
Nhân viên cửa hàng đang thui miếng thịt lợn tươi ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua.
Nguồn nước thải từ chung cư nuôi lợn có thể… uống được
Ngoài mở rộng thị trường nhập khẩu ra nhiều quốc gia, để ổn định nguồn cung thịt lợn, Trung Quốc quy hoạch các trang trại nhỏ vào những khu chăn nuôi tập trung, cao tầng. Mô hình này còn được biết đến với tên “khách sạn lợn”.
Có thể kể đến Tập đoàn Thực phẩm Muyuan ở Trung Quốc, với 105.000 lợn nái trong 21 tòa nhà 6 tầng, được xây trong nỗ lực tái đàn lợn sau dịch tả lợn châu Phi.
Khu đất này có diện tích 182 ha gắn liền với tổ hợp 202 ha bao gồm khuôn viên hậu cần với hệ thống các cầu cảng, băng chuyền đường ray cao tốc và một nhà máy thức ăn chăn nuôi đang dần hình thành, dự kiến sẽ sản xuất 720.000 tấn thức ăn chăn nuôi hằng năm.
Mỗi chuồng nuôi cao bằng tòa nhà 6 tầng theo hình xương cá, với mỗi dãy chuồng nuôi 2.500 con lợn nái, tức 5.000 con/tòa. Toàn bộ nguồn nước thải đều được xử lý đồng bộ và sau khi được xử lý có thể uống được.
Theo đó, hai tầng trên cùng là những chuồng lợn nái và lợn hậu bị. Tiếp đó các tầng bên dưới là khu vực nuôi lợn con. Lợn sau khi sinh ra được vận chuyển theo dây chuyền tự động, gồm hệ thống thang máy liên kết giữa các tầng và tòa nhà theo công nghệ đầu cuối. Theo tính toán, sau bảy tuần là hoàn thành một chu kỳ nuôi lợn con.
Tất cả hệ thống không khí ra vào trang trại đều được thanh lọc để chống lại bệnh tật, trong khi luồng ra cũng được đi qua hệ thống lọc để giảm mùi hôi. Đàn lợn xuất chuồng sẽ được lên xe tự động đưa đến lò mổ - công trình cuối cùng trong khu liên hợp.
Các công ty chăn nuôi Trung Quốc cũng đã tích trữ đậu nành, thành phần quan trọng của thức ăn cho lợn, bằng các hợp đồng 6 tháng đến 9 tháng. Biện pháp này được coi là để “khóa chết” một trong các yếu tố tăng giá thịt lợn.
Zhu Zengyong, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết nước này sẽ “không bị ảnh hưởng” do có các nguồn cung lớn từ Brazil, Tây Ban Nha. Ở diễn biến khác, Nga cũng đã xuất khẩu một lượng thịt lợn sang Trung Quốc vào năm 2024, động thái được cho là cách Bắc Kinh sẵn sàng mua của bất cứ thị trường nào, chỉ cần giá cả hợp lý.
Bức 'vạn lý trường thành' bằng thịt lợn của người Trung Quốc
Các tập đoàn lớn ở Trung Quốc như Wens Foodstuff Group, Muyuan Foods và New Hope Liuhe cung cấp phần lớn sản lượng thịt lợn. Các đơn vị này sở hữu cả những “khách sạn lợn” cao tới 26 tầng. Chiều cao này tăng 20 tầng so với thời điểm năm 2021, khi Trung Quốc đang phải tái đàn do thiệt hại 40% tổng đàn lợn sau dịch tả. Một số công ty Trung Quốc đang nghiên cứu phát triển thịt lợn nuôi cấy trong phòng thí nghiệm để giảm phụ thuộc vào chăn nuôi truyền thống.
Tờ Washington Post ví von thịt lợn là vô cùng quan trọng với người tiêu dùng Trung Quốc, nó như một bức vạn lý trường thành của nước này, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tại khu chợ nông sản Tân Phát Địa, nơi bán và giết mổ lợn luôn bận rộn. Tuy nhiên, sự hiện diện của con người ngày một ít đi. Trung Quốc đang ứng dụng ngày càng nhiều công nghệ AI, robot vào ngành công nghiệp tỷ USD.
Theo cây bút Christian Shepherd, lợn quan trọng đến mức người Trung Quốc lấy nó làm một phần trong chữ Gia (nhà). Từ “rou” trong tiếng Trung Quốc, cũng thường được hiểu là thịt lợn, chứ không phải thịt của bất cứ loại gia súc, gia cầm nào khác.
