| Hotline: 0983.970.780

Bão số 6 có thể đạt cấp 9-10, giật cấp 12-13 khi đổ bộ đất liền

Thứ Sáu 08/11/2019 , 10:26 (GMT+7)

Kết hợp với nhiều hình thái thời tiết, bão số 6 có đường đi và cường độ phức tạp, dự báo có thể đạt cấp 9-10, giật cấp 12-13 khi đổ bộ đất liền.

Ảnh mây vệ tinh bão số 6 sáng 8/11.

Sáng 8/11, Tổng cục phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến với 7 tỉnh, thành phố trong khu vực có thể chịu ảnh hưởng để trao đổi các phương án ứng phó bão số 6.  Tham gia có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và các đơn vị liên quan.

Ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến 6h sáng 8/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 tàu với 243.063 người biết hướng di chuyển của bão để chủ động trú tránh.

Trong đó, có 112 tàu với 2.818 lao động đang hoạt động, neo đậu tại khu vực nguy hiểm và hơn 123.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản với gần 10.000 lao động có thể chịu ảnh hưởng của bão.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trên biển đang cùng lúc tồn tại 4 cơn bão nhiệt đới, khiến bão số 6 trở nên phức tạp, liên tục thay đổi. Do đang vào cuối mùa bão nên bão số 6 sẽ bị ảnh hưởng bởi không khí lạnh để tăng cường độ.

Rất hiếm khi Việt Nam phải đối mặt với bão di chuyển từ Tây sang Đông rồi mới quay lại về phía đất liền. Nhiều khả năng bão sẽ đạt cường độ cực đại khi ở khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (đạt cấp 12, giật cấp 14-15).

Vị trí lúc 8h sáng 8/11 của bão cách Song Tử Tây khoảng 310 km, di chuyển với tốc độ chậm và đạt cấp 11, gió giật cấp 14. Hoàn lưu bão số 6 rất lớn và đối xứng theo cả 2 hướng Bắc và Nam, trong đó, phạm vi gió mạnh có thể lên đến 300km quanh tâm bão.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa thể dự đoán cụ thể được cường độ và thời gian bão số 6 đổ bộ vào đất liền. Nhiều đơn vị dự báo cho rằng, bão số 6 có thể đổ bộ vào đất liền trong chiều tối 10/11 với cường độ khoảng cấp 8-9, giật cấp 12-13. Khu vực ảnh hưởng của bão số 6 dự đoán là Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.

Khi tiến vào đất liền, bão có thể gây sóng cao 7-8 m, khu vực gần bờ sóng có thể 4-5 m kết hợp với gió mạnh có thể gây ra nguy hiểm cho khu vực neo đậu tàu thuyền. Ngoài ra, bão kết hợp với triều cường có thể gây nước dâng đến 2 m.

Về lượng mưa, do có không khí lạnh tăng cường kết hợp với bão nên có thể tới 200-400 mm, tập trung vào 2 ngày 10-11/11. Điều này gây ra nguy cơ lũ cho các khu vực ở Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương sẵn sàng ứng phó bão số 6.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, bão số 6 sẽ gây gió to, sóng lớn với tầm ảnh hưởng rộng. Ông Cường lưu ý, trên toàn bộ tuyến biển, 7 địa phương phối hợp biên phòng, kiểm ngư tiếp tục thông báo, đưa hơn 100 tàu còn lại di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Bên cạnh đó, khu vực bão có khả năng đổ bộ là trọng điểm nuôi biển nên hệ thống lồng bè cần được lưu ý, tránh hậu quả về người và kinh tế. Về giao thông, cần quán triệt hạn chế khách du lịch và phương tiện thủy vãng lai trong thời gian xảy ra bão.

Ngoài ra, cần lưu ý sóng cao đe dọa các vùng trũng và mưa lớn có thể gây sạt lở, lũ cho miền núi.

Bộ trưởng Cường cũng đề nghị Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn cần theo dõi sát tình hình bão, cập nhật liên tục, kịp thời thông tin cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường điều hành cuộc họp.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tất cả các đơn vị phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn kết hợp với các bộ ngành phải chuẩn bị cho mọi tình huống.

Trước tiên là đảm bảo an toàn trên biển, đưa tàu ra khỏi các khu vực nguy hiểm, đi đến nơi tránh trú an toàn với sự vào cuộc của tất cả các địa phương. Các tỉnh, thành cần dựa vào tình hình thực tế để lựa chọn phương án cấm biển và sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên biển.

Thứ hai là đảm bảo an toàn cho người ở khu vực ven biển, có thể cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết. Bên cạnh đó là bảo vệ các công trình như nhà cửa, khu vực kinh doanh, gia cố các khu vực đê, kè xung yếu.

Theo Phó Thủ tướng, đặc biệt phải chú ý đến tình hình sau khi bão vào do đây là khu vực có độ dốc lớn nên kết hợp với mưa lớn rất có thể gây lũ quét, sạt lở, không để xảy ra tình trạng chủ quan.

Xem thêm
Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, thế mạnh đặc trưng để bứt phá

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đồng Tháp cần huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của ĐBSCL và cả nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Sơn La duy trì 12 đơn vị cấp huyện sau sắp xếp

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Sơn La giảm được 4 đơn vị cấp xã...