| Hotline: 0983.970.780

Thác Háng Đề Chơ sắp bị bức tử vì thủy điện

Thứ Hai 12/07/2021 , 14:50 (GMT+7)

Thác Háng Đề Chơ nằm giữa hai xã Làng Nhì và Tà Xi Láng thuộc huyện Trạm Tấu tỉnh Yên Bái được mệnh danh 'Đệ nhất thác Tây Bắc' sắp bị thủy điện bức tử.

Thác Háng Đề Chơ - Đệ nhất thác Tây Bắc. Ảnh: Thái Sinh.

Thác Háng Đề Chơ - Đệ nhất thác Tây Bắc. Ảnh: Thái Sinh.

“Đệ nhất thác Tây Bắc”

Còn nhớ tháng 3/2005 tôi theo những chiến sĩ kiểm lâm do ông Đinh Đăng Luận khi đó là Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm, nay là Giám đốc Sở NN-PTNT Yên Bái chỉ huy đột nhập vào sào huyệt lâm tặc đặt ở thôn Đề Chơ, xã Làng Nhì. Vụ đột nhập đó đã hốt gọn 98m3 gỗ pơ mu được khai thác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa thuộc hai huyện Bắc Yên và Phù Yên tỉnh Sơn La.

Điều làm tôi ngỡ ngàng đến kinh ngạc, tại nơi thâm sơn cùng cốc này lại có một dòng thác đẹp đến mê hồn, giống như nàng tiên áo trắng kiều diễn như bay từ trên trời xanh mây trắng xuống thả vạt áo lả lướt xuống dòng suối Nhì làm mê đắm bất cứ ai đặt chân tới đây.

Háng Đề Chơ dịch từ tiếng Mông có nghĩa là thác nước bay, dòng thác rót bạc từ trên độ cao gần hai trăm mét xuống sườn vách đá dựng đứng, từ dưới chân thác nhìn lên cứ ngỡ dòng thác chảy từ trời xanh xuống tung bọt trắng xóa, hơi nước bay mù mịt kín một khoảng trời đẹp đến nao lòng.

Thác Háng Đề Chơ nhìn từ thôn Đề Chơ xuống. Ảnh: Thái Sinh.

Thác Háng Đề Chơ nhìn từ thôn Đề Chơ xuống. Ảnh: Thái Sinh.

Đó là báu vật, quà tặng của thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Tôi đã đi khắp vùng Tây Bắc, nhưng chưa thấy dòng thác nào đẹp như thác Háng Đề Chơ, nhiều người tới đây đã kinh ngạc kêu lên “Đệ nhất thác Tây Bắc”.

Tháng ba năm nay tôi trở lại thôn Đề Chơ, lần này tôi quyết tâm đến tận chân thác để tận mắt nhìn thấy “nàng tiên” áo trắng ngủ trong rừng. Trang A Su cán bộ xã Làng Nhì kể cho tôi nghe: Không biết chiều cao của dòng thác này là bao nhiêu, nghe các cụ trong làng kể, trước đây có mấy cụ đã leo lên tận đỉnh thác buộc một hòn đá vào sợi dây dài 200m thả xuống, nhưng thả hết dây mà chưa xuống đến chân thác. Vì thế, các cụ áng chừng thác cao khoảng 200m gì đó.

Anh Trang A Su (trái) trao đổi với tác giả về nguyện vọng của người dân muốn giữ dòng thác làm du lịch. Ảnh: Trần Đức Lâm.

Anh Trang A Su (trái) trao đổi với tác giả về nguyện vọng của người dân muốn giữ dòng thác làm du lịch. Ảnh: Trần Đức Lâm.

