| Hotline: 0983.970.780

Bãi tập kết than trái phép gây ô nhiễm

Thứ Năm 09/03/2023 , 08:30 (GMT+7)

Chưa được cấp phép, các doanh nghiệp đã san lấp mặt bằng làm bãi tập kết, sang, hạ tải than (bãi tập kết than) ngay đầu nguồn các sông suối...

Bãi tập kết than trái phép mọc lên như nấm

Vo Van Dung NNVN (11)

Bãi tập kết than trái phép mọc lên như nấm dọc tuyến QL 15D. Ảnh: Võ Dũng.

Người dân xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị phản ánh, thời gian gần đây, dọc tuyến QL 15D, ngay đầu nguồn các sông suối mọc lên nhiều bãi tập kết than trái phép. Do chưa có phương án bảo vệ môi trường, hoạt động của các bãi tập kết than đã gây ra rất nhiều hệ lụy khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn.

Bài liên quan

Theo ghi nhận của PV, chỉ chưa đầy 10 km từ trung tâm xã A Ngo lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay hiện đã có 2 bãi tập kết than trái phép đi vào hoạt động. Cách cửa khẩu Quốc Tế La Lay chừng 2 km, sát cầu Km 3+ 509, cạnh đầu nguồn suối Khe Xay, thuộc thôn A Đeng là bãi tập kết than của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn. Dù chưa có đầy đủ các hồ sơ pháp lý nhưng từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp này đã bạt núi cạnh QL 15 D, tập kết, sang tải than. Than vung vãi giữa đường khiến mỗi khi xe cộ đi qua bụi tung mù trời.

Đi về phía hạ nguồn sông A Đeng, ngay tại khu dân cư thôn A Đeng, một bãi tập kết than của công ty Cổ phần logistics PTS Việt Nam cũng chưa có đủ các hồ sơ pháp lý nhưng đã hoạt động từ 1 năm nay. Nắng lên bụi tung mù mịt, mưa xuống chất thải than chạy tràn ra đường rồi theo các dòng nước dồn xuống sông, suối.

Empty

 Bãi tập kết than trái phép của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn ở ngay đầu nguồn suối Khe Xay. Ảnh: Võ Dũng.

Ngay cạnh trụ sở Công an xã A Ngo tại thôn A Rồng Dưới, trong khu dân cư, máy móc đang ồ ạt san lấp mặt bằng trên diện tích rộng chừng 1 ha. Một người đàn ông tự xưng là Trần Minh Hùng, chỉ huy công trường thuộc Công ty T.H.T có trụ sở tại Hà Nội cho biết, việc san ủi đã diễn ra 2-3 ngày nay. Sau khi san ủi, doanh nghiệp sẽ tráng nền xi măng để sang, hạ tải, tập kết than. Theo quan sát của PV, khu vực này nằm trong khu dân cư, cạnh cánh rừng thuộc địa phận thôn A Rồng Dưới và bên cạnh là 1 dòng suối. Ông Hùng cho biết, toàn bộ diện tích trên là đất nông nghiệp và thổ cư được doanh nghiệp T.H.T mua lại của người dân để san lấp chuẩn bị làm bãi hạ tải, tập kết than nhập khẩu từ Lào qua cửa khẩu Quốc tế La Lay.

Ông Hùng khẳng định, trước khi san ủi mặt bằng, doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ pháp lý và được người dân đồng ý cho triển khai(?).

Empty

Công ty T.H.T san lấp mặt bằng làm bãi tập kết than khi chưa có các hồ sơ pháp lý. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV NNVN, tất cả những bãi tập kết than này được doanh nghiệp thuê đất hoặc mua lại đất nông nghiệp; đất rừng sản xuất của người dân rồi đào núi, hạ độ cao khi chưa có bất kỳ một hồ sơ pháp lý nào. Chỉ khi người dân phản ánh, chính quyền vào cuộc, các doanh nghiệp trên mới xin làm hồ sơ pháp lý.

Hợp thức hóa sai phạm khiến môi trường đầu tư thiếu lành mạnh

Gia đình ông Hồ Văn Thúc cùng hàng chục hộ dân sống tại thôn A Đeng, cạnh QL 15 D từ nhiều năm nay. Nhưng mới khoảng 1 năm lại đây, bãi tập kết than của công ty Cổ phần logistics PTS Việt Nam mọc lên, hoạt động suốt ngày đêm.

Thời điểm chúng tôi có mặt, bãi tập kết than này đang tạm dừng hoạt động, một số công nhân đang kéo lưới chắn bụi từ bãi ra khu dân cư.

