khi được Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát khu vực phát lộ bãi cọc, ngày 18/2/2020, UBND thành phố đã ban hành Quyết định khai quật khảo cổ khẩn cấp 13 cọc gỗ phát hiện tại xã Lại Xuân.

Theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khảo cổ học, thấy rằng các cọc gỗ phát hiện tại khu vực ao này có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Bãi cọc mới phát hiện tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đang được khảo cổ khẩn cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Bãi cọc mới phát hiện tại xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên đang được khảo cổ khẩn cấp. Ảnh: Đinh Mười.

Những chứng tích lịch sử khác

Vùng đất càng Hải Phòng trong thời phong kiến được xem là “yết hầu của Kinh thành”, từng góp công vào nhiều chiến thắng vĩ đại, oanh liệt của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Vào thế kỷ thứ X, thế kỷ thứ XII, trên dòng sông Bạch Đằng đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất chống quân xâm lược phương Bắc trong lịch sử cổ trung đại Việt Nam gắn với thiên tài quân sự của 3 vị Anh hùng dân tộc Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo.

Trong đó, trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Trần Hưng Đạo đã cho bố trí một trận địa phục kích lớn, tái tạo trận địa cọc gỗ của Ngô Quyền, Lê Hoàn trên sông Bạch Đằng trước đây, đón đường tháo chạy của đoàn thủy quân Nguyên Mông do Ô Mã Nhi chỉ huy. Phần lớn cọc gỗ được chuẩn bị tại vùng Trúc Động, Lưu Kiếm, Lưu Kỳ thuộc huyện Thủy Nguyên bây giờ.

Di tích Bạch Đằng Giang được quan tâm đầu tư và luôn thu hút người dân. Ảnh: CTV.

Di tích Bạch Đằng Giang được quan tâm đầu tư và luôn thu hút người dân. Ảnh: CTV.

Trong trận này, Trần Hưng Đạo đã sử dụng nhiều tướng lĩnh người Hải Phòng, như Lương Toàn ở Giang Biên, Vĩnh Bảo; Vũ Hải – người Du Lễ, Kiến Thụy; Hoa Duy Thành ở Đồng Minh, Vĩnh Bảo;Trần Nhội, Trần Phương, Nguyễn Chính – người Văn Đẩu, Kiến An; Vũ Chí Thắng – người thôn Nam, Hàng Kênh; Vũ Nguyên, Lý Hồng, Trần Hộ, Trần Độ, Lại Văn Thanh ở Thủy Nguyên; Hoàng Công Thản ở Hồng Thái, An Dương... Các vị tướng lĩnh có công nói trên đều được nhân dân các địa phương lập đền thờ phụng từ sau cuộc kháng chiến năm 1288 đến ngày nay.

Hiện tại, ít có địa phương nào trên đất nước ta lại có hệ thống đền thờ Đức Vương Ngô Quyền, Hoàng đế Lê Đại Hành, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn nhiều và phong phú như Hải Phòng. Điều đó ít nhiều cho thấy có sự liên quan giữa 3 vị Anh hùng dân tộc và tâm thức nhiều thế hệ người dân Hải Phòng.

Địa chỉ ‘đỏ’ về giáo dục truyền thống yêu nước

Ngày 21/2, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất cao thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vào Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê và khoanh vùng, lập quy hoạch bảo tồn, phát huy  giá trị quần thể di tích gắn với chiến thắng Bạch Đằng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Tại cuộc họp này, theo ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng: Việc phát hiện, khai quật được các bãi cọc Bạch Đằng - chứng tích một phần của các trận địa năm xưa có ý nghĩa rất quan trọng về mặt khoa học quân sự và văn hóa lịch sử, song việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích còn quan trọng và ý nghĩa hơn nhiều. Đây chính là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền thành phố Hải Phòng trước lịch sử của dân tộc và cũng là trách nhiệm với các thế hệ mai sau.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vào Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ. Ảnh: VC.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường vào Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng tại cánh đồng Cao Quỳ. Ảnh: VC.

Khu di tích bãi cọc Bạch Đằng sẽ là “địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào cho đời sau và từ đó góp phần nâng cao vị thế của TP Hải Phòng. Dự án xây dựng di tích lịch sử Bãi cọc Bạch Đằng trên cơ sở đã được các cơ quan, các nhà khoa học, khảo cổ học khảo sát, nghiên cứu đánh giá xác định đây là trận địa cọc về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.  Đồng thời đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu, quy hoạch từ khu vực sông Đá Bạc về đến bến phà Rừng.

“Quá trình triển khai cần có biện pháp khoanh vùng để bảo vệ di tích; trong quy hoạch phải tính toán dài hơi để đầu tư xây dựng tiến tới công nhận khu di tích đặc biệt cấp quốc gia cho khu di tích và phấn đấu khởi công xây dựng vào dịp Kỷ niệm 65 năm ngày Hải Phòng giải phóng (13/5/2020)” – ông Thành yêu cầu.

Trước khi bãi cọc Cao Quỳ và Lại Xuân phát lộ, từ năm 2008, Hải Phòng quan tâm đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang với hệ thống đền, chùa, tượng đài tôn nghiêm tại ngã ba sông Bạch Đằng khu vực có dãy núi đá Tràng Kênh hùng vĩ – trung tâm của chiến trường xưa, nơi có núi U Bò lịch sử.

Khác với nhiều đền chùa trong cả nước, khách thập phương và người dân địa phương đến đây đều thoải mái, vui vẻ bởi sự văn minh, lịch sự, sạch sẽ trong quản lý di tích của khu di tích “3 không”. Đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh thu hút người dân mà còn mang nhiều dấu ấn lịch sử dựng nước và giữ nước của các thế hệ cha ông.

Hiện nay, Thành phố Hải Phòng có 49 di tích thờ Đức Vương Ngô Quyền và các tướng sĩ của ông, trong đó có 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia. Có 12 di tích thờ Đức Vua Lê Đại Hành cùng các tướng sĩ, trong đó có 5 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp thành phố. Có 81 di tích thờ Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và các tướng sĩ, trong đó có 19 di tích cấp quốc gia và 44 di tích cấp thành phố.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Liverpool đang được ví như Man.United thời huy hoàng

Đội bóng 'quỷ đỏ' thành phố cảng Liverpool của nước Anh đang thi đấu thăng hoa, bất khả chiến bại trên mọi đấu trường.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.