Bà Trần Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Ngành NN-PTNT Quảng Bình cho biết: "Chúng tôi xây dựng đề án và tổ chức triển khai các hoạt động thực hiện phong trào đoàn viên, người lao động ngành NN-PTNT thu gom rác thải và chống rác thải nhựa. Bước đầu, triển khai ở các đội tàu biển và đã có được hiệu ứng rất tốt”.
Từ thực trạng đáng lo ngại…
Quảng Bình hiện có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ, mỗi chuyến biển, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho việc khai thác dài ngày. Vì vậy, lượng rác thải trên các tàu rất nhiều và theo thói quen, ngư dân thường xả trực tiếp xuống biển. Đây là một trong những nguyên nhân làm hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh và làm ô nhiễm môi trường biển.
Theo nhiều ngư dân cho hay, trung bình mỗi chuyến đi biển, lượng rác thải trên mỗi con tàu (có từ 7 - 10 ngư dân) là từ 4 - 6 kg. Những tàu có số lượng ngư dân làm việc đông thì lượng rác thải (vỏ lon bia, vỏ chai, can nhựa, túi ni lon...) còn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Tiến, ngư dân xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) ước lượng: “Mỗi năm, chúng tôi có khoảng 17 chuyến đi biển, lượng rác thải xuống biển của mỗi con tàu trên 100 kg. Tính tổng đội tàu toàn tỉnh thì con số rác thải lên tới cả trăm tấn chứ không ít. Nếu cộng dồn năm này qua năm khác, con số đó vô cùng lớn’’.
Đó mới là số liệu ước tính của đội tàu đánh bắt xa bờ. Hiện ở Quảng Bình có khoảng 5.000 tàu, thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt ở vùng lộng, ven bờ. Số tàu này mỗi năm tuồn ra biển số lượng rác thải cũng không hề nhỏ.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến, mỗi lần đi biển, thấy rác thải trôi nổi lập lờ nhiều trên biển, ông không khỏi lo lắng. Tình trạng này không được cảnh báo và cải thiện thì môi trường thủy sản bị đe dọa nghiêm trọng, dẫn đến các loại hải sản trên biển sẽ bị giảm đi nhiều.
Trước thực trạng đó, Sở NN-PTNT cùng Công đoàn Ngành NN-PTNT Quảng Bình thực hiện tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia mô hình thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ. Chương trình nhằm hạn chế tối thiểu tình trạng ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển, đặc biệt là rác thải nhựa như túi nhựa, chai nhựa, cốc nhựa, ống hút nhựa. Mục tiêu trong quá trình sản xuất, sinh hoạt trên biển, ngư dân luôn có ý thức góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Hiệu ứng tích cực
Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT Quảng Bình) là đơn vị tiên phong đi đầu trong nhiệm vụ tổ chức, vận động ngư dân trên tàu cá thu gom rác thải đúng nơi quy định. Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, đã chỉ đạo các phòng, trạm, Trung tâm Đăng kiểm tàu cá phối hợp cùng đồng loạt triển khai chương trình thu gom rác thải trên tàu cá.
Thông qua thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá; công tác thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, Chi cục đã tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu cá. Tàu cá tham gia thực hiện mô hình không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn có thể tái chế, giảm một phần chi phí chuyến đi biển của ngư dân.
Cùng với nhiệm vụ trên, Chi cục Thủy sản đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thủy sản tuyên truyền, vận đông các chủ tàu cá trong quá trình bốc dỡ hàng hóa qua cảng cá Nhật Lệ, Sông Gianh chuẩn bị lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm phục vụ hoạt động khai thác nhiều ngày trên biển nên sử dụng các dụng cụ, bao bì, thùng, hộp… có thể tái sử dụng nhiều lần, không sử dụng những sản phẩm sử dụng một lần.
Trong quá trình sản xuất trên biển, không được vứt bỏ các loại ngư lưới cụ cũ, bị hỏng trực tiếp xuống biển. Tại các khu neo đậu Sông Gianh, Nhật Lệ, Roòn..., ngư dân trong và ngoài tỉnh đưa tàu vào neo đậu tránh trú bão cũng đã được tuyên truyền, nhắc nhở không xả, vứt rác xuống lòng âu thuyền.