Empty

Dù đã đóng kín mịt cửa nhưng sàn nhà ông Hồ Văn Thúc vẫn bám đầy bụi. Ảnh: Võ Dũng.

Tuy nhiên, theo ông Thúc, sau khi người dân phản đối mạnh, xe vận chuyển, hạ tải chuyển sang hoạt động vào ban đêm gây ồn ào khiến gia đình ông mất ăn mất ngủ. Than vung vãi khiến phương tiện giao thông đi qua bụi tung mù trời. Nhà ông Thúc và hàng chục hộ dân sống xung quanh gần như lúc nào cũng đóng kín mít cửa. Việc che chắn bằng lưới thưa không thể khiến bụi ngừng phát tán ra môi trường.

“Quét nhà, lau nhà buổi sáng, đóng kín mít cửa thì trưa đã bám đầy bụi trên sàn. Trời mưa, nước suối Khe Xay đen ngòm do than trôi từ các bãi tập kết xuống. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước này nên rất hoang mang. Trường học cũng ở gần bãi tập kết than nên người dân lo lắng bụi than sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con em. Chúng tôi kiến nghị di dời bãi tập kết than ra khỏi khu dân cư và phải đảm bảo vấn đề môi trường để người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.” – ông Thúc cho hay.

Dù bãi tập kết than đã hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường từ lâu nhưng chính quyền cấp xã không có động thái nào để ngăn cản. Điều này khiến người dân rất bức xúc.

Empty

Hoạt động của các bãi tập kết than trái phép khiến người dân thôn A Đeng hoang mang, cuộc sống bị đảo lộn. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Tất Huấn, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, sau khi có thông tin người dân phản án về tình trạng ô nhiễm, UBND xã A Ngo đã kiểm tra và yêu cầu các đơn vị này tạm ngừng hoạt động để triển khai các biện pháp đảm bảo môi trường trước khi hoạt động trở lại.

“Qua kiểm tra, 2 công ty đã đi vào hoạt động nhưng hiện nay đang làm thủ tục trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt vấn đề đảm bảo môi trường. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải đảm bảo vấn đề môi trường và phải có đủ các thủ tục của các cơ quan có thẩm quyền cho phép” – ông Huấn cho hay.

Về việc doanh nghiệp T.H.T hiện đang san gạt mặt bằng, ông Huấn cho biết thêm, đơn vị này đã liên hệ xin UBND xã A Ngo triển khai làm bãi hạ tải nhưng chưa có các thủ tục pháp lý. Hiện nay, chính quyền chưa tổ chức họp lấy ý kiến của người dân nên UBND xã A Ngo chưa chấp nhận.

 “UBND xã A Ngo sẽ lấy ý kiến người dân trước khi triển khai nhưng hiện có một số hộ không đồng ý vì bãi tập kết nằm trong khu dân cư và cạnh con suối. Việc doanh nghiệp chưa được phép triển khai nhưng đã san lấp mặt bằng là sai, chúng tôi sẽ cho kiểm tra” – ông Huấn cho biết thêm.

Hợp thức hóa sai phạm khiến môi trường đầu tư thiếu lành mạnh

Hợp thức hóa sai phạm khiến môi trường đầu tư thiếu lành mạnh. Ảnh: Võ Dũng.

Tình trạng “tiền trảm hậu tấu” trong xây dựng các bãi tập kết than tại Quảng Trị đang diễn ra khá phổ biến. Dù đã hoạt động khá lâu nhưng mới đây  Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn mới xin phép UBND tỉnh Quảng Trị mở các bãi giao nhận, sang tải và trung chuyển hàng hóa. Trước sự việc “đã rồi”, UBND tỉnh Quảng Trị đã cho phép doanh nghiệp tạm thời sử dụng mặt bằng xây dựng trái phép. UBND tỉnh Quảng Trị đồng ý để doanh nghiệp khảo sát mặt bằng mới để xây dựng bãi tập kết than. Nhiều người cho răng, điều này sẽ tạo ra những tiền lệ xấu, làm giảm đi tính minh bạch, lành mạnh trong thu hút những nhà đầu tư có uy tín.

Chấm dứt hoạt động bãi tập kết than gây ô nhiễm môi trường

Không chỉ ở xã A Ngo, tại thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành (huyện Cam Lộ), người dân cũng rất bất bình vì bãi tập kết than của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn gây ô nhiễm môi trường. Mới đây, hợp đồng thuê đất đối với công ty này đã chấm dứt. Trước đó, UBND huyện Cam Lộ cũng đã yêu cầu Công ty Tập đoàn Hoành Sơn tạm dừng nhập nguyên liệu than vào bãi tập kết, đồng thời có các biện pháp bốc và vận chuyển than ra khỏi bãi; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.