| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 08/11/2022 , 11:40 (GMT+7)
Thái Hạo

Thái Hạo

11:40 - 08/11/2022

Ban đại diện, đại diện cho ai?

Nhà trường đã tự bầu ra, lấy ban đại diện khóa cũ, sau đó phổ biến tất cả những chủ trương và áp đặt các khoản đóng góp.

Nhà trường đã tự bầu ra, lấy ban đại diện khóa cũ, sau đó phổ biến tất cả những chủ trương và áp đặt các khoản đóng góp. Ảnh minh họa.

Nhà trường đã tự bầu ra, lấy ban đại diện khóa cũ, sau đó phổ biến tất cả những chủ trương và áp đặt các khoản đóng góp. Ảnh minh họa.

Con tôi năm nay học lớp 5. Từ trước đến giờ việc giao tiếp, họp hành với nhà trường tôi vẫn ỷ y mà giao cả cho mẹ cháu. Và đây là năm đầu tiên tôi đi họp phụ huynh cho con. Có quá nhiều điều không thể ngờ, và không thể tin nổi.

Sau vài lời “vào đề” của cô giáo chủ nhiệm, vị đại diện cha mẹ học sinh lớp được mời đứng dậy thông qua các khoản đóng góp. Thì ra vị này đã họp với ban giám hiệu nhà trường trước đó rồi, và thống nhất các khoản đóng góp từ trong cuộc họp ấy, bây giờ mang về lớp chỉ để phổ biến lại cho phụ huynh cả lớp!

Đó là một quy trình kỳ lạ. Hội trưởng hội phụ huynh lớp phải được bầu ra từ một cuộc họp của cha mẹ học sinh lớp, sau khi thống nhất và ghi nhận những ý kiến của tất cả phụ huynh lớp thì mới tiến hành họp các chi hội trưởng để bầu ra một ban đại diện cha mẹ cho toàn trường. Nhưng không, nhà trường đã tự bầu ra/lấy ban đại diện khóa cũ, sau đó phổ biến tất cả những chủ trưởng và áp đặt các khoản đóng góp. Biến cuộc họp ở lớp chỉ còn là một buổi thông báo đóng tiền do ban giám hiệu ủy nhiệm cho chi hội trưởng hội phụ huynh.

Lúc này, ở lớp, mọi ý kiến cũng chỉ là ý kiến, khi mà phụ huynh chỉ còn biết tự nói lấy nghe lấy. Một cái biên bản sau cuộc họp được chuyển về trường chỉ còn là hình thức, không biết có được ban giám hiệu nhà trường ngó mắt đến không.

Tôi quá sốc với cái quy trình ngược đời ấy, nhưng vẫn nêu các ý kiến của mình về sự bất hợp lý, sai quy định trong các khoản đóng góp và trong việc tổ chức dạy thêm học thêm của nhà trường. Đúng như dự đoán, mọi thứ chìm vào im lặng. Vì quá sốt ruột, hôm sau tôi phải tự mình thảo một lá đơn, và lên trường gặp trực tiếp ban giám hiệu để trình bày, yêu cầu nhà trường điều chỉnh lại cho đúng. Hơn 10 ngày đã trôi qua, dù ban giám hiệu nhà trường buộc phải thừa nhận với tôi rằng tất cả những điểm tôi nêu ra trong đơn đều đúng hết, và chấp nhận thực hiện theo các yêu cầu của tôi. Nhưng hình như đó chỉ là lời nói đầu môi cho xong chuyện.

Trước tình hình ấy, nhưng vẫn không muốn đơn từ căng thẳng nhiêu khê, tôi nhắn vào group của phụ huynh, đề nghị thảo một lá đơn ký tên tập thể, yêu cầu nhà trường thực hiện cho đúng đối với tất cả những điểm còn bất hợp lý và sai trái. Nhiều phụ huynh, trong đó có vị hội trưởng của lớp cũng thừa nhận với tôi rằng những gì tôi nêu ra là đúng.

Nhưng kỳ lạ thay, chính vị đại diện cha mẹ học sinh của lớp lại nói công khai rằng “Một mình anh thì có thay đổi được gì không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi lại, “Chị là hội trưởng, chị cũng thấy nhà trường sai và đồng ý với những gì tôi nêu ra, mà giờ chị nói rằng 'một mình' tôi, vậy chị đại diện cho ai?”. Tôi không nhận được câu trả lời.

Sự quái dị này trong quy trình tổ chức các cuộc họp của phụ huynh cũng như sự can thiệp thô bạo của nhà trường vào các hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh chính là một trong những biểu hiện rõ nét nhất cho tính công cụ và tay sai của cái ban đại diện này.

Họ, ban đại diện ấy, vì được nhà trường can thiệp, chỉ định nên đã không những không phản đối những chủ trương và cách thực hiện sai trái của nhà trường, mà còn trở thành cánh tay nối dài, bị biến thành “đại diện cho nhà trường”, chứ không phải là đại diện của phụ huynh và học sinh nữa.

Vì vị hội trưởng của lớp đã công khai chối bỏ trách nhiệm, bây giờ nếu muốn ý kiến gì với nhà trường thì tôi cũng như các vị phụ huynh khác chỉ có thể thực hiện với tư cách cá nhân, và đúng là “một mình” như vị ấy khẳng định. Một hội phụ huynh với cái ban đại diện không hề đại diện cho phụ huynh như thế, thì lý do gì để nó tồn tại? Tồn tại cho ai và để làm gì?

Cái ban đại diện ấy không những không đứng trên quyền lợi của phụ huynh và học sinh để hoạt động mà ngược lại, chỉ đứng trên quan điểm và sự chi phối của nhà trường để trở nên một thứ tay sai mù quáng. Họ công khai phổ biến và đứng ra thu các khoản tiền trái quy định, vào hùa với ban giám hiệu để thực hiện một chương trình học thêm bất hợp lý, cùng nhau bóp méo chương trình giáo dục và biến môi trường học đường thành một nơi nhiều bóng tối.

Bao nhiêu nhếch nhác, sai trái, bất bình, rối loạn trong môi trường học đường gây nhức nhối suốt nhiều năm qua có một nguyên nhân quan trọng từ cái gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh này. Nó không thể tiếp tục tồn tại như thế.

Nếu không chấn chỉnh được hoạt động của ban đại diện mang tên “phụ huynh” giả hiệu kia thì việc dẹp bỏ nó là điều không những cần thiết mà còn là cấp bách. Không thể để một tổ chức trá hình như vậy tồn tại công khai trong nhà trường để làm thành một liên minh phá hoại nền tảng giáo dục vốn đang có quá nhiều bệnh tật như hiện nay.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm