| Hotline: 0983.970.780

Bị Thủ tướng phê bình, Bình Định rốt ráo chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Năm 20/04/2023 , 16:12 (GMT+7)

Không còn thời gian khắc phục tồn tại trong chống khai thác vi phạm IUU, đặc biệt là nạn tàu cá đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, Bình Định cần nỗ lực hơn.

Vi phạm nhiều mà xử lý còn hạn chế

Sáng 20/4, đoàn công tác do ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dẫn đầu, về kiểm tra công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định).

Theo ông Hùng, dự kiến từ ngày 24-31/5, Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị của châu Âu lần thứ 4 với các nội dung về thực thi pháp luật tại các cảng cá và Chi cục thủy sản các tỉnh.

Để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra EC, sáng 21/4 Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức Hội nghị “Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4” tại Bình Định. Trước khi hội nghị diễn ra, Bộ NN-PTNT tổ chức kiểm tra các cảng cá tại Phú Yên và Bình Định.

Tại Cảng cá Quy Nhơn, đoàn công tác đã kiểm tra việc ghi chép, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát nhật ký khai thác và các điều kiện đảm bảo tàu cá khi xuất nhập bến.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kiểm tra Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, kiểm tra Cảng cá Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: Lê Khánh.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Hùng, Bình Định là 1 trong những tỉnh triển khai khá tốt công tác chống khai thác vi phạm IUU. Đặc biệt, Cảng cá Quy Nhơn đã thực tốt công tác ghi chép nhật ký; kiểm tra, kiểm soát tàu cá xuất nhập bến và sản lượng, truy xuất nguồn gốc thủy sản đánh bắt. Nhưng đáng tiếc là trong những tháng đầu năm 2023, Bình Định vẫn còn 3 tàu cá đánh bắt vi phạm IUU bị nước ngoài bắt giữ.

“Về vấn đề này Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 265 phê bình các tỉnh còn để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm IUU, trong đó có Bình Định. Đồng thời yêu cầu các tỉnh kiểm điểm, đánh giá tình hình và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5/2023”, ông Hùng cho hay.

Cũng theo ông Hùng, qua đợt kiểm tra lần thứ 3, Đoàn thanh tra EC đánh giá Việt Nam đã rất nỗ lực, quyết liệt trong công tác chống khai thác vi phạm IUU, nhưng EC vẫn tiếp tục đưa ra khuyến nghị những tồn tại mà Việt Nam cần khắc phục.

Trước tiên là Việt Nam phải quản lý tốt đội tàu đánh bắt xa bờ; hoàn thành 100% tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; việc cấp giấy phép khai thác và đăng ký, đăng kiểm.

Hai là công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản. Theo ông Hùng, hiện nay hầu hết các cảng cá đã làm tốt công tác này, tuy nhiên còn 1 số cảng cá vẫn còn những hồ sơ chưa đảm bảo tính minh bạch khi truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Thứ đến là việc thực thi pháp luật của Việt Nam, theo phía EC nhận thấy là còn rất nhiều tàu cá vi phạm về sổ danh bạ thuyền viên, giấy phép khai thác hết hạn, mất kết nối khi đang hoạt động trên biển.

Đoàn công tác kiểm tra công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Đoàn công tác kiểm tra công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

"Phía EC đặc biệt quan tâm đến việc vì sao tàu cá vi pham còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế so với số vụ vi phạm. EC khuyến nghị Việt Nam cần xử lý nghiêm những vụ vi phạm để răn đe, ngăn chặn, đặc biệt là phải chấm dứt tình trạng tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” IUU”, ông Nguyễn Quang Hùng khẳng định.

Khắc phục những hạn chế

Cũng theo ông Hùng, để khắc phục những hạn chế, Bộ NN-PTNT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai 4 nhóm giải pháp. Trước tiên là rà soát, sửa đổi khung pháp lý phù hợp với thực trạng nghề cá của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang rà soát, sửa đổi Nghị định 26 và Nghị định 42 về xử phạt hành chính.

Về công tác quản lý đội tàu, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu các tỉnh hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác và nhập dữ liệu vào hệ thống quốc gia để theo dõi. Tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp cũng như các cảng cá về công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát từ lúc tàu cá hoạt động trên biển, tàu về cập cảng, xác nhận của các cảng cá và chứng nhận của các Chi cục Thủy sản đến khi sản phẩm vào nhà máy và xuất khẩu sang thị trường châu Âu để đảm bảo chuỗi.

Đặc biệt là tăng cường, mở các đợt cao điểm, tổ chức các đoàn công tác liên ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm để đảm bảo tính răn đe, để ngư dân chấp hành đánh bắt thủy sản hợp pháp, hướng tới nghề cá có trách nhiệm.

Tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ về Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Tàu cá của ngư dân Bình Định cập bờ về Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Cảng cá Bình Định phụ trách Cảng cá Quy Nhơn, sự phối hợp giữa các tỉnh có biển trong công tác chống khai thác vi phạm IUU đã mang lại hiệu quả, đó là ngành chức năng ở Bình Định nắm bắt được những tàu cá của ngư dân các tỉnh đang hoạt động tại Bình Định nằm trong diện nguy cơ cao vi phạm IUU do các tỉnh bạn cung cấp. Theo đó, Cảng cá Quy Nhơn dựa trên dữ liệu ngành chức năng các tỉnh bạn cung cấp sẽ đối chiếu và không làm thủ tục xuất bến, đồng thời thông báo cho Tổ IUU để có biện pháp xử lý.

"Trước khi đoàn EC qua Việt Nam kiểm tra lần thứ 4, Cảng cá Quy Nhơn tiếp tục tuyên truyền cho ngư dân thấu đáo tính chất của “thẻ vàng” IUU cũng như những yêu cầu của châu Âu để ngư dân tránh vi phạm. Bên cạnh đó, Cảng cá Quy Nhơn siết chặt quản lý hoạt động của những tàu cá không đủ thủ tục, những tàu nguy cơ cao vi phạm IUU. Khi những tàu này cập bến tại Cảng cá Quy Nhơn thì đơn vị sẽ chuyển hồ sơ cho Chi cục Thủy sản Bình Định và lực lượng biên phòng tỉnh xử lý", ông Nguyễn Anh Dũng cho hay.

Ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Ngư dân Bình Định khai báo tại Cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, để khắc phục việc ách tắc trong xử lý những tàu cá vi phạm, Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp, nhất là những trường hợp đã vi phạm trước đây nhưng đến nay chưa xử lý.

Đặc biệt là tại Công điện 265 Thủ tướng đã nhấn mạnh cần tăng cường lực lượng, phương tiện để thực hiện công tác kiểm soát hoạt động của tàu cá.

“Đối với công tác truy xuất nguồn gốc, hiện nay toàn bộ những hướng dẫn đã có trong Thông tư số 21 và Thông tư số 01 sửa đổi của Bộ NN-PTNT. Trong đó hướng dẫn đầy đủ trình tự các bước thực hiện và các mẫu, biểu; đề nghị các địa phương cần phải thực hiện đúng nội dung Thông tư 21 và Thông tư 01 để triển khai đồng bộ, minh bạch và lôgic trong công tác truy xuất nguồn gốc”, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.