Cũng theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh từ tháng 1/2023, độ mặn trên sông Cổ Chiên đo được là 3,5 ‰ (xuất hiện ngày 31/1/2023). Còn trên sông Hậu là 1,0 ‰ (xuất hiện ngày 31/1/2023). Mới đây, những ngày đầu 2/2023, đã xuất hiện đỉnh mặn trên 4‰ và xuất hiện xâm nhập sâu về phía thượng nguồn. Theo đó, trên sông Cổ Chiên trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, cách cửa biển khoảng 50km, độ mặn đo được là 5,9 ‰. Ở một diễn biến khác về phía sông Hậu tại cống Bông Bót, cách cửa biển 55km, độ mặn đo được đến 4,6 ‰.
Ông Nguyễn Trường Chinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết, để chủ động ứng phó xâm nhập mặn Chi cục thường xuyên theo dõi tình hình xâm nhập mặn và kịp thời thông báo đến người dân biết để có kế hoạch sử dụng nước phù hợp. Đồng thời, khi độ mặn lớn hơn và bằng 1 ‰ xuất hiện tại các cống đầu mối, hệ thống cống sẽ đóng kín để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng. Khi độ mặn nhỏ hơn 1 ‰, hệ thống cống sẽ được mở để xổ phèn, tiếp nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Ngoài ra, Chi cục Thủy lợi đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi theo sát tình hình xâm nhập mặn, qua đó vận hành điều tiết các cống đầu mối phù hợp để đảm bảo ngăn mặn, chống triều cường và tiếp nước vào nội đồng khi độ mặn cho phép. Chi cục Thủy lợi cũng khuyến cáo người dân xuống giống đúng lịch thời vụ, không sản xuất lúa ở những nơi không chủ động được nguồn nước.
"Nhìn chung tình hình xâm nhập mặn không quá phức tạp, diễn biến tương tự như mùa khô năm 2021 - 2022, từ giữa tháng 12/2022 mặn mới xâm nhập sâu về phía thượng nguồn theo con nước triều cường, sau đó giảm dần theo triều. Hiện tại tình hình xâm nhập mặn chưa ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, mực nước trong nội đồng vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp", ông Chinh nói.
Trước đó, tại địa bàn Vĩnh Long, độ mặn trên nhánh sông Cổ Chiên tăng từ 0,1 đến 1,1 ‰. Còn tại Tiền Giang, ngày 2/2, độ mặn tại vườn hoa Lạc Hồng (TP Mỹ Tho) đạt 1,14 ‰; tại cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo) đạt 3,6 ‰.