| Hotline: 0983.970.780

Câu chuyện hỏa táng, xây nhà để tro cốt ở Hà Nội

Bài II: Cán bộ đi trước, làng nước sẽ theo sau

Chủ Nhật 13/12/2020 , 17:10 (GMT+7)

Cán bộ vận động người dân hỏa táng rồi để tro vào nhà lưu trữ chung nhưng nếu bản thân gia đình mình không nêu gương, thực hiện trước sẽ rất khó để thuyết phục…

Xã Liên Hà huyện Đan Phượng khi triển khai chương trình nông thôn mới cũng lấy ý kiến công khai, dân chủ về đề án xây dựng thí điểm nhà lưu giữ tro cốt cho người quá cố sau khi hỏa táng. Nhận được sự đồng thuận từ cả cán bộ lẫn người dân, năm 2018 thì địa phương này bắt tay vào việc khởi công khu nhà để tro cốt trên khuôn viên rộng hơn 2.500m2 ở nghĩa trang Cửa Tháp với đầy đủ các công năng đi kèm sân, vườn cây cảnh, tường bao, cổng…rất khang trang, tổng trị giá khoảng 8 tỉ đồng.

Đầu năm 2020 thì công trình được khánh thành với con số rất đẹp là 999 ô để tro cốt, đủ để cho nhu cầu mai táng cho một xã có dân số trung bình trong khoảng hơn 20 năm. Tuy nhiên đến thời điểm chúng tôi thực tế này vẫn chưa có ca nào được đưa vào dù không chỉ miễn phí, còn được hỗ trợ ca đầu tiên 5 triệu, thứ tự tiếp, 4, 3, 2, 1 triệu cho trường hợp đăng ký sớm nhất. Cuộc vận động thực sự gian nan dù chính quyền xã, thôn, các ban ngành, đoàn thể cuộc họp nào hầu như cũng nhắc đến đưa người chết vào nhà để tro cốt.  

Tất cả là do tâm lý phổ biến vẫn còn thích “Sống cái nhà, già cái mồ” tức hai cái nhà của một đời người từ lúc sinh ra, lớn lên, già yếu đi rồi chết. Lúc sống thì phải nhà cao cửa rộng, xây chọn hướng, chọn đất, lúc chết cũng phải mồ to, mả đẹp cũng chọn hướng, chọn đất chứ không chịu chui vào một nhà để tro cốt chung của xã, ai cũng như ai, một ô vuông vắn rồi con cháu muốn ra thăm phải nhờ cậy quản trang mở cửa.

Nhà để tro cốt của xã Liên Hà huyện Đan Phượng. Ảnh: NNVN.

Nhà để tro cốt của xã Liên Hà huyện Đan Phượng. Ảnh: NNVN.

Ngoài hai xã đầu tiên là Liên Trung và Liên Hà đã xây xong và đưa vào vận hành nhà để tro cốt, nhiều xã khác trong huyện Đan Phượng cũng đang quy hoạch nội dung này để có thể khởi công trong nay mai. Các phòng ban của huyện như Phòng Kinh tế, Phòng Lao động, Phòng Văn hóa, Mặt trận tổ quốc, Hội người cao tuổi…cùng nhập cuộc vận động. Các buổi chiếu phim phóng sự tại thôn, phố, cụm dân cư về tác dụng của hỏa táng và ý nghĩa của việc đặt tro vào nhà lưu trữ chung diễn ra rộng khắp.

Các cuộc họp cũng lồng ghép nội dung này để tuyên truyền cho người cao tuổi về viết di chúc ý nguyện hỏa táng của mình rồi khuyên bảo con cháu đồng tình. Không chỉ thế mà các nhà sư còn tác động thêm vào khi thuyết giảng về tang văn minh, về các hình thức mai táng xưa và nay cũng như ý nghĩa của hỏa táng. Nếu như trước người dân phải mang hồ sơ, giấy tờ lên phòng ban trên huyện để lấy kinh phí hỗ trợ cho mỗi ca hỏa táng của người thân thì nay tất cả đã chuyển về xã, chi trực tiếp để tránh mọi sự phiền hà…

Những công đoạn vận động tốt của Đan Phượng là hỏa táng, là đám tang không tổ chức rình rang, bày ra lắm bàn, nhiều cỗ mời khách, là không có khóc thuê, khóc mướn tuy nhiên vẫn cả huyện mới chỉ có 10 trường hợp sau khi khuất được đặt vào nhà để tro cốt. Điều đó chứng tỏ cái ngưỡng tâm lý quá lớn mà rất ít người, ít gia đình, ít dòng họ có thể vượt qua được.

Dù xây xong quá nửa năm nhưng chưa có ca nào vào nhà để tro cốt xã Liên Hà. Ảnh: NNVN.

Dù xây xong quá nửa năm nhưng chưa có ca nào vào nhà để tro cốt xã Liên Hà. Ảnh: NNVN.

Một người dân ở đây nói với tôi rằng: “Hỏa táng xong, nếu để hũ tro trong chùa thì xa vì không phải chùa nào cũng có xây tháp để hũ tro cốt, thêm vào đó phí để cũng đắt mà vừa rồi có chùa ở miền Nam còn làm lẫn lộn không biết của ai với ai. Nếu hũ tro để trong nhà rồi thờ thì không hợp với phong tục, tập quán cho lắm nên để ở nhà tro cốt của xã có lẽ hợp lý hơn cả.

Trong lúc người dân còn đang ngần ngại thì rất cần những tấm gương của cán bộ, gia đình cán bộ về hỏa táng và để tro vào nhà để tro cốt chung. Tôi chơi thân với anh N.V.N cựu lãnh đạo của huyện, nhiều lần anh trao đổi, rồi đi vận động các nơi về việc xây “chung cư” tức nhà để tro cốt cho các cụ đã khuất. Anh vừa mất đầu năm nay, tiếc thay con cháu lại chôn xuống đất…”.

Theo dự báo khi những diện tích đất xen kẹt trong các nghĩa trang truyền thống vài năm tới đã được sử dụng hết thì có thể việc đưa tro cốt vào nhà để chung của xã sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên kể cả ngay đến lúc ấy, sự vận động của các cấp chính quyền không gì tốt hơn bằng chính tấm gương của cán bộ cũng như gia đình cán bộ.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.