Hiện nay, Bến Tre là một trong số các địa phương có đoàn tàu đánh bắt hải sản lớn ở ĐBSCL. Cùng với việc nỗ lực trong khai thác tạo nguồn thu nhập ổn định đời sống, bà con ngư dân ở địa phương này đang tích cực thực hiện đúng các quy định trong khai thác, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ thẻ vàng IUU.
Ông Trần Văn Ích, ngư dân tại xã Tân Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho biết làm nghề khai thác hải sản gần 20 năm qua. Hiện gia đình ông có 3 tàu khai thác hải sản, trong đó có 1 tàu đánh bắt xa bờ. Gần đây, giá xăng dầu tăng cao khiến nghề đánh bắt hải sản gặp khó nhưng tàu của ông luôn chấp hành các quy định, tuyệt đối không vi phạm vùng biển nước ngoài. “Tàu có gắn thiết bị giám sát hành trình, luôn luôn mở máy, ra biển có ghi chép nhật ký đầy đủ, về báo cảng đầy đủ hết. Bây giờ mình đi đánh bắt sai tuyến, ví dụ như vượt ranh sẽ bị phạt không có nguồn thu”, ông Ích nói.
Đoàn tàu khai thác hải sản của địa phương có đến trên 2.760 phương tiện, trong đó có hơn 2.000 tàu khai thác xa bờ. Tổng sản lượng khai thác hải sản hàng năm hơn 200 ngàn tấn.
Để phòng chống khai thác IUU đạt hiệu quả, các ngành chức năng của tỉnh như Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Cảng cá đã kết hợp với chính quyền 3 huyện ven biển, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động xa khơi. Bên cạnh đó, cấp ủy chính quyền các địa phương có tàu cá còn phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ chủ tàu cá, tuyên truyền, vận động ngư dân không vi phạm IUU. Năm nay, hình thức tuyên truyền qua tin nhắn SMS đến các chủ tàu cá và thuyền trưởng đã tiếp cận được hơn 2.350 lượt ngư dân. Những nội dung tin nhắn được các cơ quan chức năng địa phương chọn lọc từ Luật Thủy sản, Nghị định số 42 của Chính phủ và các văn bản các cấp có liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản.
Huyện Bình Đại có đoàn tàu khai thác hải sản là 1.166 phương tiện, trong đó có 580 tàu khai thác xa bờ. Năm nay, ngư dân địa phương khắc phục khó khăn, có kế hoạch chủ động trong khai thác để tiết kiệm chi phí, đảm bảo hiệu quả. Ước sản lượng cả năm đạt hơn 86.200 tấn thủy sản các loại. Điều đáng ghi nhận là qua công tác tuyên truyền, kiểm tra giám sát của các ngành, các cấp thời gian gần đây các tàu cá ở địa phương đều chấp hành tốt các cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chính vì vậy, đoàn tàu đánh bắt xa bờ của Bến Tre không có trường hợp nào vi phạm vùng biển nước ngoài.
Ông Huỳnh Văn Mai, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, đối với trường hợp vi phạm IUU, Ban Chỉ đạo huyện xử lý rất quyết liệt. Các ghe đánh bắt gần bờ đều đã đăng ký, đăng kiểm hết chỉ còn vài chiếc đang nằm bờ. Đối với các ghe, tàu không thực hiện tốt, UBND huyện đề nghị Biên phòng, Công an xử lý quyết liệt. “Khi nghe thông tin tàu đêm nay xuất bến là phải nắm bắt, kiểm tra ngay từ ở xóm, ấp. Đồng chí Chủ tịch huyện chỉ đạo xã nào làm không xong phải chịu trách nhiệm”, ông Huỳnh Văn Mai nhấn mạnh.
Để phòng chống IUU trong giai đoạn “nước rút”, phấn đấu cùng cả nước đến đầu năm tới được EC tháo “thẻ vàng”, tỉnh Bến Tre tiếp tục phối hợp với 8 tỉnh ven biển trong công tác quản lý tàu cá, đồng thời ký quy chế phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng quyết liệt chống khai thác IUU.
Đến nay, tất cả tàu cá tham gia khai thác xa bờ đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và duy trì khi hoạt động, công tác cập rời cảng chấp hành tốt, bảo đảm thủ tục đầy đủ khi đi khai thác như giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, ghi nhật ký khai thác. Từ đầu năm đến nay, số lượng phương tiện khai thác thủy sản vượt ranh giảm mạnh, đặc biệt không có tàu cá nào bị bắt giữ do đánh bắt trên vùng biển nước ngoài.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết thêm, tỉnh cũng ký kết phối hợp với Cảnh sát biển vùng III, Vùng IV trong công tác chống khai thác IUU. Qua triển khai đã đem lại hiệu quả nhất định, ngoài việc trao đổi thông tin các bên còn phối hợp xử lý vi phạm trên biển.