| Hotline: 0983.970.780

Bất chấp khó khăn, nông nghiệp tăng trưởng toàn diện

Thứ Tư 30/06/2021 , 07:10 (GMT+7)

Đối mặt với vô vàn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn giữ được đà tăng trưởng khá toàn diện. Kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 28%.

Thực hiện thành công “mục tiêu kép”

6 tháng đầu năm 2021, điều kiện thời tiết khá thuận lợi, song dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu, tiếp tục làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật tư, sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Trong bối cảnh đó, toàn ngành nông nghiệp đã nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vừa giữ đà tăng trưởng.

Sản xuất lúa 6 tháng đầu năm đã thắng lợi toàn diện trên cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Sản xuất lúa 6 tháng đầu năm đã thắng lợi toàn diện trên cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%, trong đó nông nghiệp (gồm trồng trọt và chăn nuôi) tăng 3,71% (chăn nuôi tăng 5,73%), lâm nghiệp tăng 3,98%, thủy sản tăng 4,25%.

Tốc độ tăng GDP của NLTS 6 tháng đầu năm đạt trên 3,6%; trong đó, nông nghiệp tăng 3,51%; lâm nghiệp tăng 3,5; thủy sản tăng 4,1%.

Về sản xuất lúa, nhờ năng suất tăng khoảng 1,5 tạ/ha, nên sản lượng lúa 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 21,58 triệu tấn (giảm 0,66 triệu tấn), đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi và xuất khẩu (trong đó lúa đông xuân năng suất 68,3 tạ/ha, tăng 2,6 tạ/ha, sản lượng 20,5 triệu tấn, tăng 673 nghìn tấn so với vụ đông xuân 2020).

Hiện nay, cả nước đã gieo cấy trên 1,89 triệu ha lúa hè thu, tăng 5,6%, trong đó đã thu hoạch hơn 147,7 nghìn ha, với năng suất ước tăng 2,2 - 2,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, nhiều địa phương cũng thực hiện chuyển đổi linh hoạt cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả với diện tích 48,1 nghìn ha (các địa phương phía Nam 37,9 nghìn ha, phía Bắc 10,2 nghìn ha) sang trồng các loại rau, quả, cây công nghiệp lâu năm, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn và sang mục đích phi nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa trái) cùng Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (phải) kiểm tra công tác chuẩn bị xuất khẩu, tiêu thụ vụ vải thiều năm 2021. Ảnh: CT.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan (bìa trái) cùng Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (phải) kiểm tra công tác chuẩn bị xuất khẩu, tiêu thụ vụ vải thiều năm 2021. Ảnh: CT.

Bên cạnh đó, các loại cây rau hàng năm cũng như cây công nghiệp, cây ăn quả đều tăng về diện tích và sản lượng so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, tổng diện tích cây lâu năm 3.614,3 nghìn ha, tăng 46,1 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2020; nhóm cây ăn quả đạt 1.132,7 nghìn ha, tăng 35,6 nghìn ha, tăng 3,2%; nhóm cây công nghiệp đạt 2.185,3 nghìn ha, tăng 3,8 nghìn ha, tăng 0,2%...

Hầu hết các loại cây ăn quả đều có sản lượng tăng từ 3 - 12% so với cùng kỳ năm 2020, như: Xoài 3,31%; thanh long 7,39%; bưởi 10,68%; vải 7,94%. Đồng thời, việc rải vụ 5 loại cây ăn quả (thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng, nhãn) vụ tại vùng ĐBSCL đem lại hiệu quả kinh tế tăng 1,5 - 2 lần so sản xuất chính vụ.

Về chăn nuôi, nhờ tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi hướng an toàn sinh học, gia tăng đàn lợn, gia súc ăn cỏ, ổn định đàn gia cầm nên đã đáp ứng nguồn cung con giống cho sản xuất để bảo đảm cơ bản nhu cầu thực phẩm trong nước, đồng thời, theo dõi sát và thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh trên vật nuôi.

Nhờ vậy, đàn gia súc, gia cầm được phục hồi và phát triển. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 3,16 triệu tấn, tăng 22,58% so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: Đàn bò tăng khoảng 2,5%; sản lượng thịt 231 nghìn tấn, tăng 4,2%; sản lượng sữa ước đạt khoảng 561,1 nghìn tấn, tăng 11,2%.

Hoạt động sản xuất được duy trì, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thắng lợi trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Hoạt động sản xuất được duy trì, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu thắng lợi trong 6 tháng đầu năm 2021. 

Đàn gia cầm ước tăng 5,4%; sản lượng thịt hơi đạt 932,2 nghìn tấn, tăng 6,1% và sản lượng trứng đạt khoảng 8.422,8 triệu quả, tăng 5,0%. Đàn lợn tăng khoảng 11,6% và sản lượng thịt hơi đạt 2.002,2 nghìn tấn, tăng 8,1%.

Đối với thủy sản, mặc dù còn nhiều khó khăn về xuất khẩu do tác động của dịch Covid-19, giá cá tra giảm, xâm nhập mặn, nhưng thời tiết trên biển tương đối thuận lợi, giá nhiên liệu giảm; các ưu đãi của Hiệp định CPTTP và EVFTA được triển khai thực hiện hiệu quả…

Vì vậy, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4,1 triệu tấn, tăng 2,8%; trong đó, sản lượng khai thác đạt 2 triệu tấn, tăng 1,4%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 2,1 triệu tấn, tăng 4,1% (sản lượng tôm ước đạt 371 nghìn tấn, tăng 17%).

