| Hotline: 0983.970.780

Bám biển đêm ngày vì… ruốc, cá

Chủ Nhật 09/01/2022 , 21:01 (GMT+7)

Mấy hôm nay có nắng ấm nên ngư dân các bãi ngang phía nam tỉnh Quảng Bình ra khơi trúng mùa ruốc biển và cá lẹp…

Những ngày đầu năm 2022, thời tiết nắng  lên đẹp sau những ngày đông giá. Vùng biển bãi ngang phía nam tỉnh Quảng Bình khá nhộn nhịp trên bờ dưới bến.

Ruốc (khuyếc) biển tươi được mùa được giá cho bà con biển bãi ngang Lệ Thủy có thu nhập cao. Ảnh: H.G

Ruốc (khuyếc) biển tươi được mùa được giá cho bà con biển bãi ngang Lệ Thủy có thu nhập cao. Ảnh: H.G

Ở xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy), ngư dân bám biển đêm ngày để khai thác ruốc biển. Có tàu, sau chuyến ra biển cũng mang về được 2-3 tạ lộc biển cho.

 Trên bãi biển thôn Tân Thuận, thuyền về, người mua, kẻ bán đông vui. Ông Ngô Văn Thảo, ngư dân của thôn nói: “Bữa ni, thôn đã có bến cá mới được đầu tư xây dựng nên xe máy về tận bờ cát để chở ruốc đi tiêu thụ. Bà con thấy sướng lắm”.

Ông Thảo cũng cho hay,  ruốc biển xuất hiện trong 3 ngày gần đây. Hôm nay thuyền nào cũng nhiều ruốc. Có lẽ do trời nắng to nên ruốc nổi nhiều.

Vận chuyển ruốc biển lên bờ để bán cho thương lái. Ảnh: H.G

Vận chuyển ruốc biển lên bờ để bán cho thương lái. Ảnh: H.G

“Thuyền nan ra khơi từ sáng sớm và khoảng 10 giờ trưa trở về mang theo cả tạ ruốc. Nhiều thuyền đánh bắt được đến 3 tạ  luôn đó”- ông Thảo hồ hởi nói thêm.

Mấy bà thương lái có mặt sớm để mua hàng. Với giá bán tại bãi biển là  20.000 đồng/kg ruốc tươi nên bà con đã thu được số tiền lớn, bù đắp cho những ngày biển động thuyền nằm trên bãi.

Ngư dân Thảo tính toán: ‘Mỗi thuyền đi 2 người được 1 tạ ruốc bán được 2 triệu đồng. Trừ đi chi phí còn lại chia nhau được 700 ngàn đồng/người. Nếu được 3 tạ thì mõi người có thu nhập 1,3 triệu đồng. “Không mong nhiều, chỉ vậy là tốt lắm rồi. Mong trời biển kéo dài cho được tháng là có tiền để mua sắm, tiêu  Tết”- ông Thảo hy vọng.

Vừa xới mớ ruốc biển đỏ tươi trên tay, bà Ngô Thị Xanh bảo, ruốc tươi  (bà con còn gọi là con khuyếc), được nắng nên nhiều nhà cũng để dành phơi hay ủ làm ruốc. “Khuyếc ủ làm ruốc sang năm mới dùng được. Trời nắng như vầy thì hũ ruốc biển năm tới ngon phải biết”- bà Xanh nói thêm.

Bà con sơ chế ruốc để làm ruốc biển cho năm tới. Ảnh: H.G

Bà con sơ chế ruốc để làm ruốc biển cho năm tới. Ảnh: H.G

Theo Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, toàn xã có khoảng 150 thuyền khai thác ruốc biển. Mỗi ngày ra khơi cũng thu được ít nhất hàng trăm triệu đồng. “Đây là tín hiệu vui đầu năm mới giúp bà con có thêm thu nhập để vượt qua khó khăn do dịch bệnh”- ông Trung nói..

Trong khi đó, trên vùng biển xã  Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, sát với huyện Lệ Thủy), bà con đang được mùa cá lẹp.

Thuyền ngư dân Hải Ninh về bến. Ảnh: H.G

Thuyền ngư dân Hải Ninh về bến. Ảnh: H.G

Bãi biển thôn Hiển Trung cũng đông người đến. Người nhà thì đợi thuyền về bến. Thương lái đợi cá đưa lên bờ.

Ông Ngô Lộc đang sửa sang lại máy thềm để sáng mai ra khơi cho biết: “Cá lẹp mỏng dài bằng gang tay và lớn bằng hai, ba ngón tay người lớn. Cá này nướng, hấp, kho ớt đều ngon. “Cá lẹp mà kẹp rau mưng. Vợ gắp một miếng, chồng trừng mắt lên”- nó ngon như vậy đó. Món ăn dân dã mà chồng cũng sợ vợ ăn hết mất phần… hè hè. Nói rứa để chú biết nó ngon đến cỡ nào”- ông Lộc vui tính nói với mọi người.

Mọi người rũ lưới để thu cá lẹp. Ảnh: H.G

Mọi người rũ lưới để thu cá lẹp. Ảnh: H.G

 Thuyền ông Ngô Toản về bến đầu tiên trong ngày. Mấy người trên bờ vác đòn xuống cùng phụ xoay, khiêng thuyền lên bờ cao. Người trong nhà kéo tấm bạt rộng trãi dưới cát, sát con thuyền.

Ông Toản và người con kéo đống lưới trên thuyền xuống. Mấy người đứng vòng tròn cùng rũ lưới. Cá lẹp vảy trắng mắc lưới ngời lên dưới sánh mặt trời buổi sáng. Cá được rũ tuột ra khỏi lưới lộp bộp rơi xuống tấm bạt dưới đất.

Cá lẹp tươi được gom lại. Ảnh: H.G

Cá lẹp tươi được gom lại. Ảnh: H.G

Chừng tiếng đồng hồ thì lưới được rũ xong. Ông Toản thu gọn lươi để chuẩn bị cho sáng mai xuất bến. Mấy chị phụ nữ gom cá thành đống rồi bốc vào rá nhựa vuông khiêng lên bờ, nơi có xe ô tô thương lái đợi sẳn.

Cá tươi được đưa lên bờ bán với giá 30 ngàn đồng/kg. Ảnh: H.G

Cá tươi được đưa lên bờ bán với giá 30 ngàn đồng/kg. Ảnh: H.G

Thuyền ông Toản được gần tạ cá, thu về gần 3 triệu đồng. Trừ chi phí còn lại 3 người chia nhau mỗi người được 800 ngàn đồng. “Chúng tôi xuất bến lúc 5 giờ sang và về lại bờ lúc 10 giờ. Thu nhập như vậy là cũng khá cao rồi.”- ông Toản cho biết thêm.

Cho dù không vươn khơi với những chuyến biển dài ngày, nhưng ngư dân vùng biển bãi ngang có lộc biển đầu năm như vậy là cho bà con có thu nhập cao. “Đội thuyền khai thác gần bờ khoảng 100 chiếc với hơn 200 lao động. Những ngày này cũng đánh bắt được nhiều cá lẹp nên bà con có được của để dành dụm”- ông Toản cho hay.

Phía xa ngoài khơi, bóng những con thuyền hướng mũi vào bờ rõ dần. Trên bờ mọi người lại bàn tán xem thuyền ai đang về.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.