| Hotline: 0983.970.780

Giống vật nuôi bản địa chịu được kham khổ và dịch bệnh

Thứ Tư 03/05/2023 , 11:22 (GMT+7)

Khi dịch bệnh, giá thấp đeo bám ngành chăn nuôi, những giống vật nuôi bản địa được nhiều nông dân Hà Giang lựa chọn bởi khả năng chống chịu dịch bệnh tốt lại dễ nuôi.

Tỉnh Hà Giang hiện có hơn 92.000 con bò vàng bản địa, tập trung chủ yếu ở 4 huyện vùng cao nguyên đá. Ảnh: Đào Thanh.

Tỉnh Hà Giang hiện có hơn 92.000 con bò vàng bản địa, tập trung chủ yếu ở 4 huyện vùng cao nguyên đá. Ảnh: Đào Thanh.

Bò vàng là vật nuôi bản địa nổi tiếng của vùng cao nguyên đá Hà Giang. Giống vật nuôi này tập trung tại 4 huyện vùng cao gồm Đồng Văn, Quản Bạ, Mèo Vạc và Yên Minh và hiện đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý sản phẩm bò vàng Hà Giang.

Tính đến cuối năm 2022, tổng đàn bò vàng ở Hà Giang có hơn 92.000 con, trong đó huyện Mèo Vạc hơn 28.000 con, Đồng Văn hơn 23.600 con, Yên Minh hơn 20.300 con, Quản Bạ gần 19.800 con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 3.280 tấn.

HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc đã có hơn 4 năm sản xuất các sản phẩm từ thịt bò để phục vụ khách du lịch.

Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì nuôi 100 con bò giống bản địa và hỗ trợ các xã viên xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi, nhằm duy trì ổn định nguồn nguyên liệu để sản xuất hơn 15 tấn thịt bò tươi mỗi năm. Từ nguồn thịt này, HTX đã đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm như: Thịt bò khô, giò bò, xúc xích bò, bò sốt vang.

Ông Lục Văn Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đại Dương cho biết, nuôi giống bò vàng Hà Giang, công đoạn chăm sóc không đòi hỏi quy trình kỹ thuật quá gắt gao, đặc biệt chúng chỉ cần ăn cỏ và bổ sung muối vẫn tăng trọng tốt. Bò được đồng bào vùng cao nuôi trong điều kiện môi trường tự nhiên, nên càng tăng thêm sự thơm ngon, bổ dưỡng.

Liên kết với các hộ chăn nuôi kinh doanh bò vàng, đến nay sản phẩm thịt bò của HTX Đại Dương đã được UBND tỉnh hà Giang cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, được tiêu thụ ở các địa phương trong tỉnh và chuỗi siêu thị lớn tại Hà Nội, Hải Phòng. Nhờ đó, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 4 lao động là người địa phương.

Cùng với bò vàng, lợn đen Lũng Pù cũng là vật nuôi giống bản địa quý hiếm của Hà Giang. Giống lợn đen Lũng Pù cũng tập trung chủ yếu tại 4 huyện vùng cao nguyên đá với tổng đàn 160.500 con, sản lượng thịt hơi xuất bán gần 7.500 tấn.

Do là giống bản địa nên chúng có khả năng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của vùng cao nguyên đá, việc chăn nuôi không đòi hỏi chăm sóc quá cao, khả năng chống chịu dịch bệnh tốt. Chỉ bằng phương pháp nuôi kham khổ như nấu bột ngô cộng với lá rau rừng hoặc thân cây chuối băm nhỏ, một con lợn giống đến khi đạt trọng lượng 80kg cũng chỉ mất khoảng 11 tháng.

Quy trình chăn nuôi đơn giản, chi phí thấp là những ưu điểm nổi bật để lợn đen Lũng Pù trở thành lựa chọn hiệu quả cho bà con nông dân trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phải đối diện với giá thức ăn tăng cao và giá lợn siêu nạc thương phẩm bấp bênh kéo dài.

Ưu điểm nổi bật của các giống vật nuôi bản địa là dù điều kiện nuôi kham khổ nhưng vẫn tăng trọng và chống chịu dịch bệnh tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Ưu điểm nổi bật của các giống vật nuôi bản địa là dù điều kiện nuôi kham khổ nhưng vẫn tăng trọng và chống chịu dịch bệnh tốt. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Thèn Văn Dũng, Giám đốc HTX Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc một trong những đơn vị nuôi lợn đen Lũng Pù lớn nhất ở Hà Giang cho biết, giống lợn đen Lũng Pù thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương nên ít dịch bệnh và dễ chăm nuôi.

Tuy nhiên, để vật nuôi bản địa phát triển tốt người dân phải thường xuyên nắm bắt thông tin về kỹ thuật chăn nuôi, thời tiết, theo dõi dịch bệnh cho đàn lợn để tránh những tổn thất không đáng có. HTX hiện đang duy trì nuôi hơn 100 lợn nái sinh sản, 300 lợn thịt thương phẩm, hàng năm xuất bán ra thị trường khoảng 1.500 lợn giống chất lượng.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, hiện việc phát triển đàn bò vàng, lợn đen Lũng Pù, gà đen, mật ong bạc hà… được tỉnh Hà Giang khuyến khích gắn với việc thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nuôi.

Ưu điểm nổi bật của các giống vật nuôi giống bản địa là hầu hết quy trình chăm sóc đều từ nguồn thức ăn tự nhiên, ít sử dụng thức ăn công nghiệp nên cho thịt thơm ngon, bán giá cao.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất của các giống vật nuôi bản địa, Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang và chính quyền các địa phương thường xuyên tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức trong việc phòng, chống bệnh trong chăn nuôi, hạn chế việc phối giống cận huyện dẫn đến suy thoái những giống vật nuôi bản địa quý hiếm này.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.