Hai thằng mày Nam Định phải không?
Rằng điều đó đúng với cả tỉnh nói chung và nhất là dân vùng ven biển nói riêng. Anh Tùng đúc kết những đức tính cơ bản của người dân quê mình như sau: Sống tình cảm, gắn kết, cởi mở và bộc trực.
Trong lao động sáng tạo, cần cù với các nghề cơ bản là trồng lúa, lúc nông nhàn lại tham gia vào nuôi trồng thủy sản, khoảng 70% chỉ sống quanh quẩn ở làng. Nhưng nhiều người đều có chung một đặc điểm là hay… nói bậy.
Cấp độ một là con mẹ mày, thằng bố mày, xéo cha mày ra chỗ khác, đéo nọ đéo kia thậm chí nựng con cũng là: “Mẹ cha nhà mày nói vậy à?”. Cấp độ hai là đ… mẹ mày, đ… cha mày với giọng gằn, mắt vằn lên. Cấp độ ba là con mặt l, thằng đầu b, ăn máu này, máu nọ kèm theo những hành động như trong một cuộc chiến vì tranh chấp quyền lợi nhưng trường hợp này rất ít khi xảy ra.
Chia theo độ tuổi thì thanh niên chủ yếu nói từ đ… mẹ, còn trung niên trở lên thường nói mặt l, ăn máu này nọ. Chia theo giới tính thì nam nói tục nhiều hơn nữ…
“Chuyện thật 100%, năm 2004 tôi đi học lớp tại chức báo chí ở Học viện Báo Chí và Tuyên truyền trên Hà Nội, giờ nghỉ rủ anh bạn quê huyện Vụ Bản cùng tỉnh ra quán vỉa hè ngồi uống nước, hút thuốc lào rồi quen miệng văng đ… mẹ, đ… cha kiểu: Đ... mẹ thằng ấy hôm qua gặp tao nhưng đ… chịu chào, Đ… mẹ con ấy hôm qua đã hẹn mà còn không đến.
Vô tình ông bán thuốc lào nghe thấy thế liền chửi: Đ… mẹ hai thằng kia, chúng mày ở Nam Định đúng không? Tôi chột dạ, giật mình bởi không nghĩ ra mình đã mắc lỗi gì khiến cho ông phật lòng liền hỏi lại: Sao bác lại nói thế? Thì ông quay ra, nhe răng cười hì hì: Thì tao cũng dân Nam Định chứ đâu".
Từ lúc đó tôi mới ý thức rằng dân quê mình hay có câu cửa miệng bậy thật nhưng sống ở trong môi trường nhiều người cũng nói thế nên không để ý. Làm việc tại Ủy ban, lúc đối nội cũng như đối ngoại, lúc họp hành cũng như tiếp xúc với dân, chúng tôi phải giữ ý tứ để phòng không may buột miệng sẽ gây hiểu nhầm, câu chuyện sẽ trở thành sai khác ngay. Nhưng khi trò chuyện thân mật kiểu “trà dư, tửu hậu” thì thi thoảng cũng vẫn văng ra, phải nhắc nhở luôn", anh Tùng kể.
Vô địch về nói bậy ở trong xã theo anh Tùng là một ông nhà gần Ủy ban. Ông này hễ mở mồm ra là nói bậy, mà ai không quen nghe dễ bổ ngửa vì giật cả mình.
Anh Tùng thỉnh thoảng đi qua nhà là ông nhanh nhảu mời uống nước: “Đ… mẹ mày, vào tao uống nước đã” hay mời uống rượu “Đ… mẹ mày, uống đi, sợ đ… gì”. Câu nào cũng suồng sã gắn với từ đ… mẹ nhưng ông lại tốt tính nên không ai nỡ giận.
Nói bậy giờ cũng được trẻ hóa, học sinh cấp hai bắt đầu nhiễm và đặc biệt là cấp ba. 10 đứa học sinh nam thì phải có 7 - 8 đứa thường xuyên nói bậy còn 1 - 2 đứa thỉnh thoảng nói, 10 đứa học sinh nữ thì phải có 3 - 4 đứa nói bậy. Từ phổ biến nhất là “vãi này, vãi nọ” tuy nhiên cũng tùy theo ngữ cảnh. Trong lớp chúng không dám nói nhưng khi túm năm, tụm ba bên ngoài mới nói.
Khi ở tuổi trung niên con gái nói tục cũng chẳng kém con trai là mấy. Nếu khác thế hệ thì chỉ có bề trên nói bậy còn về bề dưới thường không dám hòa theo nhưng cũng có chuyện chú cháu chơi cờ, thằng cháu thua buột mồm nói: “Đ… mẹ mày chơi vậy à?”. Muốn nghe tiếng nói bậy nhiều nhất hãy ra sân xem những trận giao lưu bóng chuyền, bóng đá.
“Xã hội ngày một phát triển, đặc trưng nói tục này của quê tôi nên bớt đi. Đầu tiên là ở góc độ gia đình, bố mẹ bớt nói tục thì con cái sẽ không bị nhiễm bởi một ngày có 24h thì cỡ 2/3 chúng ở trong nhà. Thứ nữa là phải giám sát con cái khi chúng vào mạng. Tôi có hai đứa con, không bao giờ chúng được vào mạng tự do mà phải luôn xin ý kiến của bố mẹ. Thứ ba là phải giáo dục trong nhà trường qua những môn văn hay giáo dục công dân.
Việc học bây giờ tôi thấy nặng về kiến thức chứ nhẹ về lễ nghĩa. Về nhà phụ huynh cũng chỉ thường hỏi hôm nay con được mấy điểm chứ chẳng mấy khi hỏi về đạo đức, thậm chí không biết nó chơi với ai, nhóm nào, vào mạng gì.