Về lâm nghiệp, công tác phát triển rừng tiếp tục được Bộ NN-PTNT và các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện, đẩy mạnh trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng.

Tính đến hết tháng 6/2021, cả nước đã chuẩn bị được gần 650 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng, bằng 143% so với cùng kỳ năm 2020; diện tích rừng trồng mới tập trung đạt 108.258 ha, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020.

Bên cạnh đó, triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng suất, chất lượng rừng, chú trọng quản lý giống, trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn…

Xuất khẩu ấn tượng

Mặc dù chịu tác động từ đại dịch bệnh Covid-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó nông sản chính 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao trong nửa đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn, đứt gãy của thị trường. Đồ họa: LB.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vẫn giữ được mức tăng trưởng khá cao trong nửa đầu năm 2021, bất chấp những khó khăn, đứt gãy của thị trường. Đồ họa: LB.

Đóng góp vào thành công đó, có những mặt hàng với kim ngạch xuất khẩu tăng cao, gồm: Cao su, chè, hồ tiêu, hạt điều, rau quả, sắn và sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ, mây, tre, cói thảm…

Trong đó, cao su, chè, rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Cao su (+41,3% khối lượng, +80% giá trị), chè (+0,1% và +4,5%), hạt điều (+22,2%, +11,1%), sắn và sản phẩm từ sắn (+16,3%, +30,5%).

Riêng hồ tiêu, dù khối lượng xuất khẩu giảm (đạt 155 nghìn tấn, giảm 6,7%), nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên giá trị xuất khẩu vẫn tăng (đạt 499 triệu USD, tăng 40,5%).

Những mặt hàng khác tăng giá trị chủ yếu nhờ khối lượng như: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,1 tỷ USD (+74,8%), mây, tre, cói thảm đạt khoảng 447 triệu USD (+78,8%); tôm 1,66 tỷ USD, tăng 8,5%.

Về thị trường xuất khẩu: Có 4 thị trường (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhập khẩu NLTS lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất (Mỹ và Trung Quốc) thời gian qua được duy trì tốt.

Đồ họa. LB.

Đồ họa. LB.

Cụ thể, Mỹ (thị trường lớn nhất) với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,7 tỷ USD (tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu), trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 60,6%).

Trung Quốc (thị trường xuất khẩu lớn thứ 2) với kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 4,75 tỷ USD (tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu).

So với kim ngạch nhập khẩu NLTS 6 tháng đầu năm khoảng 21,09 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,14 tỷ USD.

Khơi thông thị trường

Trước những đứt gãy thị trường tiêu thụ, xuất khẩu nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nửa đầu năm 2021, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Úc...; chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường nông sản trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Nhất là tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...

Các giải pháp nhằm đảm bảo thông suốt cho hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đã được Bộ NN-PTNT tập trung triển khai trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: LHV. 

Các giải pháp nhằm đảm bảo thông suốt cho hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản đã được Bộ NN-PTNT tập trung triển khai trong nửa đầu năm 2021. Ảnh: LHV. 

Với thị trường trong nước, Bộ NN-PTNT chủ động theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản tại các địa phương, đặc biệt tại những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19; phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tổ chức hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và xây dựng phương án ứng phó trong sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19 nhằm không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản ở biên giới.

Hỗ trợ kết nối đưa nông sản có sản lượng lớn khi vào vụ và gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các hệ thống siêu thị, như Big C, AEON, Hapro, Vinmart (mặt hàng vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn của hợp tác xã); đẩy mạnh tham gia các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…

Đồng thời, theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung nông sản, đặc biệt là các địa phương vào vụ thu hoạch nông sản (vải, nhãn, thanh long, xoài, mít...).

Giữ mục tiêu tăng trưởng

Mặc dù đối mặt với những thách thức lớn do dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên 6 tháng cuối năm cũng như cả năm 2021, Bộ NN-PTNT tiếp tục phấn đấu với một số chỉ tiêu tăng trưởng, cụ thể:

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3 - 3,2%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,2 - 3,5%, trong đó: Giá trị sản xuất trồng trọt tăng 1,55%, sản lượng lúa trên 43,19 triệu tấn; Giá trị sản xuất chăn nuôi trên 5,93%, sản lượng thịt lợn cả năm ước đạt khoảng 4,1 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm ước đạt trên 1,9 triệu tấn; Giá trị sản xuất thủy sản tăng 4%; tổng sản lượng thủy sản 8,7 triệu tấn (nuôi trồng 4,82 triệu tấn, khai thác 3,9 triệu tấn). Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng 3,75%; sản lượng gỗ khai thác trên 18 triệu m3, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu.

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS năm 2021 khoảng 45 tỷ USD (cao hơn Chính phủ giao 3 tỷ USD), cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm, như sau: Nông sản chính 21,5 tỷ USD; Lâm sản và đồ gỗ 14 tỷ USD; Thủy sản 8,5 tỷ USD; Các mặt hàng khác khoảng 1 tỷ USD.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất