Cần tăng cường nguồn lực
Sáng 19/4, Đoàn công tác do ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản dẫn đầu đã làm việc cảng cá Đông Tác, TP Tuy Hòa (Phú Yên) về tình hình triển khai các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Ông Nguyễn Quang Hùng nhận thấy, tỉnh Phú Yên đã triển khai tương đối đầy đủ các nội dung, quy định của pháp luật về chống khai thác IUU, nhất là công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, sản lượng lên bến, nhật ký khai thác và việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS)…
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay toàn tỉnh có 641/653 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt 98,16%. 100% số liệu tàu cá đã được đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản vào hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia Vnfishbase...
Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài.
Tuy nhiên bên cạnh những mặt đạt được, theo ông Nguyễn Quang Hùng, tỉnh Phú Yên vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục tích cực hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, hiện nay toàn tỉnh có hơn 650 tàu khai thác thủy sản xa bờ được chỉ định vào 4 cảng cá nhưng số lượng tàu cập bến chưa nhiều. Bên cạnh đó, sản lượng kiểm soát qua 4 cảng cũng mới chiếm tỷ lệ 30-40% so với tổng sản lượng khai thác thủy sản tại tỉnh. Do đó, sản lượng thủy sản còn lại có thể các tàu đi vào tỉnh khác hoặc vào các cảng bến, cửa sông. Do đó, địa phương cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ về vấn đề này.
Đối với Biên phòng tỉnh cần kiểm soát 100% tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến để đảm bảo làm sao quản lý được hoạt động các tàu ra trên địa bàn. Đặc biệt thời gian qua, Phú Yên kiểm soát chặt nên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, trong thời tới tỉnh cần tiếp tục kiểm soát tốt việc này để làm sao 100% tàu cá không vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ngoài ra, qua kiểm tra của đoàn Tổng cục Thủy sản, số lượng tàu cá khai thác vùng khơi mất kết nối VMS trên biển còn khá nhiều. Do đó địa phương cần làm rõ, xử phạt nghiêm minh đối với các tàu vi phạm.
"Xét về tổng thể, tỉnh Phú Yên đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về chống khai thác IUU, tuy nhiên để đạt tỷ lệ, các chỉ tiêu theo Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục tăng cường hơn nữa về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như có giải pháp hiệu quả hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ này”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đoàn EC khả năng vào Phú Yên
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hùng, dự kiến từ ngày 24 -31/5, Đoàn thanh tra EC sẽ sang Việt Nam kiểm tra thực hiện các khuyến nghị lần thứ 4 và rất nhiều khả năng đoàn sẽ vào tỉnh Phú Yên.
Bởi tỉnh này có sản lượng cá ngừ, cũng như xuất khẩu cá ngừ đại dương, cá cờ kiếm sang châu Âu rất nhiều. Do đó, để chuẩn bị đón Đoàn EC, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở NN - PTNT và các đơn vị liên quan triển khai các Công điện, Chỉ thị, đặc biệt Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4".
Các cảng cá cần rà soát toàn bộ hồ sơ, sổ sách ghi chép và các việc thực thi pháp luật tại cảng cá. Trong đó, hồ sơ phải đảm bảo tính logic, dễ truy xuất để khi Đoàn EC hỏi đến đâu thì chúng ta cung cấp một cách nhanh nhất nhằm đảm bảo tính làm việc chuyên nghiệp. Cùng với đó, rà soát toàn bộ công tác kiểm soát sản lượng lên bến, tàu ra vào cảng, nhật ký khai thác, hoạt động văn phòng thanh tra, kiểm tra kiểm soát tại cảng…
Ngoài ra, tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra EC, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu của Bộ NN-PTNT.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, trong 4 nhóm khuyến nghị của EC, đặc biệt thực thi pháp luật thủy sản, thì việc tàu cá Việt Nam xâm phạm vùng biển nước ngoài là rất nghiêm trọng và EC khẳng định: Nếu còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài sẽ rất khó gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác thủy sản Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay một số tỉnh vẫn để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Do đó, các địa phương phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng cấp bách, bởi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước 30/6/2023.
Do đó, đề nghị các tỉnh có tàu cá vi phạm cần xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm theo quy định pháp luật, cũng như tăng cường kiểm soát tàu cá ngay từ lúc xuất bến; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt các lực lượng Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, Hải quân phải kiểm soát tốt trên vùng biển, nhất vùng biển giáp ranh để ngăn chặn kịp thời các tàu có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, để sớm gỡ thẻ vàng của EC.