Tôi vẫn thường bảo cô giáo rằng con tôi nếu hư thì có quyền đánh nhưng họ cũng rất ngại va chạm. Trở lại chuyện vào mạng, nếu như không có ảnh hưởng của mạng xã hội thì đặc trưng nói bậy của quê tôi sẽ có thể ngày một giảm đi nhưng giờ đây nó đang tác động ngược trở lại.
Có những câu nói bậy ở vùng khác giờ đây đã được du nhập về quê như cụm từ “đù má mày”, nhất là trong giới anh em đi làm ăn xa”, anh Tùng tiếp chuyện...
Nói bậy có khi lại là một cách nói giảm, nói tránh, dễ được chấp nhận hơn khi chê thẳng một cái gì đó. Ví dụ có thằng khoe năm vừa rồi trúng mánh kiếm được 1 tỉ mà mình độp thẳng vào mặt nó rằng: “Chú chỉ được cái nói khoác” thì dễ to chuyện, đỏ mặt đánh nhau ngay. Nhưng nếu nói: “Chú nói như cái đầu b” thì người đó có khi lại cười hề hề: “Em nói khoác tí cho vui ấy mà” - một người dân lý giải.
Xả bớt bực tức
Ông Nguyễn Trung Hòa - cựu trưởng xóm Xuân Tiên của xã Giao Xuân bảo xưa quê mình cũng nói bậy ít. Năm 1984 ông đi bộ đội, đóng quân ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì 1 - 2 năm sau ở quê trào lưu đào vàng mới phát triển khiến nghiện ngập nhiều, nói bậy lắm nhưng cũng thường chỉ lưu hành trong các nhóm nhỏ, tức tối nhau mới văng ra. Giờ thì học sinh nói bậy thành trào lưu, thành xu hướng, phát ra từ xấu mà chúng vẫn tươi cười, vui vẻ như không.
Thế hệ của ông ngày xưa nếu nói bậy mà thầy cô bắt gặp là đánh thước kẻ vào tay, véo cho đỏ tai, đứng xó hay bắt làm vệ sinh nhưng giờ hành động như thế là có thể bị phụ huynh kiện thành ra đành bất lực.
Trong trường học đã thế, ngoài xã hội cũng chẳng quan tâm xem chúng nói bậy thế nào. “Lứa tuổi đó đều là đoàn viên cả. Ngày xưa đoàn thanh niên hàng tháng còn tập trung múa hát, nhặt rác, vét mương hay gặt hái gây quỹ giờ gần như đã tê liệt hết, chỉ mang tính hình thức. Bí thư đoàn xã thì không có quân, Bí thư chi đoàn xóm có, xóm không bởi chẳng ai muốn ôm vào nên phải giao cho những đảng viên trẻ như chuyện bắt buộc.
Mỗi năm đoàn chỉ tổ chức mỗi dịp rằm trung thu cho các cháu cắm trại nhưng mấy ông già như tôi đây dù đã hơn 50 tuổi rồi cũng phải đi giúp bởi chẳng còn thanh niên nữa. Xóm có 400 nóc nhà với khoảng 1.500 nhân khẩu nhưng số thanh niên chịu ở làng đếm không hết số ngón trên hai bàn tay.
Các tổ chức khác như mặt trận tổ quốc, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh thì gần như chỉ có hội cựu chiến binh còn ti toe hoạt động tí nên theo tôi gộp luôn mấy chức danh cho một người đảm nhiệm cũng được, đỡ tốn kém...”, ông Hòa chia sẻ.
Trở lại chuyện nói tục, ông Hòa bảo người dân quê mình hay làm ngao đêm, đi sủi, đi xúc, đi kéo, đi rửa ở ngoài biển, tán gẫu bằng những câu chuyện có các từ đệm bậy kiểu “đèo tục”, “đ… mẹ, đ… cha” để cười với nhau cho quên đi sự mệt nhọc chứ không phải là chửi nhau. Nói bậy nữa phải là xuống các bến cá như bến ở xã Giao Hải ấy.
Nghe lời ông, tôi đến bến cá Giao Hải. Vào các buổi chiều, khi tàu bè mấy trăm chiếc tập kết ghé nơi đây tấp nập cũng là lúc người ta nói bậy, chửi bậy để tranh mua, tranh bán. Tiếng “đ… mẹ mày mớ cá này của tao”, “đ… cha mày mớ tôm này của tao” râm ran suốt triền đê biển dài cả cây số với hàng ngàn con người đứng, ngồi lố nhố. Hễ ai mạnh tay, mạnh mồm thường là người thắng cuộc.
Nhưng nói bậy thế có người bảo dân huyện Giao Thủy vẫn còn kém dân huyện Hải Hậu. Muốn biết cụ thể thế nào, mời độc giả theo dõi ở bài tiếp theo.
“Nói bậy dễ phát sinh trong môi trường tập thể, nhất là khi thi đấu thể thao người ta hay hô kiểu: “Chết cha mày đi!” “Chết cụ mày đi”... Bởi thế, mỗi khi dẫn đoàn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội đi thi đấu bao giờ tôi cũng phải dặn chúng đừng nói bậy kẻo người ta đánh giá quê mình nhưng nhiều lúc ngay cả mình cũng quên mất, tự nhiên văng ra: “Quân của ông đá như l”.
Tuy nhiên nói bậy cũng có khi chỉ một mình nói, một mình nghe khi làm việc gì đó nặng nhọc hoặc thất bại thì văng ra cho nhẹ nhõm người. Nói đâu xa, như hoa hậu Đỗ Thị Hà còn văng ra trên facebook là vờ cờ lờ đó thôi!” - lời một người xin được giấu tên.