| Hotline: 0983.970.780

Cơ chế lây nhiễm bệnh bạch hầu khác với Covid-19, người dân không nên hoang mang

Thứ Bảy 04/07/2020 , 08:01 (GMT+7)

Bệnh bạch hầu do một loại vi khuẩn gây ra, lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân/người lành mang trùng.

Khu cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khu cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phòng ngừa vi khuẩn bạch hầu giống như phòng ngừa virus Corona

Theo báo cáo của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, năm 2019, toàn quốc có tất cả 53 ca mắc bạch hầu, trong đó có 5 ca tử vong. Các trường hợp bệnh tập trung chủ yếu ở các khu vực miền núi thuộc miền Trung và Tây Nguyên, những nơi mà việc tiêm chủng đầy đủ chưa được bao phủ.

Trong tháng 6/2020, tại ĐăkNông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó một trường hợp tử vong. Còn tại TP.HCM cũng ghi nhận 1 ca mắc bệnh bạch hầu đã được điều trị khỏi bệnh tại BV Quân y 175. Trước diễn biến của bệnh bạch hầu, nhiều người lo ngại khi dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp trên thế giới.

Trao đổi với phóng viên về trường hợp mắc bệnh bạch hầu đầu tiên tại TP.HCM từ đầu năm đến nay, Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ngày 19/6, sau khi có biểu hiện sốt, đau họng hai ngày, nam bệnh nhân (20 tuổi) đến khám chuyên khoa Tai mũi họng.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện trong thành họng bệnh nhân có giả mạc nghi ngờ bạch hầu và gửi mẫu qua Khoa vi sinh vật của bệnh viện, và Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm, kết quả cho thấy hai mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân đều có vi khuẩn bạch hầu.

Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đại tá, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc Phòng). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo Đại tá Việt, bệnh nhân này được điều trị theo phác đồ dùng kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố bạch hầu.

Tuy nhiên, đây là bệnh rất hiếm xuất hiện nên nguồn dự trữ huyết thanh không có sẵn, vì vậy BV Quân y 175 đã liên hệ với các đơn vị khắc thuộc khu vực phía Nam cũng không có. Vì vậy, bệnh viện Quân y 175 đã liên hệ một đơn vị ở Hà Nội để chuyển huyết thanh vào bằng đường hàng không để điều trị cho nam bệnh nhân này.

“Chúng tôi đã nhập 10 liều huyết thanh để dự trữ sẵn trong trường hợp có bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu thời gian tới”, Đại tá Việt cho hay.

Cũng theo Đại tá Trần Quốc Việt, bệnh bạch hầu do một loại vi khuẩn gây ra, lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc của người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh. Đường lây này giống như virus Corona.

Tuy nhiên, kích thước của vi khuẩn bạch hầu nặng gấp 10-20 lần virus SARS-CoV-2 nên khó lây hơn và thường nằm ở bề mặt. Vi khuẩn này chủ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp, và tạo ra độc tố ảnh hưởng đến các cơ quan khác. Thời gian ủ bệnh là 2 - 5 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây.

“Đường lây là tương tự như nhau, nhưng cơ chế lây nhiễm khác hẳn với Covid-19, người dân không nên hoang mang. Với các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 chúng ta đã làm cũng áp dụng với phòng ngừa bệnh bạch hầu là rất tốt”, Đại tá Việt chia sẻ.

Chiều 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người H’Mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vắc xin TD trong đợt này là 274 người. Ảnh: BYT.

Chiều 28/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dẫn đầu đoàn của Bộ Y tế tới kiểm tra công tác phòng chống dịch bạch hầu tại xã Quang Hòa, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Thôn có 73 hộ với 321 khẩu, tất cả đều là người dân tộc thiểu số, trong đó người H’Mông chiếm 98,6%, hộ nghèo chiếm 95,8%. Tổng số người cần tiêm chủng bổ sung vắc xin TD trong đợt này là 274 người. Ảnh: BYT.

Phòng bệnh bạch hầu: cần tiêm vắc xin đủ mũi

Theo ThS.BS Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bạch hầu họng khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn tương tự một số bệnh viêm mũi họng khác.