Năm ngoái bà con thôn Đề Chơ góp tiền thuê máy ủi làm một con đường từ thôn xuống gần tới chân thác để đi làm ruộng và giúp khách du lịch đến thăm thác thuận tiện hơn. Mặc dù vậy, muốn xuống tới tận chân thác, chúng tôi phải bò xuống cái dốc dựng đứng mũi chạm cằm vô cùng nguy hiểm. A Su bảo: Mong muốn của người dân hai xã Làng Nhì và Tà Xi Láng là có nhà đầu tư tới đây phát triển du lịch, giúp bà con có việc làm, thêm thu nhập…

Thác Háng Đề Chơ sẽ bị bức tử do thủy điện

 Ngày 21/10/2015 UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định 2150/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Yên Bái, có trụ sở chính tại thôn Hát Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu do ông Nguyễn Tất Đạt làm giám đốc thực hiện dự án đầu tư thủy điện Đồng Ngãi, địa điểm tại xã Tà Xi Láng, công suất thiết kế 10MW, tổng vốn đầu tư 299.098,7 triệu đồng (299,098 tỷ), tiến độ dự án: Khởi công Quý IV/2018, hoàn thành dự án đi vào hoạt động phát điện Quý IV/2020.

Công trình thủy điện Đồng Ngãi nằm trên thượng nguồn dòng Nậm Nhì, phía trên thác Háng Đề Chơ, đây là cụm thủy điện nhỏ, thuật ngữ ngày nay gọi là “thủy điện cóc”, gồm 3 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương quy hoạch, bao gồm: dự án thủy điện Đồng Ngãi công suất 2,4 MW, Chí Lư công suất 4,0 MW, Phình Hồ công suất 2,5 MW. Tổng công suất lắp máy theo thiết kế là 8,9 MW,  tức là dưới 10 MW.

Người dân hai xã Làng Nhì, Tà Xi Láng cần phát triển du lịch hơn là xây dựng nhà máy thủy điện. Ảnh: Thái Sinh.

Người dân hai xã Làng Nhì, Tà Xi Láng cần phát triển du lịch hơn là xây dựng nhà máy thủy điện. Ảnh: Thái Sinh.

Theo hồ sơ thiết kế thì dự án thủy điện Đồng Ngãi và Chí Lư nằm liên hoàn trên thượng nguồn dòng Nậm Nhì chiếm 43,14 ha đất, bao gồm 17,04 rừng trồng phòng hộ, 12,38 ha rừng tự nhiên SX, 4,14 ha đất nông nghiệp…

Dự án không chỉ ảnh hưởng đến đất rừng phòng hộ, mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới 6 công trình thủy lợi, với tổng diện tích tưới là 28,4 ha ở các thôn thuộc xã Tà Xi Láng. Theo báo cáo số 38/CCTL- QLCT tham gia ý kiến thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thủy điện Đồng Ngãi của Chi cục Thủy lợi đã nêu rõ: Khi xây dựng thủy điện Đồng Ngãi sẽ gây thiếu nước cho 6 công trình thủy lợi vào mùa kiệt. Do đó không đảm bảo  tưới cho SX nông nghiệp xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu.

Khi dự án Đồng Ngãi hoàn thành thì trên thượng nguồn dòng Nậm Nhì sẽ hình thành một quả “bom nước” khổng lồ có thể nổ tung bất cứ lúc nào trên độ cao hàng trăm mét khi sự cố xảy ra. Điều người dân lo lắng nhất là thác Háng Đề Chơ vĩnh viễn bị bức tử, “Đệ nhất thác Tây Bắc” chỉ còn là làn đá dựng đứng xám xịt, báu vật của thiên nhiên sẽ bị xóa sổ.

Những người có trách nhiệm ở huyện Trạm Tấu nói gì?

Sau khi được tin dự án thủy điện Đồng Ngãi đang được gấp rút hoàn thiện các thủ tục để đi vào xây dựng, qua tìm hiểu chúng tôi thấy: Tiến độ thực hiện dự án đã hết từ Quý IV/2020, đến nay theo một lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư thì dự án chưa có quyết định gia hạn.

Một góc sơ đồ xây dựng thủy điện Đồng Ngãi. 

Một góc sơ đồ xây dựng thủy điện Đồng Ngãi. 

