| Hotline: 0983.970.780

Bẫy chua ngọt diệt sâu keo mùa thu hiệu quả

Thứ Năm 22/09/2022 , 07:05 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Áp dụng bẫy chua ngọt giúp hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, nhưng vẫn có thể tiêu diệt hiệu quả sâu keo mùa thu, tác dụng của bẫy kéo dài cả vụ.

Nhằm giúp người trồng bắp bảo vệ mùa màng, từ tháng 6 đến tháng 9/2022, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận đã triển khai mô hình “Quản lý sâu keo mùa thu” tại xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thanh Trúc, cán bộ Trạm Kiểm dịch thực vật nội địa (Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận) cho biết, mô hình được triển khai tại ruộng bắp (ngô) của ông K Văn Việu ở thôn 1 và ông K Văn Von ở thôn 2, xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc với diện tích 1ha. Giống bắp thực hiện trong mô hình gồm C.P. 501 S và NK7328.

Ngành

Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bình Thuận đã hướng dẫn nông dân trồng bắp cách quản lý sâu keo mùa thu hiệu quả nhờ mô hình sử dụng bẫy chua ngọt. Ảnh: KH.

Trước khi thực hiện mô hình, Chi cục đã tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và phương pháp thực hiện cho nông dân áp dụng nhằm quản lý sâu keo mùa thu. Đồng thời, nông dân trong vùng và các hộ dân trực tiếp tham gia mô hình được cung cấp những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về thực hiện biện pháp dẫn dụ côn trùng bằng bẫy chua ngọt.  

Bẫy chua ngọt được làm từ nguyên liệu là mật mía, dấm, rượu và nước sạch, có thể dẫn dụ bướm trên diện tích lớn để diệt sâu keo ngay từ đầu vụ. Từ đó, giúp bà con nắm bắt đa dạng các phương pháp phòng, tiêu diệt sâu keo gây hại bắp.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, các bước thực hiện quản lý sâu keo mùa thu là ngắt ổ trứng. Sau đó tiến hành bẫy chua ngọt với số lượng 50 hũ bẫy/10.000m2 (mật mía, giấm, rượu, nước, tỷ lệ 4:4:1:1). Tiếp đến các dùng thuốc BVTV: Ema Super Gold 888 (Emamectin benzoate + High - grade additives), Checksau TSC 500 EC (Profenofos + Permethrin).

Cụ thể, đối với vườn 1 sản xuất giống ngô C.P. 501 S xử lý 2 lần thuốc BVTV ở giai đoạn bắp mới gieo đến 5 lá và giai đoạn bắp 7 lá đến xoáy nõn. Giống ngô NK7328 xử lý 5 lần thuốc BVTV ở các giai đoạn bắp mới gieo đến 3 lá, bắp mới gieo đến 5 lá, bắp mới gieo đến 7 lá, bắp 7 lá đến xoáy nõn và sắp trỗ cờ phun râu.

vƯƠN

Vườn bắp triển khai mô hình bẫy chua ngọt quản lý tốt sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: KS.

Đối với vườn 2 sản xuất giống ngô C.P. 501 S, cũng xử lý 2 lần thuốc ở giai đoạn bắp mới gieo đến 5 lá và giai đoạn bắp 7 lá đến xoáy nõn. Giống ngô NK7328 xử lý 3 lần thuốc ở các giai đoạn bắp mới gieo đến 3 lá, bắp 7 lá đến xoáy nõn và sắp trỗ cờ phun râu.

Kết quả tại vườn 1 cho thấy, giống ngô C.P. 501 S từ sau khi gieo đến thời điểm 10 ngày sau không xuất hiện sâu. Đến 24 ngày sau gieo mới bắt đầu xuất hiện sâu keo mùa thu với tỷ lệ gây hại 1% và tiến hành phun thuốc BVTV. Kết quả cho thấy đến 52 ngày sau gieo, không còn xuất hiện sâu keo mùa thu. Giống NK7328, 10 ngày sau gieo bắt đầu có trứng và sâu non của sâu keo mùa thu với tỷ lệ gây hại 1% và tiến hành phun thuốc BVTV. Kết quả đến 52 ngày sau gieo không còn xuất hiện sâu.

Tương tự, tại vườn 2 cho thấy, giống ngô C.P. 501 S từ sau khi gieo đến thời điểm 12 ngày sau không xuất hiện sâu. Nhưng đến 19 ngày sau gieo mới bắt đầu xuất hiện với tỷ lệ gây hại 1% nên tiến hành phun thuốc BVTV. Kết quả, đến 54 ngày sau gieo không còn thấy xuất hiện sâu. Giống NK7328 12 ngày sau gieo bắt đầu có trứng và sâu non với tỷ lệ gây hại 1%, tiến hành phun thuốc BVTV và đến 54 ngày sau gieo không còn xuất hiện sâu.

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận, với mô hình bẫy chua ngọt, khi nông dân áp dụng sẽ hạn chế sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học, nhưng vẫn có thể tiêu diệt được nhiều sâu, tác dụng của bẫy kéo dài cả vụ bắp. Ngoài ra, nông dân còn có thể áp dụng biện pháp này trên các loại cây trồng khác trong nhiều vụ, trong nhiều năm mà không lo ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Thực tế qua thời gian thực hiện mô hình đặt bẫy chua ngọt, ngoài bướm vào bẫy còn có ong, ngài và các loại côn trùng khác. 

nĂN

Nhờ quản lý tốt sâu keo mùa thu nên ruộng mô hình cho năng suất cao hơn so với vụ năm ngoái chưa áp dụng khoảng 2,5 tấn/ha. Ảnh: KH.

Theo đánh giá của nông dân tham gia mô hình, nhờ áp dụng mô hình này mà sâu keo mùa thu hại bắp được xử lý hiệu quả. Cây bắp sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất ước đạt khoảng 9 tấn/ha, tăng hơn 2,5 tấn/ha so với vụ thu năm ngoái.

Ngoài ra theo cơ quan chuyên môn, thông qua mô hình cho thấy, cần áp dụng nhiều biện pháp phòng trừ sâu keo mùa thu mới có thể thu được kết quả cao. Đồng thời, việc áp dụng phải làm thường xuyên, liên tục và làm trên diện rộng.

Từ hiệu quả mô hình quản lý sâu keo mùa thu này, Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận đề nghị xã Đông Tiến và huyện Hàm Thuận Bắc nhân rộng mô hình, nhất là các huyện có trồng bắp trên toàn tỉnh. Nông dân nên chủ động phòng trừ sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ sản xuất, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp.

Sâu keo mùa thu là loài côn trùng đa thực có nguồn gốc từ Châu Mỹ, tại Châu Phi lần đầu tiên phát phát hiện vào đầu năm 2016. Đến năm 2018, loài này đã được phát hiện gây hại trên cây bắp tại hơn 30 quốc gia ở châu Phi. Ở Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên bắp vào tháng 5/2019. Trong tháng 9 này, diện tích nhiễm sâu keo mùa thu toàn tỉnh khoảng 166ha, tăng 16ha so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu phân bố ở Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình và Đức Linh.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.