| Hotline: 0983.970.780

Bất cập ở Bình Định: Đánh bắt thủy sản 270.000 tấn, giám sát chỉ 37.000 tấn

Thứ Sáu 21/04/2023 , 08:47 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Bình Định nhận trách nhiệm về những tàu cá đánh bắt vi phạm IUU, hạ quyết tâm sẽ không để chuyện này tái diễn.

EC sẽ kiểm tra IUU từ 29/5-16/6

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT về những nội dung chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) để chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sắp tới đây, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho rằng dù đã rất nỗ lực, nhưng để đáp ứng các khuyến nghị của EC, Bình Định còn nhiều việc phải làm trước khi Đoàn Thanh tra EC qua làm việc lần thứ 4.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với Bình Định về công tác chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của EC. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc với Bình Định về công tác chuẩn bị đón Đoàn Thanh tra của EC. Ảnh: Lê Khánh.

Tại buổi làm việc, các thành viên của đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã chỉ ra những việc Bình Định cần chấn chỉnh để đáp ứng khuyến nghị của EC. Ông Vũ Duyên Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác (Tổng cục Thủy sản), đặt câu hỏi: "Sản lượng thủy sản đánh bắt của Bình Định rất lớn, thế nhưng sản lượng qua giám sát rất thấp. Ví như trong quý I/2023, sản lượng đánh bắt của Bình Định đạt khoảng 270.000 tấn, nhưng sản lượng qua giám sát chỉ 37.000 tấn, trong khi EC yêu cầu sản lượng khai thác phải được giám sát 100%. Ngành chức năng Bình Định cần rà soát xem sản lượng đánh bắt cập các cảng cá ở Bình Định số lượng bao nhiêu, cập vào các cảng cá ngoài tỉnh bao nhiêu”.

Đại diện Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ NN-PTNT) đã chỉ ra Bình Định còn nhiều việc phải khắc phục trong công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, nhất là về chuỗi. Hàng thủy sản muốn xuất sang châu Âu buộc tàu cá phải cập vào các cảng cá được chỉ định đủ điều kiện truy xuất nguồn gốc.

Tiếp đến là phải thực hiện các chuỗi, đầu tiên là trên tàu cá phải được gắn thiết bị giám sát hành trình, khi tàu cập vào cảng thì sản lượng phải được giám sát 100%. Sau đó là chuỗi chứng nhận, Chi cục Thủy sản sẽ cấp chứng nhận cho sản lượng ấy, khi hàng được xuất sang thị trường châu Âu doanh nghiệp phải kèm theo chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngay sau Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị về chống khai thác IUU của Việt Nam lần thứ 4 sắp tới đây thì Đoàn Thanh tra an toàn thực phẩm của châu Âu sẽ lại sang kiểm tra tại Việt Nam từ ngày 29/5-16/6.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị giải pháp xử lý tàu cá không về địa phương, hoạt động tại các tỉnh ngoài vi phạm IUU. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị giải pháp xử lý tàu cá không về địa phương, hoạt động tại các tỉnh ngoài vi phạm IUU. Ảnh: Lê Khánh.

Chủ tịch Bình Định: "Phải rạch ròi trách nhiệm"

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết địa phương xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị của tỉnh vì thể diện quốc gia, Bình Định sẽ cố gắng hơn nữa trong công tác chống khai thác IUU để đáp ứng các khuyến nghị của EC, nhất là chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt bất hợp pháp.

Theo thống kê của ngành chức năng Bình Định, hiện tỉnh này có 375 tàu cá đã lâu không về địa phương, hoạt động chủ yếu tại các cảng cá trong miền Nam, đây là những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm IUU.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, từ năm 2022 đến nay, tỉnh này đã tổ chức 5 đoàn công tác vào tận miền Nam làm việc với ngành chức năng các tỉnh, phối hợp xử lý những tàu cá của ngư dân Bình Định hoạt động tại đây nằm trong nhóm nguy cơ cao vi phạm IUU.

Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Bình Định đã tổ chức 3 đoàn công tác về các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tiền Giang, Cà Mau mỗi chuyến công tác kép dài đến 10 ngày, để tuyên truyền ngư dân Bình Định hoạt động tại các tỉnh trên về những quy định của EC, vận động các chủ tàu không đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.

Ngư dân Bình Định khai báo tàu cá xuất nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Ngư dân Bình Định khai báo tàu cá xuất nhập bến tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định xác định trách nhiệm trước Chính phủ về tình trạng tàu cá của ngư dân trong tỉnh còn đánh bắt bất hợp pháp. Do đó Bình Định đã đề ra rất nhiều giải pháp đột phá và quyết liệt. Về quản lý đội tàu thì sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Định làm rất kiên quyết, danh sách phân loại các loại tàu cá Bình Định cũng đã có, nhất là những tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU.

“Hiện đã có 72 tàu của ngư dân Bình Định đã bán cho ngư dân các tỉnh phía Nam, người sử dụng tàu cũng đã chuyển hộ khẩu. Vừa rồi 3 đoàn công tác của Bình Định vào làm việc với các sở, ngành liên quan các tỉnh phía Nam đề nghị tạo điều kiện sang tên đổi chủ cho các tàu cá đã bán và thay đổi biển số. Thế nhưng các địa phương trong ấy sợ trách nhiệm nên không mặn mà với đề nghị của Bình Định”, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho hay.

"Trong 3 tàu cá của ngư dân Bình Định đánh bắt vi phạm IUU từ đầu năm đến nay thì có 2 tàu xuất bến từ Bà Rịa - Vũng Tàu, 1 tàu mới đóng bị bắt tại vùng biển tranh chấp. Tàu vi phạm xuất bến tại các tỉnh khác là vấn đề cần phải rạch ròi về trách nhiệm. Nếu tàu cá tỉnh ngoài về Bình Định hoạt động, chúng tôi sẽ có trách nhiệm quản lý. Chúng tôi đề nghị Bộ NN-PTNT kiên quyết quy trách nhiệm tàu cá xuất bến ở nơi nào nơi ấy phải chịu trách nhiệm quản lý, còn nếu không thì phải trục xuất không cho những tàu tỉnh ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh mình”, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, phát biểu tại buổi làm việc với Bộ NN-PTNT. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, đánh giá cao những nỗ lực của Bình Định trong công tác chống khai thác IUU. Thứ trưởng nhấn mạnh việc ngăn chặn triệt để tình trạng tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài không thể không làm, đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU.

Hệ thống văn bản về công tác chống khai thác IUU của Việt Nam được EC đánh giá tốt rồi, lỗ hổng cần phải lấp khẩn cấp là về công tác quản lý và giám sát đội tàu của các địa phương, trong đó có Bình Định, đây là yếu tố không kém phần quan trọng. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản Bình Định cũng phải rà soát lại và khẩn trương khắc phục những khiếm khuyết.

“Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản tổ chức đoàn công tác về Bình Định giúp ngành chức năng rà soát lại toàn bộ những phần việc để kịp thời khắc phục những khiếm khuyết nhằm đáp ứng các khuyến nghị của EC, hướng dẫn ngành chức năng Bình Định hoàn thiện những phần việc cần chấn chỉnh trước khi Đoàn Thanh tra EC về làm việc”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết.

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.