Hiện tượng này chủ yếu tập trung ở các xã Tân Lộc, Tân Lộc Bắc và một phần Tân Phú.
Theo lý giải của hầu hết người dân, họ phải lấy đi lớp đất mặt ruộng là do đất gò cao, sản xuất lúa không hiệu quả (thường bị chuột cắn khi lúa làm đòng và lúa bị mất nước sớm vào thời gian đầu mùa khô).
Chính vì thế, hoặc là tự san lấp, hoặc bán lớp đất này cho những người có nhu cầu, nhằm hạ thấp mặt ruộng, lại có tiền đầu tư cho vụ sau.
Ông Lữ Văn Kết, ở ấp 2, xã Tân Lộc cho biết, gia đình ông vừa thuê khoảng 10 nhân công kéo lớp đất cày mặt ruộng lấp vào ao gần nhà. Theo ước tính của ông Kết, phần này cũng cần trên 50 mét khối, tức là ông phải lấy đi lớp đất mặt của hàng 1.000 m2 đất ruộng.
Được biết, ngoài hình thức san lấp để cải tạo ruộng, nhiều hộ dân còn bán lớp đất này với giá khoảng 70.000đ/xe ben (khoảng 4 – 5 mét khối). Để ngăn chặn tình trạng này, UBND xã Tân Lộc đã có thông báo, vận động bà con không nên khai thác lớp đất mặt ruộng.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang gặp khó khăn là, đất của dân họ bán là quyền của họ và họ vẫn canh tác đúng mục đích.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho rằng: Dù bán hay san gò cao cho ruộng bằng phẳng, thì lớp đất mặt vẫn đang bị lấy mất.
Lớp đất mặt có được phải qua quá trình lâu dài, chính là phần đất màu mỡ để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Nếu lấy đi lớp đất này, ruộng lúa sẽ không còn độ phì nhiêu, năng suất kém, tốn nhiều chi phí phân bón...