| Hotline: 0983.970.780

Bệ đỡ cho nông dân thoát nghèo

Thứ Hai 28/10/2024 , 18:03 (GMT+7)

Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, UBND xã Trà Đa đã hỗ trợ nhiều nông dân máy móc, ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hỗ trợ máy móc cho nông dân sản xuất. Ảnh: Mai Chiến.

Hỗ trợ máy móc cho nông dân sản xuất. Ảnh: Mai Chiến.

Xã Trà Đa (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có gần 1.500 hộ dân với hơn 6.300 nhân khẩu, trong đó 15 hộ với 49 nhân khẩu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và lao động tự do nên còn nhiều khó khăn.

Gia đình bà Trần Thị Phượng (thôn 4, xã Trà Đa) từ lâu luôn rơi vào gặp cảnh thiếu thốn, khó khăn. Gia đình bà trồng cà phê, nhưng do chồng bị đau ốm, con cái còn nhỏ nên mọi việc đều một tay bà quán xuyến. Chính vì kinh tế gia định hạn hẹp nên việc đầu tư máy móc phục vụ sản xuất gần như không có với gia đình bà Phượng. Thấu hiểu hoàn cảnh đó, UBDN xã Trà Đa đã mạnh dạn kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ cho gia đình bà 1 ngôi nhà cấp 4 khang trang và tài trợ thêm chiếc máy cày đa năng. Nhận món quà ý nghĩ, bà Phượng cảm động cho biết: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền xã, các ban ngành đoàn thể. Có được nhà và máy cày để sản xuất, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống”.

Không chỉ riêng bà Phượng, trên địa bàn xã có rất nhiều người dân nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương. Các hình thức giúp đỡ đa dạng như hỗ trợ bò sinh sản, vốn sản xuất, hỗ trợ xây nhà tình thương, nông ngư cụ.

Trên gương mặt khắc khổ, ông Hà Hồng Ngự (thôn 5, xã Trà Đa) cho biết: “Bao nhiêu năm làm ăn mà tài sản gia đình chưa có cái gì đáng quý, nay được UBND xã trao tặng bò sinh sản tôi rất vui. Từ nay tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt, nhanh sinh sản để thoát khỏi cái nghèo”.

Không những vậy, vừa qua gia đình ông Ngự còn được UBND xã kết nối với Sư đoàn 371 hỗ trợ 50 triệu đồng, Quỹ vì người nghèo xã Trà Đa hỗ trợ 10 triệu đồng để xây nhà “Đại đoàn kết”. Cùng với sự cố gắng từ bản thân, gia đình ông Ngự đã có được căn nhà khang trang và vươn lên thoát hộ cận nghèo năm 2024.

Hỗ trợ bò cho nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Chiến.

Hỗ trợ bò cho nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: Mai Chiến.

Theo UBND xã Trà Đa, trong năm 2023 với các nguồn lực từ quỹ “Vì người nghèo” của TP. Pleiku và UBND xã Trà Đa, các doanh nghiệp, mạnh thường quân đã khảo sát, nắm bắt tình hình đời sống, nhu cầu cụ thể của từng hộ nghèo để làm cơ sở cho việc hỗ trợ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, UBND xã huy động đoàn thanh niên, cán bộ địa chính nông nghiệp, các thành viên có trách nhiệm phối hợp với cấp ủy chi bộ, thôn trưởng trực tiếp hướng dẫn, giám sát nông dân sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo.

Ông Lê Ngọc Tường, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Đa cho biết, thời gian qua chúng tôi thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách của Trung ương và và địa phương về việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 xác định công tác xoá đói giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị của cả hệ thống trên toàn xã. Đến nay, xã Trà Đa không còn hộ nghèo, trong khi đó còn 9 hộ cận nghèo (giảm 2 hộ so với năm 2023), vượt chỉ tiêu thành phố giao về công tác giảm nghèo.

Ngoài ra, UBND xã Trà Đa thường xuyên nhận được sự quan tâm chỉ đạo của UBND TP. Pleiku trong việc triển khai đầy đủ các chủ trương chính sách đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

“Xã Trà Đa đang từng ngày thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo, từ việc nắm bắt các chủ trương chính sách đến hành động cụ thể mang lại hiệu quả thiết thực hơn với từng hộ gia đình được hỗ trợ. Minh chứng đã có rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, cận nghèo sau khi tham gia các mô hình hỗ trợ sinh kế”, ông Tường chia sẻ.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.