| Hotline: 0983.970.780

Bất thường bò dự án [Bài 1]: Giống vừa cấp đã lăn đùng ra chết

Thứ Bảy 30/03/2024 , 17:07 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Đơn vị trúng thầu cấp bò dự án không đúng hợp đồng cam kết, không tuân thủ quy định Luật Thú y, bò nhiễm bệnh, nhưng chính quyền và ngành chức năng vẫn nhận.

Theo người dân thôn Cu Dông, bò dự án Công ty Tân Thành cấp không đảm bảo để trở thành đàn bò giống chất lượng. Ảnh: Võ Dũng.

Theo người dân thôn Cu Dông, bò dự án Công ty Tân Thành cấp không đảm bảo để trở thành đàn bò giống chất lượng. Ảnh: Võ Dũng.

UBND xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được giao làm chủ đầu tư thực hiện thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng - nhân rộng mô hình giảm nghèo “Chăn nuôi bò vàng Việt Nam sinh sản” tại thôn Ta Xía và Ra Ty, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương) năm 2023.

Đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH Giống Cây trồng vật nuôi Tân Thành (Công ty Tân Thành) có trụ sở tại xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị). Tổng giá trị gói thầu trên 344 triệu đồng (tương đương khoảng 17,2 triệu đồng/con).

Theo hợp đồng đã ký, Công ty Tân Thành sẽ cung cấp cho UBND xã Hướng Lộc 20 con bò giống trọng lượng từ 130 - 150kg. Bò dự án được cấp ngoài việc phù hợp với mục đích nuôi sinh sản còn đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Luật Thú y.

Thực hiện hợp đồng đã ký, ngày 16/3, UBND xã Hướng Lộc phối hợp với các phòng ban chuyên môn cấp huyện tổ chức kiểm tra lâm sàng và các hồ sơ, thủ tục bò cái vàng sinh sản trước khi vận chuyển vào địa bàn huyện. Cùng ngày, đơn vị trúng thầu cấp cho các gia đình hưởng lợi.

Chỉ sau đúng 1 ngày, bò dự án được cấp cho gia đình ông Hồ Văn Tình, thôn Ra Ty lăn đùng ra chết. Khi ngành chức năng chưa kịp lấy mẫu xét nghiệm để xác định nguyên nhân bò chết, người dân đã làm thịt và bán được 3 triệu đồng.

Đại diện UBND xã Hướng Lộc cho rằng, do vận chuyển bò giống với quãng đường dài từ Quảng Bình đến xã Hướng Lộc khoảng 275km nên thể trạng bò suy yếu.

Còn người dân xã Hướng Lộc khẳng định, số bò được cấp không đạt tiêu chuẩn để phát triển thành đàn bò giống chất lượng. Đa phần bò được cấp đều gầy gò, kén ăn, thưa sườn, mỏng mình, móng chân trước hở… Với chỉ khoảng 15 triệu đồng, nếu người dân tự đi mua sẽ có được một con bò chất lượng hơn rất nhiều!

 
Bò dự án cấp cho người dân bị lở loét, chân, miệng, dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

Bò dự án cấp cho người dân bị lở loét, chân, miệng, dấu hiệu của bệnh lở mồm long móng. Ảnh: Võ Dũng.

Còn tại xã Húc, chất lượng đàn bò giống do Công ty Tân Thành cung cấp cũng không mấy khả quan.

Theo hợp đồng số 002/2004/HĐKT, Công ty Tân Thành sẽ cung cấp 18 con bò từ 12-18 tháng tháng tuổi, trọng lượng bình quân từ 159,4kg/con. Hợp đồng cũng ghi rõ bò đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục, thân hình cân đối, móng không được hở… Tổng giá trị gói thầu là 315 triệu đồng (tương đương 17,5 triệu đồng/con).

Theo ông Hồ Văn Ka Rai, cả 18 con bò đều được chủ đầu tư và các ban ngành cấp huyện kiểm tra lâm sàng và hồ sơ kiểm dịch trước khi đưa vào địa bàn huyện. Sau đó, đơn vị trúng thầu đã bàn giao cho người dân. Trong số này, người dân phản ánh có 3 con không chịu đi nên đơn vị cung ứng đã đưa 3 con khác lên đổi.

Cũng theo ông Ka Rai, số bò mới cấp đều được người dân nuôi nhốt, cách ly tại gia đình để tránh tình trạng phát sinh, lây lan dịch bệnh (nếu có). “Vì Công ty Tân Thành nói sẽ về tiêm phòng nên người dân đang nuôi cách ly, không để phát sinh và lây lan dịch bệnh được”, ông Ka Rai khẳng định.

Thế nhưng, điều này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi chứng kiến tại thôn Cu Dông. Ông Hồ Văn Chêng, trưởng thôn Cu Dông dẫn chúng tôi đi 1 vòng quanh thôn nhưng chỉ tìm được 3 con bò vừa được cấp đang nuôi nhốt tại nhà. Số còn lại đều đã được người dân đưa đi chăn thả trong rừng.

Hai trong số 3 con bò đang nuôi nhốt tại nhà có những dấu hiệu như lở loét mồm và chân, sưng chân, sùi bọt mép. Người dân cho rằng, đây là triệu chứng lâm sàng của bệnh lở mồm long móng.

Bò cấp cho dân gầy trơ xương, thiếu sức sống. Ảnh: Võ Dũng.

Bò cấp cho dân gầy trơ xương, thiếu sức sống. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Hồ Văn Quốc, tại thôn Cu Dông cho biết, ngày 16/3/2024 gia đình ông được nhận 1 con bò cái hiện đang buộc dưới gốc cây quanh nhà do chân sưng, mũi và chân bị lở loét, kén ăn. Còn con bò cấp cho ông Hồ văn Kuôr Rơ bị chảy nước dãi, lở loét đã được cán bộ thú y chữa trị gần thôi, chưa thể chăn thả được nên buộc dưới gầm nhà sàn.

Việc cấp bò dự án nhưng có nhiều bất cập tại 2 xã Hướng Lộc và Húc đang gây ra luồng dư luận không tốt. Nhiều người cho rằng, đối tượng hưởng lợi đã không được cấp vật nuôi đúng với giá trị ngân sách bỏ ra hỗ trợ. Chủ đầu tư và các ban ngành cấp huyện đã không làm tròn trách nhiệm đối với người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số điều kiện kinh tế vốn rất khó khăn.

Lo lắng về tính hiệu quả của chương trình giảm nghèo bền vững

Thực hiện Dự án Phát triển sản xuất cộng đồng năm 2022 - 2023 (triển khai năm 2024), UBND các xã và Phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Hướng Hóa làm chủ đầu tư cấp cho các đối tượng thụ hưởng trên 1,7 nghìn con bò, gần 370 con dê. Đến cuối tháng 3/2024, đã 669 con bò, 30 con dê được cấp cho người dân. Trong số này, Công ty Tân Thành đã cấp 122 con bò, 30 con dê. Theo kế hoạch, đơn vị này sẽ cấp thêm 170 con bò và 214 con dê. Nhưng với tình hình chất lượng đàn vật nuôi cấp cho người dân như hiện nay, nhiều người lo lắng về tính hiệu quả của chương trình đang thực hiện trên địa bàn huyện Hướng Hóa.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.