| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tích nước trữ ngọt, đề phòng mặn xâm nhập sâu

Thứ Hai 13/02/2023 , 07:15 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện nay, các địa phương ven biển vùng ĐBSCL đang tích cực vận hành các công trình tích trữ nước ngọt đề phòng đợt xâm nhập mặn vào con nước cuối tháng 2 tới.

Bến Tre: Thành lập Tổ ứng phó nhanh với xâm nhập mặn

Theo ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Bến Tre: So với năm ngoái cũng như trung bình nhiều năm, năm nay, tình hình xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn và sâu. Trên sông Cổ Chiên trong đợt xâm nhập mặn vừa qua, độ mặn 0,2‰ lấn sâu đến xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách. Theo dự báo, đây sẽ là ranh mặn sâu nhất của đợt xâm nhập mặn cuối tháng 2 này trên cả 3 sông chính của tỉnh Bến Tre.

Empty

Nông dân Chợ Lách tích nước trữ ngọt trong hồ nổi phòng chống hạn mặn. Ảnh: Minh Đảm.

Trên sông Hàm Luông, nước mặn cũng sẽ xâm nhập sâu, tại xã Hoà Nghĩa (huyện Chợ Lách) là 0,3 - 0,5‰, tại Vàm Mơn (cũng huyện Chợ Lách) khoảng trên 3‰. Tuy nhiên, ông Lam nhận định vẫn có nước ngọt cho khu vực Chợ Lách tại nhánh sông Hàm Luông. Riêng tại sông Cửa Đại, xâm nhập mặn cũng sẽ tương đương với đợt vừa qua.

Dự báo từ ngày 14 - 15/02, độ mặn trên các sông sẽ tăng trở lại. Đồng thời, dự báo sẽ có gió, tuy không mạnh nhưng biển động nhiều và trùng với thời gian con nước lớn cuối tháng 2 - đầu tháng 3. Vì vậy, các địa phương trong tỉnh cần chủ động đo độ mặn và vận hành các cống tích trữ nước ngọt.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre cho rằng: Vừa qua, công tác dự báo xuyên suốt và chính xác về tình hình xâm nhập mặn. Hiện các địa phương trong tỉnh đã có sự chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó. Sở NN-PTNT Bến Tre sẽ phối hợp với các địa phương thành lập Tổ ứng phó nhanh với tình hình xâm nhập mặn, ngành chức năng và các địa phương cần chủ động phối hợp ứng phó hiệu quả với. Sở NN-PTNT Bến Tre đã ra phương án cố gắng cao nhất không để xảy ra thiệt hại do xâm nhập mặn...

Trà Vinh: Khẩn trương tích nước ngọt

Vụ lúa đông xuân 2022 - 2023, nông dân tỉnh Trà Vinh đã xuống hơn 61.000ha. Đến nay, mới chỉ thu hoạch được hơn 5.000ha tại huyện Càng Long. Còn khoảng 55.000ha đang trong giai đoạn đẻ nhánh, đòng - trổ đang rất cần nguồn nước. Số liệu ngày 8/2, mực nước nội đồng dao động từ +0,4 - +0,5m. Mực nước này chỉ vừa đủ bơm lấy nước trong một đợt.

Empty

Lúa đông xuân ở Trà Vinh đang trong giai đoạn đòng - trổ, rất cần nước ngọt. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng từ chiều 8/2, độ mặn trên các sông Cổ Chiên, sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh Trà Vinh giảm nên đơn vị vận hành đã mở cống lấy nước tại một số cống như cống Tân Dinh, cống Cái Hóp. Các đơn vị vận hành cho hay, trong thời gian mặn giảm, đơn vị tranh thủ lấy nước tích trữ nội đồng, chỉ cần lấy nước thêm một đợt này nữa là đủ phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Ông Lê Phước Dũng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho hay: Công ty sẽ tập trung mọi nguồn lực cho công tác vận hành công trình thủy lợi hợp lý, linh hoạt về ngăn mặn, trữ ngọt từ tháng 1/2023 đến hết tháng 5/2023. Cụ thể, từ đầu năm, các cống đầu mối ven sông Cổ Chiên, sông Hậu trên địa bàn toàn tỉnh chuyển sang chế độ vận hành theo hướng ngăn mặn, tích nước ngọt, hạn chế tiêu xổ. Luôn đảm bảo có đủ nguồn nước ngọt đệm trong nội đồng. Tất cả các cống nội đồng chuyển sang chế độ vận hành theo hướng "cho vào không cho ra" để chủ động tích trữ nước ngọt, chỉ thực hiện việc tiêu xổ nước, tiêu ô nhiễm khi thật cần thiết.

Đồng thời, Công ty đã tăng cường công tác quan trắc độ mặn, cột nước ở các điểm đo chính trên sông Cổ Chiên, sông Hậu, ở tất cả các cống đầu mối chính cho đến các điểm đo ở nội đồng. Tăng cường kiểm tra các công trình, nhất là các công trình cống đầu mối xung yếu, các điểm cống, bọng có nguy cơ rò rỉ xâm nhập mặn để phát hiện và xử lý kịp thời.

Công ty Khai thác công trình thuỷ lợi các địa phương đàn tích cực vận hành tích nước, trữngọt khi độ mặn giảm dưới 1‰. Ảnh: Minh Đảm.

Công ty khai thác công trình thuỷ lợi các địa phương ĐBSCL đang tích cực vận hành tích nước, trữ ngọt khi độ mặn giảm dưới 1‰. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, Công ty cũng tiến hành đóng triệt tất cả các cửa cống khi mặn xuất hiện độ mặn hơn 1‰ trên các sông chính (sông Cổ Chiên, sông Hậu). Mặn trên 1‰ xuất hiện đến đâu thì đóng cửa ngăn mặn đến đó, trừ một số cống phục vụ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh cũng đã rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt của nhân dân. Bên cạnh đó, chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.

Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết, để chủ động ứng phó xâm nhập mặn, Chi cục đã thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn và kịp thời thông báo đến người dân biết để có kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đồng thời, khi độ mặn lớn hơn và bằng 1‰ xuất hiện tại các cống đầu mối, hệ thống cống sẽ đóng kín để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Khi độ mặn nhỏ hơn 1‰, hệ thống cống sẽ được mở để xổ phèn, tiếp nước phục vụ sản xuất và dân sinh.

Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi Trà Vinh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh theo sát tình hình xâm nhập mặn, qua đó vận hành, điều tiết các cống đầu mối phù hợp để đảm bảo ngăn mặn, chống triều cường và tiếp nước vào nội đồng khi độ mặn cho phép. Chi cục Thủy lợi cũng khuyến cáo người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, không sản xuất lúa ở những nơi không chủ động được nguồn nước.

“Nhìn chung, tình hình xâm nhập mặn không quá phức tạp, diễn biến tương tự như mùa khô năm 2021 - 2022. Từ giữa tháng 12/2022 mặn mới xâm nhập sâu về phía thượng nguồn theo con nước triều cường, sau đó giảm dần theo triều. Hiện tại, tình hình xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mực nước trong nội đồng vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Chính đánh giá.

Tiền Giang: Lúa đông xuân đã an toàn

Tại tỉnh Tiền Giang, ngày 11/2, độ mặn trên sông Tiền qua địa bàn TP Mỹ Tho giảm còn 0,4‰, tại Vàm Kỳ Hôn (huyện Chợ Gạo) chỉ dao động trên dưới 2‰. Để chủ động ứng phó nước mặn xâm nhập vào con nước lớn cuối tháng 2 - đầu tháng 3 tới, hệ thống cống ở địa bàn TP Mỹ Tho như cống Gò Cát, Bảo Định mở cửa, cán bộ trực 24/24 để lấy nước vào kênh nội đồng. Riêng cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) tổ chức lấy gạn khi độ mặn dưới 1‰, lúc nước ròng đẩy mặn về phía cửa sông.

Các cống ven kênh Chợ Gạo, sông Tra, sông Cửa Tiểu và ven đê biển Gò Công đã được đóng kín để ngăn mặn. Còn hệ thống cống ở các huyện phía tây là Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè đều mở cửa bình thường để lấy nước ngọt thường xuyên.

watermark_anh-1-1121_20230202_981-154230

Trà lúa đông xuân sớm của Tiền Giang hiện đã thu hoạch được mùa do không bị ảnh hưởng hạn mặn. Ảnh: LHV.

Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện hơn 21.000 ha lúa đông xuân khu vực phía đông của tỉnh đang trong giai đoạn từ đòng - trổ đến thu hoạch. Trong khi đó, mực nước trong kênh nội đồng còn ở mức cao và được cấp bổ sung thường xuyên nên không xảy ra thiệt hại. Đối với rau màu, cây ăn trái, nông dân cũng tăng cường trữ nước trong ao, hồ, mương vườn để đề phòng hạn mặn khắc nghiệt.

Ông Đỗ Thành Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi Tiền Giang cho biết: “Hiện nay, nước trong nội đồng của vùng dự án Ngọt hóa Gò Công còn khá. Lúa đã thu hoạch gần 60%, nhu cầu nước cũng ít nên bây giờ lấy nước vào trữ phục vụ cho rau màu, cây ăn trái mùa khô.

Chị Nguyễn Thị Kim Hoa, hộ trồng cây thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) cho biết: Nước ngọt dưới kênh mương còn nhiều, vườn thanh long tưới liên tục nên cây rất tốt và cho trái khá sai. Vụ này, giá thanh long gần 30 nghìn đồng/kg nên nhà vườn rất phấn khởi. Cây thanh long chịu khô hạn rất tốt nên bà con cũng không quá lo lắng. Mặt khác khi mặn tấn công thì các cống đóng kín, trữ nước ngọt bên trong nên cũng không sợ thiệt hại.

Mặn 4‰ có thể xâm nhập sâu đến 65km

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam: Mùa khô năm nay, mặn xâm nhập sớm hơn trung bình đến 1 tháng ở các vùng cửa sông ven biển và có thể diễn biến bất thường. Viện cảnh báo vùng ven biển ĐBSCL từ tháng 1 đến tháng 2 ranh mặn 4‰ xâm nhập sâu 40 - 50km và bất thường có thể làm mặn vào sâu 50 - 65km. Từ giữa tháng 3 đến cuối mùa khô, mặn có thể giảm, ranh mặn 4‰ xâm nhập ở mức 45 - 60km.

Trước nhận định trên, có thể xảy ra các tình huống rủi ro thiên tai sau: Rủi ro thiên tai cấp độ 1 trong trường hợp 2 cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn, với ranh giới độ mặn 4 ‰ xâm nhập vào sâu đến 35km tính từ cửa sông trong thời kỳ dài.

Rủi ro thiên tai cấp độ 2 trong trường hợp 2 cửa sông Cổ Chiên và sông Hậu bị nhiễm mặn với ranh giới độ mặn 4 ‰ xâm nhập vào sâu đến 50km tính từ cửa sông trong thời kỳ dài và nắng nóng, khô hạn, thiếu nước kéo dài nhiều tháng, nguồn nước ngọt trong sông bị thiếu hụt trên 40% so với trung bình nhiều năm.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.