| Hotline: 0983.970.780

Ông Biden nói ‘bó tay’ trước giá thực phẩm, xăng dầu tăng mạnh

Thứ Năm 02/06/2022 , 09:59 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói, ông không thể làm gì hơn để giảm giá xăng dầu, thực phẩm vẫn đang tăng, đồng thời thừa nhận thực tế mà các gia đình phải gánh chịu.

Tổng thống Mỹ đang loay hoay trước cuộc khủng hoảng lạm phát tiêu dùng tăng mạnh, đè nặng lên các hộ gia đình. Ảnh: ABC 

Tổng thống Mỹ đang loay hoay trước cuộc khủng hoảng lạm phát tiêu dùng tăng mạnh, đè nặng lên các hộ gia đình. Ảnh: ABC 

"Có rất nhiều thứ đang diễn ra lúc này nhưng ý tưởng chúng tôi để có thể điều chỉnh chính sách cắt giảm chi phí xăng dầu là không có khả năng xảy ra trong tương lai gần. Điều đó cũng tương tự với thực phẩm", ông Biden phát biểu hôm 1/6 tại Nhà Trắng nhân dịp tổ chức một sự kiện về tình trạng khủng hoảng thiếu sữa bột trẻ em.

Theo CNN, hiện chính phủ của ông Joe Biden và các chuyên gia đang nỗ lực tìm cách “đặt trọng tâm vào nền kinh tế trong những tuần tới” để nhà lãnh đạo Mỹ có thể sớm đưa ra các cam kết nhằm kiềm chế lạm phát, cho dù là ít nhất có thể.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã giao nhiệm vụ cho các trợ lý nỗ lực cải thiện hình ảnh của chính quyền khi chứng kiến chỉ số xếp hạng tín nhiệm của mình tiếp tục giảm xuống. Dự kiến kế hoạch của ông Biden sẽ đặt trọng tâm vào khả năng tiếp tục cho phép Cục Dự trữ Liên bang có được sự độc lập cần thiết để chống lại lạm phát, thông qua chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên ông Biden thừa nhận rằng, có rất ít cơ hội để ông có thể tự đưa ra quyết sách nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng chi phí, giá cả hàng tiêu dùng đang leo thang ở mức đột biến như hiện nay.

"Chúng tôi không thể đưa ra hành động ngay lập tức bởi tôi biết là chưa tìm ra cách nào để có thể hạ giá xăng quay trở lại mức 3 đô la một gallon (3,8 lít). Và chúng tôi cũng không thể làm điều đó ngay lập tức đối với giá thực phẩm", ông Biden nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời cho rằng, cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và những tác động sau đó đối với năng lượng và ngũ cốc chính là thủ phạm của cuộc khủng hoảng lạm phát lần này.

Ông Biden nói: “Chúng tôi đang ở trong tình huống do cuộc khủng hoảng (chiến tranh) ở Ukraine gây ra, đã đẩy giá khí đốt và giá lương thực lên rất cao. Ví dụ như chúng ta đang có hàng chục triệu tấn lúa mì và ngô không thể nào lấy ra và bán được. Và vì vậy chúng tôi đang cố gắng tìm ra cách nào để có thể khơi thông được những bế tắc đó".

Ông Biden nói tiếp: “Tương tự với xăng dầu hiện tại cũng đang gặp vấn đề khi châu Âu dự kiến sẽ cắt giảm hơn nữa việc mua dầu của Nga với rất nhiều cân nhắc, mặc dù Nga có thể xuất khẩu với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường".

Tổng thống Mỹ cho biết thay vì hành động trực tiếp để hạ giá xăng dầu hoặc thực phẩm, ông Biden đang tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính trong các lĩnh vực khác, như thuốc men và chăm sóc trẻ em. “Chúng tôi có thể bù đắp bằng cách cung cấp các chi phí cần thiết khác cho các gia đình bằng cách hạ nhiệt giá cả chúng xuống. Điều đó sẽ làm giảm gánh nặng lạm phát cho các hộ gia đình", ông Biden nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết sẽ tiếp tục thảo luận thêm về vấn đề này trong hôm nay.

Trong diễn biến liên quan, tờ DW của Đức cho biết, chủ nghĩa bảo hộ lương thực toàn cầu hiện đang trỗi dậy sau khi Ấn Độ và các quốc gia xuất khẩu lương thực lớn ở châu Á và châu Âu tuyên bố đã ngừng xuất khẩu nông sản để giữ an ninh lương thực trong nước.

Và hiện làn sóng này đã lan tới các quốc gia châu Phi khi họ cũng bắt đầu cấm xuất khẩu nông sản. Cụ thể là Ghana và Uganda đã cấm xuất khẩu ngũ cốc và các loại nông sản khác, hoặc áp thuế cao để ngăn xuất khẩu sang các nước láng giềng. Theo đó các lệnh cấm tạm thời đối với xuất khẩu ngô, gạo, đậu tương và các loại ngũ cốc khác sẽ có hiệu lực đến tháng 9 năm 2022.

Từ nhiều tháng qua, trên khắp lục địa đen, nông dân đang phải vật lộn với chi phí đầu vào sản xuất nông nghiệp tăng cao, nhiều chính phủ cho rằng nguyên nhân chính là do cuộc khủng hoảng tại Ukraine gây ra.

Người đứng đầu bộ môn kinh tế ứng dụng tại Đại học Nghiên cứu Phát triển Ghana, tiến sĩ Michael Ayamga cho rằng, một số chính phủ các nước châu Phi cần phải suy nghĩ thấu đáo trước khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu nông sản. “Chúng ta cần sử dụng cơ chế thị trường chứ không phải là cách tiếp cận hà khắc và có kiểm soát mà chính phủ đã áp dụng bằng cách cố gắng làm cho nông dân không thể xuất khẩu, thay vì tạo cho họ các ưu đãi để bán trong nước. Hiện nhiều nông dân trong nước đang lo ngại lệnh cấm có thể tạo ra thị trường chợ đen một khi chính phủ không thương lượng được với nông dân”, ông Ayamga nói.

(CNN; DW)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Sau ATACMS, Ukraine phóng loạt tên lửa Storm Shadow vào Nga

Ukraine đã phóng một loạt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh vào lãnh thổ Nga hôm 20/11, chỉ một ngày sau khi sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.