Báo Quân Giải Phóng ra số đầu tiên vào ngày 1/11/1963, ngẫu nhiên trùng với ngày giới tướng lĩnh Sài Gòn được Mỹ hậu thuẫn, làm đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Báo Quân Giải Phóng dừng lại ở số 338, ra ngày 15/10/1975 và chuyển thành báo Quân Khu 7.
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, việc viết được một bài báo và chuyển tay bài báo ấy (phần lớn viết trên giấy học trò) về tòa soạn đã khó, việc in ấn ra tờ báo để phát hành đến từng đơn vị quân đội trên toàn Miền càng khó hơn. Vậy mà chỉ trong 12 năm, những người làm Báo Quân Giải Phóng đã cho ra đời được 338 số báo. Đó là một kỳ tích.
Báo Quân Giải Phóng có đủ tất cả các chuyên mục: xã luận, bình luận, thông cáo báo chí, tin tức thời sự, phóng sự, ghi chép, tường thuật, tổ tiên ta đánh giặc, gương người tốt việc tốt, tùy bút, thơ, tranh, biếm họa…
Theo tác giả Hồ Sơn Đài, cũng như những phương tiện truyền thông khác lúc bấy giờ như báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải Phóng, nội dung của Báo Quân Giải Phóng phản ánh, quy chiếu cuộc chiến tranh chống Mỹ trên chiến trường miền Nam từ hướng tiếp cận của những người lính cách mạng.
Tờ Báo Quân Giải Phóng tồn tại từ ngày 1/11/1963 đến ngày 15/10/1975, với 338 số báo được ấn hành. Báo Quân Giải Phóng là tiền thân của Báo Quân Khu 7 bây giờ. Dày hơn 400 trang, cuốn sách “Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)” chia thành 4 chương gắn liền với 4 giai đoạn lịch sử của chiến trường miền Nam lúc bấy giờ. Chương I giai đoạn 1963-1965, chương II giai đoạn 1966-1968, chương III giai đoạn 1969-1972, chương IV giai đoạn 1973-1975.
Tác giả Hồ Sơn Đài sinh ra và lớn lên ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tác giả Hồ Sơn Đài mang quân hàm đại tá, có học hàm phó giáo sư và học vị tiến sĩ. Ông có nhiều năm đảm nhiệm cương vị Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7 và hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam bộ.
Ngoài vai trò chủ biên hơn 60 công trình lịch sử, tác giả Hồ Sơn Đài cũng có những cuốn sách riêng như “Chiến khu ở miền Đông Nam bộ”, “Cuộc kháng chiến 1945-1975 nhìn từ Nam bộ”, “Một số vấn đề về chiến tranh nhân dân chống thực dân Pháp ở miền Đông Nam bộ”... Đặc biệt, những nghiên cứu của tác giả Hồ Sơn Đài không khô cứng số liệu mà được diễn đạt mềm mại và hấp dẫn. Bởi lẽ, tác giả Hồ Sơn Đài còn là một người viết văn chương, với nhiều câu thơ khắc khoải về một thời đạn bom: “Phía Suối Râm nửa khoảng trời đỏ rực/ Mảnh khăn xanh bối rối hai người/ Tôi biết em gìm khóc lúc em cười/ Xong trận đánh rừng cây nhòe bảng lảng/ Mảnh khăn tuột rơi vào sâu thẳm”.
Tác giả Hồ Sơn Đài đã dành hai năm để biên soạn cuốn sách “Báo Quân Giải Phóng miền Nam Việt Nam (1963-1975)”. Trong quan niệm “báo chí là bản nháp đầu tiên của lịch sử”, lần giở những trang báo cũ, cảm xúc độc giả được khơi dậy với những tin bài phản ánh chiến sự miền Nam Việt Nam như Chiến thắng Bình Giã, Chiến thắng đánh bại cuộc càn Gian - xơn Xi - ty, Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Chiến dịch Nguyễn Huệ, Chiến dịch Phước Long và Chiến dịch Hồ Chí Minh thu non sông về một mối.
Cuốn sách của tác giả Hồ Sơn Đài chứng minh Báo Quân Giải Phóng là một vũ khí tin cậy và sắc bén của Quân ủy, Bộ Tư lệnh, các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam Việt Nam trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng và văn hóa. Và cuốn sách cũng chứng minh sự đam mê nghiên cứu vẫn còn nguyên vẹn ở tác giả Hồ Sơn Đài tuổi 68, như chính câu thơ ông viết: “Chân trời vẫn trẻ như ngày ấy/ Anh vẫn căng buồm, vẫn mải mê”.