Chưa có con số công khai chính thức từ phía Trung Quốc về năng lực của kho dự trữ chiến lược, song giới kinh tế đánh giá cao việc Bắc Kinh mở kho khi giá tăng, chủ động mua vào giúp nông dân khi giá bán thấp hơn giá thành.
Ngoài ra, một số công ty Trung Quốc được cho là đang nghiên cứu công nghệ nuôi cấy thịt lợn trong phòng thí nghiệm, giảm phụ thuộc chăn nuôi truyền thống.
Các biện pháp bình ổn giá của Trung Quốc không cao siêu, nó khó ở chỗ liên thông toàn thị trường, kịp thời, chủ động. “Khi các cuộc trả đũa bằng thuế quan diễn ra, bên nào cũng có thiệt hại, song có vẻ Trung Quốc gần như đang có bức vạn lý trường thành bằng thịt lợn, rất khó vượt qua”, tờ Washington Post nhận định.

Khu chợ bán thịt lợn ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Minh bạch giá cả, liên thông hệ thống
Vừa qua, Trung Quốc đánh thuế 10% với thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ, điều này sẽ gián tiếp làm gia tăng chi phí sinh hoạt hằng ngày tại xứ cờ hoa, tờ Washington Post cho biết trong bài phân tích kinh tế cuối tuần trước.
Động thái này của Bắc Kinh được coi là đòn trả đũa nhằm vào hàng rào thuế mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thiết lập với hàng hóa đến từ Trung Quốc.
Cây bút chuyên về tài chính, Christian Shepherd cho biết, Trung Quốc là nước nhập khẩu thịt lợn Mỹ nhiều thứ 3 trên thế giới, sau Mexico và Nhật Bản. “Người Trung Quốc rất thích thịt lợn. Họ đã tiêu thụ 57 triệu tấn thịt lợn trong năm 2024, chiếm 50% tổng sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, những cuộc trả đũa bằng hàng rào thuế quan có lẽ sẽ gây ít tổn thương cho Bắc Kinh. Trung Quốc đã biết cách cân bằng”.
Con số 1 tỷ USD thịt lợn nhập từ Mỹ, chỉ chiếm 7% lượng nhập khẩu, và chỉ bằng 0,1% nguồn cung của Trung Quốc.
Tờ báo nổi tiếng nước Mỹ thừa nhận rằng, trong khi người Washington lo ngại về thuế quan, người Bắc Kinh lại chẳng mấy quan tâm.
“Chúng tôi chỉ bán thịt lợn xuất xứ trong nước. Căng thẳng thương mại chẳng có gì liên quan đến chúng tôi”, Zhang Haifu, một bà chủ sạp thịt lợn cho biết.
Zhang chỉ là một trong số hàng nghìn người đang kinh doanh thịt lợn tại Tân Phát Địa, chợ đầu mối nông sản lớn nhất Bắc Kinh. Giá thịt lợn được công khai trên bảng điện tử cỡ lớn, treo ở lối ra vào khu bán thịt lợn. “Trang trại hiện có 1.795 con lợn. Giá 1 USD mỗi pound (0,45kg)”. Cây bút Christian cho rằng công khai giá cả, liên thông toàn thị trường là một trong những yếu tố quan trọng khiến Trung Quốc khống chế giá lợn theo hướng có lợi cho đất nước này.
Một điều đáng chú ý khác ở Tân Phát Địa, đó là không có thứ gì trên con lợn bị bỏ phí. Tai, lòng, chân giò, toàn bộ nội tạng, đều là thứ người Trung thích, còn người Mỹ bỏ đi.
Đây là thị trường béo bở với các nhà buôn Mỹ. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 320.000 tấn nội tạng lợn từ Mỹ, tương đương 25% tổng lượng nhập. “Không có thị trường nào thay thế được Trung Quốc, với mức giá mà người mua hàng ở đó chi trả”, Liên đoàn Xuất khẩu thịt Mỹ (USMEF), cho biết.
Dù là nước nhập khẩu nhiều thịt lợn từ Mỹ, giới chức Trung Quốc đang “đánh cược” rằng nông dân các nước như Tây Ban Nha, Brazil sẽ sẵn sàng trở thành nguồn cung thịt lợn thay thế.
Bước đi khác của Trung Quốc là phát triển nguồn cung nội địa. Tờ Washington Post ước tính Trung Quốc đang tự chủ 97% thị trường thịt lợn trong nước. Nỗ lực này ít nhiều bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn bùng phát hồi 2018. Biện pháp tức thời được Trung Quốc sử dụng là đẩy mạnh nhập khẩu thịt lợn và xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh quốc gia để hạ sốt.