| Hotline: 0983.970.780

Ưu tiên xứng đáng giống bản địa trong chiến lược phát triển chăn nuôi

Thứ Hai 01/04/2024 , 06:30 (GMT+7)

Ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, việc tập trung vào các đối tượng nuôi lợi thế sẽ là hướng đi phù hợp để phát triển chăn nuôi bền vững.

Gà Tiên Yên là sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà Tiên Yên là sản phẩm chăn nuôi chủ lực của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh có sự phát triển chậm lại so với những giai đoạn trước và so với kịch bản tăng trưởng của ngành.

Hiện chăn nuôi không phải là ngành sản xuất lợi thế của tỉnh Quảng Ninh và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, những khó khăn hiện hữu của ngành chăn nuôi đó là khó tìm được mặt bằng, diện tích, vị trí nuôi phù hợp với những tiêu chuẩn thú y hiện nay.

Bên cạnh đó, trình độ của người dân không cao, chăn nuôi nông hộ vẫn là chủ yếu; chi phí đầu vào cao hơn so với các tỉnh thành khác do không có cơ sở sản xuất tại chỗ, đều phải nhập từ nơi khác về.

Với tiêu chí quỹ đất dành cho các dự án chăn nuôi, địa hình ở Quảng Ninh phần lớn vùng thấp là vùng dân cư đông đúc, còn lại là bờ biển và đồi núi dốc.

Vì lẽ đó, không chỉ khó san gạt, đào đắp xây dựng chuồng trại, mà ngay từ khâu thủ tục hành chính cấp đất cũng vướng bởi các quy định về sử dụng, chuyển đổi đất rừng, mặt nước.

Đáng chú ý, chi phí vật tư đầu vào của chăn nuôi Quảng Ninh cao, khiến cho ngành mất lợi thế cạnh tranh. Đôi khi sản phẩm chăn nuôi làm ra tại Quảng Ninh có giá bán cao hơn sản phẩm các thương lái vận chuyển từ các tỉnh, thành khác về tiêu thụ tại Quảng Ninh.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho biết, khó khăn như vậy nhưng không phải không có hướng mở cho chăn nuôi Quảng Ninh.

Cần hướng tới đối tượng nuôi đặc sản, có tính đặc hữu địa phương mà nơi khác không có hoặc có cũng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cùng với đó, áp dụng quy trình chăn nuôi hữu cơ, giảm tối đa thức ăn công nghiệp, chăn thả, ăn thức ăn xanh, rau cám, ngô hạt và nuôi đủ thời gian sinh trưởng phát triển của vật nuôi. Mô hình chăn nuôi hướng đến gắn với du lịch, sinh thái, gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ vệ môi trường.

Hiện nay, về các sản phẩm chăn nuôi thông thường, Quảng Ninh khó có thể cạnh tranh với nhiều tỉnh, thành đồng bằng lân cận. Tuy nhiên, sản phẩm chăn nuôi đặc sản là lợi thế của Quảng Ninh. Bởi tỉnh có lượng khách du lịch lớn, nhiều người sẵn sàng chi trả cao để được thưởng thức những món ẩm thực tươi ngon, mới lạ.

Những vật nuôi đặc sản thuận lợi phát triển có thể kể đến như lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, gà bản Đầm Hà, ngan sao… vốn là đối tượng nuôi mang tính địa phương, bản địa cao.

Ngoài ra, có thể kể đến những vật nuôi là động vật hoang dã đã được cho phép chăn nuôi thương phẩm, như lợn rừng, lợn hương, hươu, nai, dúi, nhím…

Lợn Móng Cái được chăn thả theo hướng bán tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Thành.

Lợn Móng Cái được chăn thả theo hướng bán tự nhiên. Ảnh: Nguyễn Thành.

Bà Thủy chia sẻ thêm, cùng với mở rộng đối tượng nuôi cần thắt chặt quy trình nuôi, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm nuôi ra đến thị trường, đến tay người tiêu dùng phải có sự khác biệt, vượt trội, ưu thế hơn hẳn sản phẩm cùng loại.

Thực tế giống lợn Móng Cái, gà Tiên Yên đã khẳng định ưu thế về giống, tuy nhiên chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường thời gian qua không đồng đều, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm.

Điều này là do sự khác biệt giữa quy trình nuôi theo phương thức truyền thống với cơ chế thức ăn tự nhiên, thô, giàu xơ, ngô, khoai, sắn, nuôi chăn thả... so với phương thức nuôi khép kín, phụ thuộc nguồn thức ăn công nghiệp, nuôi trong thời gian ngắn.

Theo đánh giá của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, tỉnh đang có lợi thế nhân đàn gia cầm, thủy cầm, khi có thể nhân rộng các mô hình nuôi ngan, gà bản địa dưới tán rừng, nuôi vịt ở những vùng ven biển, bãi sú vẹt, đầm lầy.

Đặc biệt với diện tích rừng sản xuất lớn, Quảng Ninh có thể kết hợp phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi động vật hoang dã được cấp phép, vừa nâng cao giá trị kinh tế rừng, vừa phát triển chăn nuôi đúng hướng.

Có thể nói, chăn nuôi Quảng Ninh vẫn có những lợi thế nhất định. Điều kiện để phát huy những lợi thế trên chính là việc nâng cao trình độ canh tác chăn nuôi của người dân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi.

Tỉnh Quảng Ninh cần tạo điều kiện phát triển những cơ sở sản xuất, cung ứng giống vật nuôi đặc sản, có tính địa phương; tạo được hành lang thúc đẩy kinh tế rừng tổng hợp, trong đó hình thành những mô hình chăn nuôi dưới tán rừng…

Năm 2023 tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh không đạt theo kế hoạch của kịch bản tăng trưởng kinh tế, đạt 98% so với kế hoạch tỉnh giao. Trong đó, đàn trâu gần 25.500 con; đàn bò đạt trên 29.000 con; đàn lợn gần 296.300 con; đàn gia cầm đạt trên 5,4 triệu con. Do tổng đàn đạt thấp nên tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 101.000 tấn.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Hiệu quả kép mô hình tuần hoàn nước nuôi cá - trồng rau

Tiền Giang Mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp tiết kiệm nước, không xả thải nước sau sản xuất ra môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.