Sau 2-3 ngày giả mạc bạch hầu xuất hiện, lan nhanh gây bít đường thở. Giả mạc bạch hầu có màu trắng hay xanh đen, bám chặt, dai khó tan, lấy giả mạc dễ chảy máu.

Nó khác với giả mạc viêm họng viêm amygdal khác thường dễ lấy. Ngoài ra, bạch hầu có thể gây nhiễm trùng da (mụn nước có mủ ở chân, bàn chân và bàn tay; vết loét lớn bao quanh khu vực da bị đỏ, đau)…

Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày.

Tỷ lệ tử vong khoảng 5% – 10%, ở những người dưới 5 tuổi và trên 40 tuổi tỷ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%. Bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bạch hầu khi phân lập vi khuẩn bạch hầu dương tính từ mẫu bệnh phẩm như chất dịch nhầy ở thành họng hoặc giả mạc tại chỗ viêm.

Vì vậy, theo bác sĩ Nga, tất cả những người chưa từng được tiêm chủng đầy đủ vắc xin bạch hầu đều có thể bị bệnh. Do đó, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả vì có thể làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.

Trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam, vắc xin phòng bệnh bạch hầu đã được đưa vào tiêm từ hơn 30 năm nay. Mọi trẻ em phải được tiêm phòng bệnh bạch hầu trong thành phần vắc xin phối hợp (DPT-VGB-HiB hoặc DaPT-VGB-HiB-IPV) gồm 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng bắt đầu từ lúc trẻ được 2 tháng tuổi và tiêm nhắc mũi thứ 4 lúc trẻ 18 tháng tuổi.

Cũng theo bác sĩ Nga, do thời gian qua phòng ngừa dịch Covid-19, nên có thời gian hoạt động tiêm chủng phải tạm ngưng. Bên cạnh đó, tâm lý lo lắng bị nhiễm bệnh khi đến nơi công cộng nên một số gia đình chưa đưa trẻ em đi tiêm chủng đúng lịch dẫn đến tiến độ bao phủ vắc xin cho trẻ em bị chậm lại.

Đến nay, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã được kiểm soát, hoạt động tiêm chủng đã được tổ chức lại trong trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng lây nhiễm Covid 19.

“Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin bắt buộc. Hoặc có thể chọn lựa vắc xin miễn phí tại các cơ sở Tiêm chủng mở rộng hoặc vắc xin có trả phí tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ cho liệu trình tiêm chủng bắt buộc này”, bác sĩ Nga khuyến cáo.

Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm nhưng sẽ giảm dần theo thời gian. Do vậy, theo bác sĩ Nga, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần tiêm vắc xin nhắc để duy trì mức độ bảo vệ.

Cũng theo bác sĩ Lê Hồng Nga, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.

Vì vậy, điều quan trọng trong việc điều trị bạch hầu là sử dụng kháng độc tố (SAD) càng sớm càng tốt sau khi phát bệnh vì thuốc sẽ không còn tác dụng khi độc tố đã xâm nhập vào tế bào. Sử dụng kháng sinh cũng rất cần thiết vì bệnh thường không lây sau 48 giờ dùng kháng sinh. Ngoài ra, bệnh nhân bạch hầu cần phải được theo dõi sát sao để phát hiện các biến chứng cũng như chống bội nhiễm.

“Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân như sống cùng gia đình, nhân viên y tế, dùng chung đồ dùng cá nhân, dụng cụ ăn uống, người chăm sóc... phải dùng kháng sinh dự phòng là Benzathine Penicillin hoặc Erythromycin từ 7 – 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp dự phòng không dùng thuốc như vệ sinh cá nhân, vệ sinh khử khuẩn đồ dùng của bệnh nhân, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho những người chưa tiêm chủng đầy đủ”, bác sĩ Hồng Nga khuyến cáo.

(Kiến thức gia đình số 27)

Xem thêm
Phẫu thuật robot điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ

TP.HCM Bệnh viện Bình Dân vừa thực hiện phẫu thuật robot cắt khối tá tụy điều trị ung thư đoạn cuối ống mật chủ cho nam bệnh nhân 43 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Nấm linh chi có giúp ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ không?

Nấm linh chi có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, nên nhiều người cho rằng có thể dùng nấm linh chi để chống lại sự tấn công của những virus có hại.