Chiều 3/7, TS.BS Phan Tứ Quí, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, bé trai G.A.P (13 tuổi, dân tộc H'Mông, ngụ tỉnh Đăk Nông) đã tử vong do mắc bệnh bạch hầu.
Bệnh nhân P. tổn thương cơ tim nặng dần, cơ tim bị phá hủy, rối loạn nhịp tăng dần, dẫn đến suy giảm chức năng co bóp, khiến tim ngừng đập.
Theo bác sĩ Qúi, từ khi nhập viện đến nay, tình trạng bệnh nhi liên tục chuyển biến xấu, viêm cơ tim nặng hơn, suy tim, men tim tăng gấp 20 – 30 lần so với bình thường…
"Bệnh viện đã điều trị hỗ trợ tích cực tim mạch, dùng thuốc hỗ trợ tim mạch chờ phục hồi. Tuy nhiên, bệnh nhi không qua khỏi".
Đối với trường hợp bệnh bạch hầu biến chứng nặng, tổn thương nhiều như bệnh nhi này, theo bác sĩ Phan Tứ Quí thì nguy cơ tử vong đến 70-80%.
Trước đó, bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện địa phương và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên trong tình trạng sốt, ho, đau họng, cổ bạnh, khó thở thanh quản, nhiễm độc nhiễm trùng nặng.
Được biết, bệnh nhi chưa được tiêm phòng vắc-xin trước đây. Bệnh nhi được chẩn đoán mắc hạch hầu ác tính, biến chứng viêm cơ tim, suy hô hấp kéo dài.
Tình trạng bệnh của bệnh nhi ngày càng nguy kịch, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã chuyển bệnh nhi xuống Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để điều trị.
Đêm 25/6, bé P. được đặt máy tạo nhịp tim cùng các biện pháp hỗ trợ tình trạng suy tim như hỗ trợ hô hấp tích cực, tránh gắng sức, sử dụng các thuốc trợ tim…
Đây là bệnh nhi mắc bệnh bạch hầu thứ 2 tử vong của Đắk Nông trong những ngày qua. Trước đó, một bệnh nhi 9 tuổi khác cũng đã tử vong vào ngày 20/6 sau 2 giờ chuyển từ tỉnh Đắk Nông xuống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.
Như vậy, đến nay, Đăk Nông đã ghi nhận 15 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 2 trường hợp bệnh nhi tử vong.
Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.
Vì vậy, tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Do đó, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.