Không đầy 1 tháng nữa là đến mùa trồng rừng mà 100 ha đất rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bình Định - Gia Lai, do Cty Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý, vẫn bị bỏ không vì tranh chấp.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Định, trong số hơn 19.000 ha rừng và đất rừng mà Cty Lâm nghiệp Sông Kôn (Vĩnh Thạnh, viết tắt là Cty Sông Kôn) được giao quản lý, trong đó có hơn 100 ha là vùng giáp ranh giữa huyện Vĩnh Thạnh và 2 xã Tú An, Cửu An (thị xã An Khê, Gia Lai). Trước đó, phần đất giáp ranh nói trên đã bị một số hộ dân của 2 xã Cửu An và Tú An lấn chiếm để canh tác hoa màu. Cách đây 8 năm, sau khi nhận nhiệm vụ, Cty Sông Kôn tiến hành trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất thì bị người dân 2 xã Tú An và Cửu An ngăn cản.
Sau đó, UBND hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã ngồi vào bàn thương thảo, xác định ranh giới hành chính giữa 2 tỉnh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Gia Lai đã thỏa thuận giao lại phần đất bị lấn lại cho Cty Sông Kôn. Tưởng mọi việc đã ngã ngũ, song vào cuối năm 2008, khi Cty Sông Kôn khai thác một số diện tích rừng sản xuất và tiến hành trồng lại rừng mới thì lại bị những hộ dân ở 2 xã Tú An và Cửu An cản phá, thậm chí nhổ cây giống.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn, bức xúc: “Đã đến lúc Cty không còn thể trì hoãn vì 100 ha đất rừng đã bị bỏ giá 1 năm qua, trong khi đó, UBND tỉnh đã giao cho chúng tôi trong năm nay phải hoàn thành trồng mới 696 ha, trong đó có 100 ha tại vùng giáp ranh và đến cuối tháng 7 này là chúng tôi sẽ tiến hành trồng”.
Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Cty Sông Kôn, cho biết: "Việc nhiều hộ dân của 2 xã Tú An và Cửu An xâm lấn phần đất do Cty Lâm nghiệp Sông Kôn quản lý đã xảy ra từ lâu, diện tích bị xâm lấn lên đến 840 ha. Sau khi thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Cty triển khai trồng rừng tại tiểu khu 210 và 217 với diện tích 270 ha giáp ranh với xã Tú An. Song song, Cty tiến hành giải quyết đền bù cho các hộ dân có đất bị thu hồi theo định giá của UBND tỉnh Bình Định. Từ năm 2002 - 2005, Cty tiếp tục thu hồi và bồi thường công khai hoang và hoa màu cho những hộ dân ở xã Cửu An".
Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Tú An, bày tỏ quan điểm: "Từ trước, chúng tôi đã chỉ đạo cho các hộ dân tranh chấp dừng ngay việc sản xuất trên những diện tích đất tranh chấp và hiện vẫn đang vận động bà con dừng tranh chấp và tuân thủ theo giải quyết của lãnh đạo cấp trên”.