Ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam phát hành trái phiếu xanh
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã trở thành ngân hàng đầu tiên phát hành thành công trái phiếu xanh theo Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) tại thị trường trong nước. Số tiền thu được từ phát hành trái phiếu sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phù hợp với Khung trái phiếu xanh của BIDV.
Đây là đợt phát hành trái phiếu xanh đầu tiên tại Việt Nam được xếp hạng bởi Moody’s – tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới. Theo xếp hạng Khung Trái phiếu xanh của Moody’s đối với các tổ chức tín dụng, BIDV đã đạt được mức xếp hạng rất cao nhờ sự tuân thủ, minh bạch ở cấp độ cao trong việc lựa chọn dự án, thẩm định, cho vay, các chế độ về quản trị.
Đợt phát hành Trái phiếu xanh lần này của BIDV có cấu trúc không tài sản bảo đảm, không phải nợ thứ cấp và không cần bảo lãnh thanh toán, thể hiện mức độ tín nhiệm cao về năng lực và uy tín của tổ chức phát hành. Theo đó, toàn bộ nhà đầu tư tham gia giao dịch đều là các công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ thuộc các tập đoàn bảo hiểm hàng đầu thế giới.
Theo ông Trần Long – Phó Tổng Giám đốc BIDV, để có thể đạt mức xếp hạng cao trong Khung trái phiếu xanh của Moody’s, BIDV đã xây dựng chiến lược rõ ràng về phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh gắn với yêu cầu thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội (ESG) trong hoạt động cấp tín dụng và sẵn sàng tài trợ vốn cho các khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực phát thải các-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.
‘Nguồn vốn trái phiếu xanh sẽ là công cụ hiệu quả để gia tăng năng lực cho BIDV trong việc thực hiện chiến lược nêu trên. Với quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, chúng tôi mong muốn rằng việc tiên phong phát hành trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn quốc tế của BIDV sẽ là nguồn cảm hứng cho các tổ chức khác cùng đồng hành xây dựng một tương lai xanh, phát triển mạnh mẽ và bền vững.’, ông Long nói.
Khung trái phiếu xanh bám sát thông lệ quốc tế
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết: ‘Đây là hoạt động ý nghĩa trước thềm COP28 nhằm hỗ trợ các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, góp phần tạo nên một hành tinh đáng sống. Ngân hàng Thế giới vui mừng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực đạt được mục tiêu phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Việc phát hành trái phiếu xanh của các ngân hàng thương mại là một trong nhiều bước quan trọng để đạt được mục tiêu đó. Với trái phiếu xanh này, BIDV sẽ truyền cảm hứng cho các tập đoàn và ngân hàng thương mại khác cùng chung tay nỗ lực xanh hóa nền kinh tế.’
Năm 2022, BIDV vinh dự là một trong hai đơn vị tiên phong được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng Khung trái phiếu xanh theo chương trình hỗ trợ kỹ thuật giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ). Theo đó, trên nền tảng kiến thức tiếp thu từ chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nghiên cứu Sổ tay hướng dẫn phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam ban hành, BIDV đã dự thảo Khung trái phiếu xanh ngay trong năm 2022.
Năm 2023, với sự tư vấn kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ Chức Tài Chính Quốc tế (IFC) thông qua Chương trình Chung Phát triển Thị trường Vốn (J-CAP), BIDV đã hoàn tất xây dựng và ban hành khung trái phiếu xanh với các thông lệ quốc tế tốt nhất phù hợp với nguyên tắc trái phiếu xanh của ICMA. J-CAP. Khung Trái phiếu xanh của BIDV được Tổ chức Đánh giá Tín nhiệm Moody’s đánh giá rất cao với mức xếp hạng SQS2 (very good – rất tốt) là mức cao thứ hai trong tổng năm bậc xếp hạng.
Theo đánh giá của Moody’s, BIDV đã xây dựng Khung Trái phiếu xanh chính thức bao gồm bốn trụ cột tuân thủ Nguyên tắc trái phiếu xanh của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA) năm 2021 (bao gồm Phụ lục 1 tháng 6 năm 2022) đồng thời thể hiện những đóng góp đáng kể cho sự phát triển bền vững.
Tính đến 30/9/2023, BIDV đã tài trợ cho khoảng 1.500 khách hàng với 1.900 dự án/phương án tín dụng xanh với tổng dư nợ lên tới 71.000 tỷ đồng chiếm xấp xỉ 5% tổng dư nợ của BIDV, tăng 11% so với năm 2022.