| Hotline: 0983.970.780

‘Bão giá thịt’ hoành hành ở Mỹ

Thứ Tư 08/06/2022 , 10:40 (GMT+7)

Giá thịt gà tăng 16,4%, thịt bò tăng gần 15%, trứng tăng 22,6%, hải sản tăng 11,9% so với cùng kỳ, liệu có khiến thói quen tiêu thụ 101 kg thịt/đầu người Mỹ thay đổi?

Giá thịt, sữa và trứng ở Mỹ tăng phi mã, khiến cho cuộc khủng hoảng lạm phát thêm tồi tệ. Nguồn: USBLS

Giá thịt, sữa và trứng ở Mỹ tăng phi mã, khiến cho cuộc khủng hoảng lạm phát thêm tồi tệ. Nguồn: USBLS

Cơn bão giá và lạm phát thực phẩm hoành hành ví tiền của từng hộ gia đình Mỹ chưa tìm ra lời giải, trong khi Nhà Trắng và các nhóm bảo vệ người tiêu dùng cáo buộc một số nhà sản xuất thịt “đục đẽo” giá để tăng lợi nhuận.

Hiện giá thực phẩm tại nhà ở Mỹ đã tăng gần 11% kể từ tháng 4 năm ngoái, cao hơn mức lạm phát chung (8,3%), nhưng giá thịt, sữa và trứng nói riêng đều đã tăng vọt. Tính chung từ tháng 4 năm 2021 đến tháng 4 năm 2022, giá trứng đã tăng 22,6%, thịt gà tăng 16,4%, sữa và thịt bò tăng gần 15%, cá và hải sản tăng 11,9%.

Nhưng hầu hết các mặt hàng chủ lực có nguồn gốc thực vật - như đậu, gạo, bánh mì, trái cây và rau - đã tăng chậm hơn tốc độ lạm phát chung so với hàng tạp hóa (gồm pho mát và giăm bông, hai trong số ít ngoại lệ ở nhóm mặt hàng thịt và sữa).

Tyson Foods, nhà sản xuất thịt lớn nhất của Mỹ lý giải rằng, giá thịt tăng là do nhu cầu tăng cao cũng như chi phí lao động và nhiên liệu tăng cùng với giá thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang bị tàn phá bởi dịch cúm gia cầm, khiến gần 38 triệu con gia cầm đã bị tiêu hủy trong năm nay.

Claire Kelloway, thuộc Viện Thị trường Mở, một tổ chức phi lợi nhuận chống độc quyền đã trưng ra doanh số quý II của Tyson Foods khẳng định, công ty này đã lợi dụng cuộc khủng hoảng lạm phát hiện nay “như một vỏ bọc để kiếm nhiều tiền hơn”.

John Hansen của Hiệp hội Nông dân bang Nebraska, thậm chí nói thẳng: “Không nghi ngờ gì về việc giá cả bị khoét sâu qua thảm họa Covid-19 và thực trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.

“Các công ty sản xuất thịt không đưa ra mức giá nào cho người tiêu dùng và để các nhà bán lẻ làm điều đó", bà Sarah Little, nhà kinh tế thuộc Viện Thịt Bắc Mỹ nói và cho biết, giá thịt bò bán buôn đã giảm trong khi giá bán lẻ vẫn tăng.

Theo bà Kelloway, tình riêng bốn tập đoàn kinh doanh thịt hàng đầu đã giết mổ 73% tổng đàn bò thịt, 67% đàn lợn và 54% đàn gà ở Mỹ. “Khi sân chơi có quá ít người tham gia, thì không quá khó để nhìn rõ mọi thứ và cái gọi là 'thông đồng ngầm' để lèo lái giá cả tất yếu sẽ xảy ra…”

Cách đây vài tuần, Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận điều này: “Về cơ bản, cả nước chỉ có bốn nhà chế biến thịt để bán cho người tiêu dùng, và họ định giá. Khi không có cạnh tranh, họ có thể đặt ra mức giá ngày càng cao”.

Michael Mitchell, thuộc tổ chức chính sách kinh tế Groundwork Collaborative, cho biết, các chủ trang trại bò thịt thường ký hợp đồng với những nhà chế biến, đóng gói với mức giá đã định. Điều này thực sự tạo ra một không gian mà các chủ trang trại bị ép giá bởi nhu cầu về thịt vẫn còn tương đối lớn… và những người đóng gói thịt có thể kiếm được lợi nhuận một cách “rất lành mạnh”.

Hiện Quốc hội Mỹ đang tiến hành những nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng tiêu cực trong ngành thịt, vốn đã có từ lâu trước thời kỳ lạm phát cao này. Vào tháng trước, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã đề xuất những sửa đổi về đạo luật Chế biến và dự trữ từ năm 1921 nhằm ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh trong ngành công nghiệp thịt, mà những người ủng hộ chống độc quyền cho rằng “nó được thực thi một cách yếu ớt”. Dự kiến, các quy định mới sẽ tạo ra sự minh bạch hơn về các điều khoản hợp đồng thu mua vật nuôi với nông dân cùng với nhiều đề xuất thay đổi.

Giá thịt đã tăng cao hơn mức lạm phát so với năm ngoái, khiến một số nhóm bảo vệ người tiêu dùng và Tổng thống Biden đổ lỗi cho các nhà sản xuất thịt lớn đang thông đồng tăng giá. Ảnh: Douglas Sacha

Giá thịt đã tăng cao hơn mức lạm phát so với năm ngoái, khiến một số nhóm bảo vệ người tiêu dùng và Tổng thống Biden đổ lỗi cho các nhà sản xuất thịt lớn đang thông đồng tăng giá. Ảnh: Douglas Sacha

Tuy nhiên theo các chuyên gia nhà kinh tế, cho dù chưa biết sẽ ra sao nhưng chắc chắn nhu cầu về thịt sẽ vẫn tăng mạnh. Mặc dù việc giải quyết các vấn đề cạnh tranh trong ngành công nghiệp thịt có thể mất nhiều năm, nhưng đối với những người đang tìm cách tiết kiệm hóa đơn chi tiêu hàng ngày hiện nay, thì cách nhanh nhất là chuyển sang thực phẩm có nguồn gốc thực vật ít tốn kém hơn.

Nhà nghiên cứu Marco Springmann của Đại học Oxford và các cộng sự công bố một nghiên cứu cho thấy rằng, ở các quốc gia có thu nhập cao, chế độ ăn kiêng linh hoạt - ít thịt và sữa-, thay bằng rau xanh và ngũ cốc đã giảm trung bình 14% chi phí thực phẩm.

“Ở Mỹ, giải pháp này thậm chí còn có thể tiết giảm nhiều hơn, bởi vì chế độ ăn uống của người dân thường có rất nhiều thịt và sữa, vì vậy có rất nhiều tiềm năng”.

Ngay cả khi doanh số bán các loại thịt làm từ thực vật đã tăng vọt trong những năm gần đây, khẩu phần tiêu thụ thịt của người dân Mỹ vẫn tăng đều đặn, đạt mức cao kỷ lục 101,60 kg trên đầu người vào năm ngoái, và dự báo sẽ còn tăng cao hơn.

(Vox)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.