Cần làm sáng tỏ chủ diện tích rừng khai thác tận dụng
Theo phản ánh, cộng đồng các thôn A Niêng, Lê Triêng 1, Ta, xã Trung Sơn, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên tại các tiểu khu 264, 265, 266.
Để phục vụ dự án xây dựng nhà máy thủy điện, ngày 1/6/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định phê duyệt phương án khai thác tận dụng 39,32 ha gỗ rừng tự nhiên.
Vị trí, địa danh cho phép khai thác gồm 26 lô được đánh dấu 1,2,3,4... thuộc các khoảnh 1, 5, 6, 8, 9, tiểu khu 264; khoảnh 1, 5, 7, tiểu khu 265 và khoảnh 1, 2, 3, 4, tiểu khu 266. Toàn bộ diện tích khai thác được xác định là do UBND xã Trung Sơn quản lý, bảo vệ.
Đến thời điểm cuối tháng 7/2021, gần như toàn bộ số gỗ trên đã được khai thác, tập kết tại lòng hồ A Lin 3 và chuẩn bị vận chuyển ra khỏi khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, người dân Trung Sơn cho rằng, một phần diện tích khai thác tận dụng trước đây đã giao cho cộng đồng quản lý và phải thực hiện đền bù hỗ trợ theo quy định.
Theo các quyết định điều chỉnh diện tích và trạng thái rừng tự nhiên của UBND huyện A Lưới do ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện ký thì các khoảnh 1,2,3,4,5,6,7,8,9, tiểu khu 264 được giao cho thôn Ta; các khoảnh 4,5,6,9,11, tiểu khu 266 được giao cho thôn A Niêng; các khoảnh 1,2,3,7,8,10, 12,13,14,15, tiểu khu 266 được giao cho thôn Lê Triêng 1 quản lý. Các lô rừng trong phụ lục quyết định này được đánh dấu a1,2,3; b1,2,3; c1,2,3...
Khi thắc mắc của người dân các thôn Ta, A Triêng, Lê Triêng 1 chưa được giải đáp thỏa đáng thì các ban ngành chức năng huyện A Lưới đều khẳng định, toàn bộ diện tích khai thác tận dụng trên đều thuộc quản lý của UBND xã Trung Sơn. Đại diện Hạt kiểm lâm huyện A Lưới cho rằng, việc giao đất, giao rừng cho chính quyền xã quản lý không cần có hồ sơ pháp lý gì, chỉ cần lấy tổng diện tích rừng tự nhiên của xã trừ đi diện tích giao cho cộng đồng, hộ gia đình quản lý, số còn lại đương nhiên sẽ do UBND xã quản lý .
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi, nếu đã giao cho UBND xã Trung Sơn quản lý thì quyết định thu hồi 39,32 ha rừng tự nhiên ở đâu, ông Ngô Hữu Phước, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm A Lưới cho rằng, do chưa có quyết định giao cho xã nên không thể ra quyết định thu hồi mà chỉ cho chuyển mục đích sử dụng và cũng vì thế không có cơ chế đền bù, hỗ trợ đơn vị nhận khoán bảo vệ rừng theo Luật Lâm nghiệp.
Khai thác gỗ rừng đem đi bán còn lỗ
Theo quyết định phê duyệt phương án khai thác tận dụng 39,32 ha gỗ rừng tự nhiên thuộc các tiểu khu 264, 265, 266 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên- Huế, đối tượng khai thác là tim lang, trâm, máu chó, vạng trứng, trường, trám chủa, giẻ, chân chim... và một số loài cây gỗ khác thuộc nhóm III đến nhóm VIII.
Sản lượng gỗ khai thác trên 1.226 m3 gỗ tròn (gần 652 m3 gỗ thương phẩm), theo dự toán, giá trị còn lại của 39,32 ha rừng tự nhiên khai thác tận dụng sau khi trừ các chi phí còn lỗ 62.889.000 đồng. Trong đó, doanh thu từ việc khai thác gỗ tận dụng là 1.172.292.000 đồng. Chi phí sản xuất 1.087.065.000 đồng. Thuế tài nguyên 148.116.000 đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế giao trách nhiệm cho UBND xã Trung Sơn tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc phối hợp với một công ty thực hiện thanh lý hủy bỏ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền; kiểm tra giám sát toàn bộ quá trình khai thác tận dụng hoặc thanh lý gỗ rừng tự nhiên báo cáo cơ quan kiểm lâm sở tại.
Đơn vị trúng thầu khai thác số gỗ trên phải thực hiện vệ sinh lòng hồ. Tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt, nhiều cành, thân, nhánh gỗ vẫn nằm giữa lòng hồ, nước hồ chuyển màu đen.
Ông Lê Văn Nghiếu, Chủ tịch UBND xã Trung Sơn cho hay, xã cũng đặt vấn đề xin tự khai thác tận dụng nhưng không được chấp thuận. Trong thực tế, UBND xã Trung Sơn chỉ giám sát quá trình tận thu để không khai thác vượt mốc cho phép. UBND xã Trung Sơn không đủ năng lực tham gia thanh lý số gỗ trên nên các thủ tục, quá trình khai thác, thanh lý đều do một, hai đơn vị nào đó đứng ra xử lý?
Về vấn đề sau khi khai thác tận thu số gỗ trên còn “lỗ” gần 63 triệu đồng, ai sẽ bù vào, ông Nghiếu cho rằng, đơn vị chủ đầu tư thủy điện sẽ tự cân đối, tính toán, xã cũng không dính dáng gì.Tuy nhiên, khi đọc các thông số, số liệu PV cung cấp, một cán bộ phụ trách mảng pháp chế lâu năm trong ngành Kiểm lâm cho rằng, khả năng lỗ khi khai thác gỗ rừng tự nhiên đem đi bán là rất thấp.
“Về nguyên tắc, việc tận thu sẽ do một đơn vị trúng thầu đảm nhận. Đơn vị này sẽ tính toán về chi phí để giá trị gỗ bán ra còn lãi sau khi đã trừ công khai thác, thuế tài nguyên nếu không sẽ khó được chấp thuận trúng thầu. Nếu khai thác gỗ trong rừng ra bán còn lỗ thì ai người ta đi khai thác trộm gỗ bao giờ. Chắc ở đây có điều gì uẩn khúc thôi”, cán bộ kiểm lâm chia sẻ.