Ngư dân xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) được chọn làm đơn vị triển khai điểm của đề án “Thu gom rác thải trên tàu cá”. Ông Nguyễn Ngọc Tiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cảnh Dương cho hay, ngư dân rất phấn khởi và nhiệt tình tham gia.
“Khi chưa phát động, ngư dân có thể quên và làm theo thói quen. Nhưng khi phát động, mọi người ý thức tự giác cao và thực hiện rất nghiêm túc“, ông Tiếp nhìn nhận.
Chi cục Thủy sản và Hội Nông dân xã Cảnh Dương phối hợp tuyên truyền vận động ngư dân tham gia mô hình “thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ”. Những ngư dân tiêu biểu là tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác, tổ biển xa là người có uy tín trong cộng động ngư dân được chọn làm nồng cốt để triển khai mô hình.
Ngư dân được hướng dân, làm túi thu gom, đựng rác thải. Vật liệu làm túi sử dụng lưới đánh bắt cá bị hỏng được tận dụng làm túi. Việc tận dụng lưới đánh cá hỏng để làm túi sẽ không làm phát sinh chi phí cho ngư dân.
Kích thước mỗi túi dài khoảng 1m và rộng 0,5m. Mỗi tàu sẽ trang bị 2 túi, gồm 1 túi đựng rác thải có thể tái chế, sử dụng lại và 1 túi đựng rác thải không thể tái chế. Các túi đựng rác được đặt túi ở phía sau đuôi tàu. Ở vị trí này sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động và thao tác khi đánh bắt hải sản trên tàu của ngư dân.
Về phía chính quyền địa phương, cũng đã hỗ trợ tích cực trong việc bố trí nhân lực, trang thiết bị thu rác thải. Điểm tập kết rác thải phù hợp theo quy định tại các vị trí có tàu cá neo đậu, thuận tiện cho ngư dân để rác thải sau khi tàu cá về nghỉ trăng, cập bến.
Từ mô hình “thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ” ban đầu ở xã Cảnh Dương, đề án đã được nhân rộng ra các địa phương khác. Từ đầu năm 2021 đến nay, đã có trên 500 tàu cá của các xã Đức Trạch, Hải Trạch (huyện Bố Trạch), Quảng Văn, Quảng Phúc, (Thị xã Ba Đồn) tham gia mô hình.
Ngư dân Nguyễn Văn Ban (xã Quảng Văn) cho hay: “Mỗi chuyến ra khơi, anh em trên tàu luôn có ý thức mỗi ngày gom rác thải vào túi nhỏ. Đến cuối ngày thì cho vào túi lưới đựng rác ở đuôi tàu. Sau chuyến biển thì mang túi rác lên bờ đưa đến chỗ tập trung để có phương tiện vận chuyển đi xử lý đúng nơi quy định.
Từ ngày tham gia mô hình, mọi người đều có ý thức hẳn lên. Thỉnh thoảng, khi không bận tay, anh em thấy rác trôi nổi trên biển cũng vớt lên cho vào túi đựng rác tàu mình".
Theo bà Trần Thị Thanh Huyền, Chủ tịch Công đoàn Ngành NN-PTNT Quảng Bình, bước đầu mô hình đã góp phần nâng cao nhận thức của ngư dân về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi ni-lon sử dụng một lần, đồng thời hạn chế tối đa việc xả rác thải trực tiếp ra biển. Bà Huyền chia sẻ: “Từ mô hình sẽ tạo sức lan tỏa để nhân rộng các mô hình tốt về thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ tỉnh Quảng Bình”.
Còn ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình, Chi cục sẽ tiếp tục chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân tham gia mô hình “thu gom rác thải trên tàu cá” để nhân rộng trên toàn tỉnh.
"Qua chương trình vận động này, nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển và nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển. Mô hình triển khai phải đảm bảo thiết thực, dễ làm với ngư dân và không phát sinh thêm chi phí, nhân công cho ngư dân", ông Linh nói thêm.