| Hotline: 0983.970.780

Bê bết dự án hồ chứa thủy lợi gần 300 tỷ đồng

Thứ Sáu 30/06/2023 , 08:58 (GMT+7)

Sau 5 năm triển khai thi công, dự án hồ chứa nước có mức đầu tư gần 300 tỷ đồng vẫn chưa thể hoàn thành, gây ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Dự án hồ chứa nước Lộc Đại có mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng với dung tích hữu ích khoảng 4,4 triệu m2 nước. Ảnh: L.K.

Dự án hồ chứa nước Lộc Đại có mức đầu tư hơn 290 tỷ đồng với dung tích hữu ích khoảng 4,4 triệu m2 nước. Ảnh: L.K.

5 năm vẫn ngổn ngang

Tháng 3/2018, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Lộc Đại tại xã Quế Hiệp (huyện Quế Sơn) trên diện tích rộng hơn 66ha. Đây là dự án nằm trong Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu - tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

Công trình do Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 290 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước, trong đó chi phí xây lắp 196 tỷ đồng. Theo thiết kế, hồ chứa nước Lộc Đại sẽ có dung tích hữu ích khoảng 4,4 triệu m3 cùng hệ thống kênh bằng bê tông cốt thép có tổng chiều dài hơn 13km.

Thời gian thực hiện dự án dự kiến trong vòng 2 năm (từ 2018 - 2020). Sau khi hồ chứa đi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp nước tưới cho 500ha đất canh tác nông nghiệp của 2 xã Quế Hiệp và Quế Thuận. Đồng thời góp phần cắt lũ thượng nguồn và giảm nhẹ ngập lụt hạ lưu. Thế nhưng, đến nay đã quá thời gian gần 3 năm nhưng dự án vẫn còn trong tình trạng dở dang.

Theo ghi nhận, hiện nay, công trình mới chỉ hoàn thành được hạng mục cống lấy nước, tràn xả lũ. Phần thân đập chính, lòng hồ và kênh tưới vẫn đang trong quá trình thi công.

Sau 5 năm triển khai, đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: L.K.

Sau 5 năm triển khai, đến nay công trình vẫn chưa thể hoàn thành. Ảnh: L.K.

Việc chậm tiến độ, thi công ì ạch thời gian qua đã gây ra không ít hệ lụy, khiến người dân địa phương  bức xúc. Với mục tiêu tích cực là đáp ứng nhu cầu nước tưới cho hàng trăm ha lúa thì bây giờ, ruộng đồng của bà con đang bị ảnh hưởng lớn do quá trình thi công gây ra như hiện tượng bồi lấp kênh mương, ô nhiễm môi trường…

Người dân khốn khổ

“Mương dẫn nước cũ mà người dân chúng tôi đang sử dụng do ảnh hưởng của việc thi công hồ chứa này bây giờ đã xói lở khắp nơi nên ruộng nương khó sản xuất lắm. Chúng tôi cũng mong sao các ngành chức năng sớm hoàn thành công trình để chấm dứt tình trạng bồi lấp, xói lở và lấy nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Hạnh (trú thôn Lộc Đại, Quế Hiệp, Quế Sơn) chia sẻ.

Ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết, công trình hồ chứa Lộc Đại sau 5 năm triển khai vẫn chưa hoàn thành là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đặc biệt là vấn đề thiếu đất đắp thân đập.

Trước khi triển khai dự án, chủ đầu tư dự kiến lấy 5 mỏ đất tại địa phương để phục vụ thi công. Tuy nhiên, qua kiểm tra thì cả 5 mỏ đều không thể khai thác vì người dân không đồng thuận.

Công trình mới chỉ hoàn thiện được 1 số hạng mục. Ảnh: L.K.

Công trình mới chỉ hoàn thiện được 1 số hạng mục. Ảnh: L.K.

“Một số mỏ khác thì chất lượng đất không đảm bảo quy chuẩn để xây dựng thân đập. Loại đất đắp thân đập phải đặc biệt, vì nó có thể chống rò rỉ nước, tránh việc gây vỡ thân đập. Vừa qua, địa phương cùng với chủ đầu tư đã khảo sát và chọn mỏ đất Nỗng Trọc gần đó để khai thác. Thủ tục xin cấp phép khai thác mỏ đang được triển khai”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, ngoài nguyên nhân thiếu đất đắp nói trên thì hồ chứa nước Lộc Đại chậm tiến độ cũng do việc khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Hiện nay, còn khoảng hơn 4ha trong lòng hồ có tranh chấp giữa các hộ dân về lịch sử nguồn gốc sử dụng đất và tòa án đang giải quyết việc tranh chấp này.

Về phía đại diện chủ đầu tư, ông Hồ Huy Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý dự án 2 (BQL dự án Đầu tư - Xây dựng tỉnh Quảng Nam) cho rằng, mặc dù dự án được phê duyệt vào đầu tháng 3/2018 nhưng phải đến tháng 11/2019 mới bắt đầu thi công. Trong quá trình triển khai, dự án phải chuyển đổi hơn 22ha rừng phòng hộ bị ảnh hưởng, thời gian làm thủ tục để xin ý kiến của Chính phủ mất hơn 1 năm.

“Sau đó còn liên quan đến vướng mắc về mồ mả của người dân trong phần diện tích bị thu hồi. Địa phương bàn giao mặt bằng đến đâu, chúng tôi cho thi công đến đó. Hiện, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trong lòng hồ vẫn chưa xong. Tuyến kênh cũng chưa có mặt bằng; nguồn đất để đắp đập chính vẫn chưa có. Với những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh đã cho gia hạn triển khai dự án đến năm 2025”, ông Quỳnh thông tin.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.