Trao đổi qua điện thoại với ông Giàng A Thào - Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu về dự án thủy điện Đồng Ngãi, ông Thào cho biết: Khi làm việc với người dân hai xã Làng Nhì và Tà Xi Láng, bà con đề nghị giữ lại thác Háng Đề Chơ để phát triển du lịch. Tôi đã chỉ đạo UBND huyện làm văn bản gửi tỉnh phản ánh nguyện vọng của người dân, để tỉnh quyết định…

Ông Trịnh Văn Xuê- Phó bí thư Thường trực huyện Trạm Tấu cho biết: Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVIII nhiệm kỳ 2016-2021 mà tôi là đại biểu, sau khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã có báo cáo số 37/BC-TĐB ngày 25/11/2020 gửi HĐND phản ánh ý kiến cử tri.

Về thủy điện Đồng Ngãi có ý kiến như sau: Đề nghị xem xét lại chủ trương đầu tư nhà máy thủy điện Đồng Ngãi tại xã Tà Xi Láng, công suất thiết kế 9 MW; vì nếu xây dựng nhà máy thủy điện này thì thác nước Háng Đề Chơ, một thác nước đẹp nổi tiếng của huyện Trạm Tấu có tiềm năng du lịch rất lớn sẽ không còn. Cử tri xã Làng Nhì, Tà Xi Láng đã kiến nghị nhiều lần, bên cạnh đó, hiện nay thác Háng Đề Chơ đã được lượng khách du lịch trong và ngoài tỉnh rất quan tâm…

Ông Xuê thở dài: Ý kiến của người dân đã trình lên HĐND tỉnh khóa XVIII nhưng có được quan tâm đâu…

"Tối hậu thư" của Sở Công Thương Yên Bái    

Tiếp cận hồ sơ của dự án thủy điện Đồng Ngãi chúng tôi thấy công văn số 981/SCT-QLCNNL ngày 26/5/2021 do ông Vũ  Vinh Quang- GĐ ký, gửi một số ngành: Tham gia ý kiến thẩm định vào báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án thủy điện Đồng Ngãi, huyện Trạm Tấu.

'Tối hậu thư' của Sở Công Thương Yên Bái. 

"Tối hậu thư" của Sở Công Thương Yên Bái. 

Điều rất ngạc nhiên, ngày 25/5/2021 Sở Công Thương nhận được Tờ trình số 06/TTr-FDI của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển điện Yên Bái về dự án thủy điện Đồng Ngãi, thì lập tức ngày 26/5/2021 Sở Công Thương có văn bản gửi các ngành tham gia ý kiến và ra “tối hậu thư”: “Đề nghị Quý cơ quan cho ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về Sở Công Thương trước ngày 5/6/2021 để tổng hợp. Sau thời gian trên, nếu cơ quan, đơn vị không có văn bản tham gia ý kiến thì coi như đã chấp thuận về các nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng dự án trên và chịu trách nhiệm về nội dung liên quan đến dự án thuộc phạm vi quản lý của ngành, đơn vị mình”.

Theo khoản 15, Điều I Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 mà Sở Công Thương dẫn trong văn bản, chúng tôi không tìm thấy chỗ nào quy định các ngành tham gia ý kiến bắt buộc trong thời gian 10 ngày và không tham gia ý kiến coi như đã đồng ý (?). Phải chăng đây là “luật riêng” của Sở Công Thương? Nếu bất cứ đề nghị nào của người dân hay của doanh nghiệp mà được Sở Công Thương sốt sắng ra văn bản ngay tắp lự như thế thì người dân hẳn sẽ được nhờ.

Tuy nhiên, theo Công ăn số 9844/BCT-ĐL của Bộ Công Thương ngày 22/12/2020 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành khai thác dự án, công trình thủy điện đã nêu rõ: Đối với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng: Tạm dừng, chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường và không ảnh hưởng lớn tới dân cư, không chiếm dụng đất rừng tự nhiên và có hiệu quả kinh tế…

Sở Công Thương Yên Bái có biết công văn chỉ đạo này không và đã rà soát các dự án thủy điện chưa xây dựng để có ý kiến với UBND tỉnh? Dự án thủy điện Đồng Ngãi chậm tiến độ, lại chưa được gia hạn và ảnh hưởng tới 28 ha đất ruộng thì chưa được Sở Công Thương xem xét, lại đốc thúc các ngành có ý kiến. Đó là điều rất lạ. 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm