| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ rừng giữa quần đảo du lịch Cát Bà

Thứ Tư 09/08/2023 , 06:05 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Nằm giữa trung tâm du lịch, hàng năm Vườn quốc gia Cát Bà thu hút hàng triệu du khách trong nước và quốc tế nên việc bảo vệ rừng ở đây cũng đầy gian nan.

Tự học ngoại ngữ để bảo vệ rừng

Vườn quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) được thành lập ngày 31/3/1986, là 1 trong 33 vườn quốc gia trong cả nước và là vườn quốc gia đầu tiên có cả rừng, biển với diện tích hơn 6.450ha mặt biển, hơn 10.900ha đất liền với 4.048 loài động, thực vật rừng và biển.

Địa hình Vườn quốc gia Cát Bà rất hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại. Ảnh: Đinh Mười.

Địa hình Vườn quốc gia Cát Bà rất hiểm trở, khó khăn trong việc đi lại. Ảnh: Đinh Mười.

Do địa bàn khu vực khá phức tạp, bao bọc chung quanh chủ yếu là diện tích mặt nước biển, địa hình núi đá vôi hiểm trở, gây rất nhiều khó khăn cho công tác tuần tra của kiểm lâm đối với các đối tượng vi phạm.

Theo thống kê của ngành du lịch, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2 triệu lượt khách du lịch đến với Cát Bà và đem lại tổng doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2022, Cát Bà đón hơn 2,3 triệu lượt khách du lịch và lượng người đổ về Vườn quốc gia Cát Bà cũng là con số rất lớn.

Từ khi quần đảo Cát Bà được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới, số lượng khách du lịch đến đây ngày càng nhiều. Gần đây, trung bình mỗi năm có đến trên dưới 2 triệu lượt du khách ghé thăm Cát Bà, kéo theo đó là các dịch vụ du lịch tăng lên, gây khó khăn cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngoài công tác bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà còn thực hiện chức năng bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà với diện tích hơn 26 nghìn ha, tuy nhiên lực lượng kiểm lâm tại đây tương đối mỏng, chỉ 60 người, có 12 trạm kiểm lâm, trong đó có 4 trạm nổi trên biển.

Ông Nguyễn Quang Khải, Trạm trưởng Kiểm lâm Khoan Cao chia sẻ, công việc hàng ngày của lực lượng kiểm lâm cũng rất nhiều, trong đó việc tuần tra bảo vệ rừng là chính.

Thông thường, các trạm kiểm lâm sẽ lên lịch đi tuần rừng từ đầu tháng, sau đó anh em sẽ bố trí thay phiên nhau đi tuần theo lịch đã định sẵn. Việc đi tuần gặp nhiều vất vả, nhiều khi những tuyến dài, cán bộ kiểm lâm phải qua đêm ở trong rừng.

Có những chuyến đi tuần dài ngày, lực lượng kiểm lâm phải ngủ tại rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Có những chuyến đi tuần dài ngày, lực lượng kiểm lâm phải ngủ tại rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Vườn quốc gia Cát Bà có đặc thù là rừng trên núi đá vôi, việc tuần tra bảo vệ rừng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vất vả, những lúc trời mưa đường trơn trượt, rất nguy hiểm, anh em đi tuần rất phải cẩn thận mới không bị chấn thương.

Ngoài việc tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng cho người dân, cán bộ kiểm lâm ở đây còn phải tuyên truyền cho du khách đến Vườn quốc gia Cát Bà để du khách nắm được thông tin, nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường, không tác động đến hệ sinh thái rừng.

“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn về cuộc sống, về sinh hoạt hàng ngày và về công tác tuần tra, bảo vệ rừng nhưng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ngoài việc tuần tra, chúng tôi cũng phải nắm bắt tình hình, tuyên truyền cho người dân, du khách bảo vệ môi trường, để các hoạt động sản xuất, du lịch không tác động đến hiện trạng tài nguyên rừng, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân”, ông Khải bộc bạch.

Khó khăn là vậy nhưng với nhiệm vụ bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nghiên cứu khoa học và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, trong những năm qua, công tác bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Cát Bà luôn được duy trì thường xuyên, số vụ vi phạm ngày càng giảm.

Giao tiếp, giới thiệu, hướng dẫn khách nước ngoài tuân thủ quy định về bảo vệ rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Giao tiếp, giới thiệu, hướng dẫn khách nước ngoài tuân thủ quy định về bảo vệ rừng. Ảnh: Đinh Mười.

Để đáp ứng công việc, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ về chuyên ngành, những cán bộ kiểm lâm ở Cát Bà phải tự mày mò học thêm ngoại ngữ để có thể giao tiếp, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài bảo vệ môi trường sinh thái khi tham quan du lịch tại vườn.

Ông Đỗ Văn Đông, cán bộ kiểm lâm Eo Bùa bộc bạch, Vườn quốc gia Cát Bà là một điểm thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Lực lượng kiểm lâm vườn ngoài công tác tuần tra phải tự học thêm ngoại ngữ để làm công tác tuyên truyền pháp luật và giới thiệu cho du khách nước ngoài.

