| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, vai trò làm chủ của nông dân

Thứ Năm 07/12/2023 , 09:52 (GMT+7)

Trên tinh thần nghị quyết 19-NQ/TW, tỉnh Bến Tre triển khai hiệu quả nhiều chương trình hành động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao vai trò làm chủ của nông dân.

Nhiều HTX ở Bến Tre bắt đầu hiểu được cơ chế phát triển thị trường, chủ động liên kết và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Kiều Trang.

Nhiều HTX ở Bến Tre bắt đầu hiểu được cơ chế phát triển thị trường, chủ động liên kết và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ảnh: Kiều Trang.

Nhằm triển khai sâu rộng nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình số 30-CTr/TU chỉ đạo việc học tập, quán triệt, tổ chức tuyên truyền thực hiện tinh thần nghị quyết. 

Tiếp đó, UBND tỉnh Bến Tre triển khai kế hoạch số 378/KH-UBND giao nhiệm vụ cho các Sở, ban ngành và địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hoặc lồng ghép vào kế hoạch của ngành, đơn vị để triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre khuyến khích các thành viên tham gia xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ; thành lập các HTX/THT, doanh nghiệp phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với tuyên truyền, vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”.

Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn nhưng kết quả sau một năm triển khai thực hiện nghị quyết số 19-NQ/TW cho thấy, Bến Tre đã từng bước chuyển đổi hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái. Hiện nay, địa phương đã thực hiện thành công nhiều nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng, giá trị cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Nét nổi bật trong ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre hiện nay là địa phương có 67 THT, 71 HTX, bước đầu xây dựng nên vùng sản xuất tập trung, hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực đáp ứng nhu cầu thị trường, nhu cầu nguyên liệu cho cơ sở chế biến nông sản.

Theo đó, việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, cấp mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cho các sản phẩm chủ lực cũng được địa phương quan tâm thực hiện.

Ngoài ra, Sở NN-PTNT phối hợp Sở Khoa học Công nghệ, Sở Công thương cùng các ban ngành liên quan đẩy mạnh xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, cũng như xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá tìm, kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Đến tháng 11/2023, Bến Tre có hơn 25.000ha diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP và tương đương. Trong đó, 18.000ha dừa, 667ha cây ăn trái, hơn 6.200ha thủy sản; 36 vùng trồng xuất khẩu (71 mã số) với diện tích gần 600ha; có 13 mã số vùng trồng nội địa với tổng diện tích 642ha.

Về chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, lũy kế đến 11/2023, trên địa bàn tỉnh có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Trong đó có 154 sản phẩm 3 sao, 86 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao với 105 chủ thể OCOP.

Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: HTX Nông nghiệp Tân Phú.

Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh xúc tiến thương mại hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Ảnh: HTX Nông nghiệp Tân Phú.

Giai đoạn 2021 - 2022, địa phương đã hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 16 HTX nông nghiệp; thực hiện công bố 4 nhãn hiệu cộng đồng nâng tổng số nhãn hiệu cộng đồng của tỉnh lên 46 nhãn hiệu; Tạo lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu; Cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” và “Cái Mơn”.

Ngoài ra, tỉnh Bến Tre đặt biệt quan tâm đến hoạt động thúc đẩy chương trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp do chương trình đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng hiện đại, hỗ trợ chuyển hướng nâng cao giá trị gia tăng.

Địa phương đang triển khai xây dựng phân hệ phần mềm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản. Phân hệ phần mềm về bản đồ GIS giám sát và dự báo môi trường nước trong quản lý nghêu ở các huyện. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh và các HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện theo nghị quyết 19-NQ/TW, tỉnh Bến Tre định hướng nâng cao vai trò cũng như khả năng làm chủ của nông dân tại khu vực nông thôn; Xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Theo đó, để nâng cao vai trò, năng lực làm chủ cũng như cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2023, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư khoảng 62.270 tỷ đồng xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp, thu hút 28 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 7.839 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 9.953 lao động. 

Mặt khác, địa phương tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 96 xã đạt chuẩn NTM đạt 69,1% so với mục tiêu đến năm 2030. Song song đó, Bến Tre đẩy mạnh đổi mới và phát triển các HTX/THT nông nghiệp, kinh tế trang trại theo hướng chú trọng khâu liên kết giữa nông dân, tổ chức hợp tác của nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản.

Ông Võ Tiến Sĩ, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre đánh giá hiện nay hoạt động sản xuất của HTX/THT đã có sự chuyển biến tốt, nhiều HTX bắt đầu hiểu được cơ chế phát triển thị trường, chủ động liên kết và sản xuất sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững; có thể ứng dụng quy trình sản xuất hữu cơ, GAP một cách bài bản, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp dần dần hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ vỏ dừa, gáo dừa như đệm xơ dừa, thảm xơ dừa, than hoạt tính gáo dừa. Ảnh: Kiều Trang.

Tỉnh Bến Tre đẩy mạnh phát triển các sản phẩm từ vỏ dừa, gáo dừa như đệm xơ dừa, thảm xơ dừa, than hoạt tính gáo dừa. Ảnh: Kiều Trang.

Ngoài ra, Bến Tre đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên; khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Về định hướng phát triển, tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục triển khai, quán triệt sâu rộng ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 19-NQ/TW, Chương trình số 30-CTr/TU và các Chương trình, Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bến Tre sẽ tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, an toàn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo từng vùng sinh thái. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực gắn với truy xuất nguồn gốc, chế biến và thị trường tiêu thụ, tập trung thực hiện các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu

Đối với lĩnh vực nông thôn và nông dân, địa phương tiếp tục đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tổ chức hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm kết nối, mở rộng thị trường; triển khai các chương trình đào tạo cho lao động nông thôn.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đội Bình nghĩa sĩ Hà thành muôn thuở chẳng phai mờ

Ông Đặng Đình Tân - nguyên Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ cho biết, để ghi công cụ Đội Bình, tổng Đại Bối đổi tên thành tổng Đội Bình, nay là xã Đội Bình.

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.