“Chúng tôi phải tự tìm tòi, học hỏi thêm ngoại ngữ để tuyên truyền pháp luật cho du khách nước ngoài, đồng thời hướng dẫn đường đi lối lại, nói để họ biết được khi đến các điểm tham quan phải giữ gìn bảo vệ môi trường và không tác động đến cảnh quan thiên nhiên khi đến Vườn quốc gia Cát Bà tham quan, du lịch”, ông Đông chia sẻ.

Giữ gìn giá trị thiên nhiên ban tặng

Dù lực lượng mỏng, nhiều khó khăn đặc thù nhưng thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm, các vụ cháy rừng đã giảm dần theo các năm. Nhiều năm gần đây ở Cát Bà không xảy ra các vụ cháy lớn, các vụ cháy chủ yếu là cỏ tranh, không có thiệt hại về rừng.

Lực lượng kiểm lâm ở Cát Bà tuần tra trên biển. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng kiểm lâm ở Cát Bà tuần tra trên biển. Ảnh: Đinh Mười.

Lực lượng chức năng đã kiểm soát tốt các khu vực vịnh, biển và đất ngập nước, các hộ canh tác đầm hồ, nương rẫy trên địa bàn cũng như tham gia tuyên truyền cắt giảm lồng bè nuôi trồng thủy sản làm sạch môi trường.

Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng được tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ và sử dụng các công cụ hỗ trợ, thiết bị công nghệ vào quá trình công tác như GPS, bản đồ số, phần mềm Smart… Tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và duy trì tuần tra, kiểm soát khoảng 1.300 lượt mỗi năm, thu phá hàng nghìn bẫy động vật rừng các loại, bắt giữ, phối hợp xử lý và xử lý kịp thời nhiều vụ vi phạm pháp luật.

Lực lượng kiểm lâm đã làm tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng, biển cũng như xây dựng các tổ bảo vệ rừng, ban hành các quy chế phối hợp kiểm tra, kiểm soát bảo vệ rừng, biển, PCCC, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Tăng cường hợp tác, kêu gọi sự vào cuộc của các ban ngành, sự hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế cho công tác bảo tồn và phát triển tài nguyên đa dạng sinh học Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà. Đồng thời xây dựng nhiều nội dung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan môi trường cho huyện đảo.

Gắn bó, tuyên truyền pháp luật cho người dân mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Đinh Mười.

Gắn bó, tuyên truyền pháp luật cho người dân mọi lúc mọi nơi. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà cho biết, lực lượng kiểm lâm Vườn có 58 người, dù có nhiều khó khăn nhưng luôn phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc giữ rừng, giữ biển, góp phần không nhỏ cho việc bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học cho quần đảo Cát Bà, phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi tác động đến tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học.

Hiện tại, tình hình quản lý, bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã, các loài nguy cấp, đặc hữu tại Vườn quốc gia Cát Bà đã dần được phục hồi, ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của người dân được nâng lên. Riêng quần thể voọc Cát Bà có chiều hướng phát triển tốt, với sự giúp đỡ của Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, đến nay quần thể voọc đã tăng về số lượng với khoảng 78 cá thể.

Trước đây, có nhiều người dân sống dựa vào rừng, từ khai thác gỗ, củi, săn bẫy, làm nương rẫy, đến nay hầu hết người dân lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định nhờ tham gia các dịch vụ du lịch, vận tải, xây dựng, nuôi trồng thủy sản… nên họ không vào rừng khai thác trái phép nữa.

Đàn voọc quý hiếm đã phát triển, số lượng tăng. Ảnh: Huy Cầm.

Đàn voọc quý hiếm đã phát triển, số lượng tăng. Ảnh: Huy Cầm.

Đó là thành quả chung nhờ vào các chương trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương, nhưng trong thành quả này có một phần đóng góp của lực lượng kiểm lâm trong việc vận động người dân định canh, định cư, hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất, chuyển đổi việc làm, phục hồi các ngành nghề truyền thống, phát triển dịch vụ du lịch… để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

“Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn bảo nhau rằng, hãy cố gắng giữ gìn cho quần đảo Cát Bà là nơi đa dạng sinh học, nơi bảo tồn những nguồn gen quý hiếm và là nơi có vịnh Lan Hạ đẹp nhất thế giới, cùng nhau gìn giữ giá trị mà thiên nhiên ban tặng cho con người, đặc biệt là cho người dân Cát Bà”, ông Thịu cho hay.

Tính từ năm 1996 đến năm 2013, lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà đã xử lý được 704 vụ vi phạm, tịch thu 16 khẩu súng săn các loại; từ năm 2013 - 2023 chỉ còn 68 vụ vi phạm, thu giữ, tiếp nhận và tái thả về tự nhiên nhiều cá thể động vật hoang dã, chim di cư.

Rừng ở Cát Bà đã phát huy vai trò lớn lao về bảo tồn các nguồn gen động, thực vật quý hiếm, phòng hộ, bảo vệ môi trường và cung cấp các giá trị khoa học, kinh tế to lớn cho địa phương, đó chính là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi để quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng địa phương trong suốt những năm qua với sự đóng góp của nhiều thế hệ cán bộ, viên chức Vườn quốc gia Cát Bà.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.