| Hotline: 0983.970.780

Bến Tre ứng phó biến đổi khí hậu

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:49 (GMT+7)

Dự án Quản lý rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Bến Tre do WB hỗ trợ đang phát huy rất tốt.

"Ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề cấp bách, vì vậy chúng ta phải hành động ngay từ bây giờ", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) cùng khẳng định tại chuyến thị sát đê biển Ba Tri và công trình cống đập Ba Lai (Bến Tre) do dự án WB4 tài trợ.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết: Bến Tre có diện tích tự nhiên hơn 2.375 km2, dân số khoảng 1,3 triệu người. Là tỉnh nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có 65 km bờ biển tiếp giáp biển Đông. Theo kịch bản của biến đổi khí hậu tính thì đến 2020, nước biển dâng 12 cm thì Bến Tre có 272 km2 đất SX nông nghiệp bị triều cường nước biển dâng ngập, chiếm khoảng 12,24% diện tích toàn tỉnh; có 79.890 người dân phải sống chung với mặn. Khi nước biển dâng 30 cm vào năm 2050 thì Bến Tre có hơn 342 km2 bị ngập mặn và 102.054 người chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước mặn. Khi ranh giới mặn 4%0 càng tiến sâu vào nội đồng thì khi đó việc SX và sinh hoạt của cư dân sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Dự án Quản lý rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Bến Tre do WB hỗ trợ đang phát huy rất tốt. Theo đó, dự án WB4 có 2 hợp phần, gồm: Tiểu dự án đê biển Ba Tri với tổng chiều dài hơn 31 km và 11 cống đều tiết nước phục vụ SX đã thi công và đưa vào hoạt động. Điểm đầu tại xã Tân Xuân, kết thúc tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri. Tổng kinh phí đầu tư 222 tỷ đồng, trong đó vốn vay của WB 146 tỷ, ngân sách Trung ương 58 tỷ và ngân sách tỉnh 18 tỷ.

Đê biển Ba Tri có cao trình 3,5 m, mặt đê rộng 5 m, gia cố bằng đá xanh dày 20 cm, thân đê bằng đất theo phương pháp đầm nén. Công trình đã phòng chống có hiệu quả xâm nhập mặn, nước dâng và sóng biển do mưa bão, bảo vệ gần 11.000 ha đất SX với hơn 41.000 nhân khẩu. Đồng thời, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, toàn hệ thống đê biển này vẫn còn 9 cống điều tiết nước biển để phục vụ SX chưa có vốn để đầu tư. Bến Tre rất mong WB tiếp tục hỗ trợ vốn để thi công các cống còn lại phục vụ dân sinh vùng ven biển.


Bộ trưởng Cao Đức Phát và bà Victoria KwaKwa thị sát đê biển Ba Tri, Bến Tre

Hợp phần 2 của dự án là chương trình "Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng" được triển khai tại các xã An Hiệp, An Hòa Tây và An Đức (huyện Ba Tri); xã Tân Thiềng, Sơn Định và Vĩnh Bình (huyện Chợ Lách) từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại 12,8 tỷ đồng của Chính phủ Hà Lan và Nhật Bản. Chương trình đã xây dựng 3 nhà tránh trú bão, gần 18 km đường và 5 cầu bê tông, đảm bảo cho việc cứu hộ, cứu nạn; cung cấp trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá cao hiệu quả kinh tế, xã hội mà tiểu dự án đê biển Ba Tri và chương trình quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đem lại. Thông qua dự án này, năng lực quản lý công trình và phi công trình của các cấp, các ngành ở Bến Tre được tăng cường; đặc biệt là nhận thức của cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai được nâng cao.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: Theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong nước và quốc tế, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị tác động nặng nề do BĐKH và nước biển dâng. Bến Tre là một trong số 10 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nhất. Trong đó, 3 huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú sẽ bị ngập sâu, một bộ phận người dân bị mất đất SX và đất ở, điều kiện sinh kế gặp nhiều khó khăn.

Bến Tre đã sớm xây dựng và ban hành khung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và nước biển dâng; triển khai nhiều công trình hạ tầng, trồng rừng phòng hộ ven biển, nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, chuyển đổi cơ cấu SX, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về BĐKH. Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, công tác ứng phó với BĐKH của tỉnh chưa đem lại kết quả cao.

Bà Victoria KwaKwa cũng khuyến nghị, Bến Tre cần tăng cường các giải pháp phi công trình trong ứng phó với BĐKH và nước biển dâng như trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và ven biển; nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng; giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác nhân, hậu quả và hành động để giảm thiểu thích ứng với BĐKH.

Nhân chuyến làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT và Giám đốc WB tại Việt Nam, tỉnh Bến Tre đề xuất hỗ trợ gần 7.000 tỷ đồng để triển khai công trình đê biển Ba Tri giai đoạn 2, đê biển Bình Đại, Thạnh Phú và đê bao khu vực đất cồn ven sông, ven biển nhằm phòng chống xâm nhập mặn do nước biển dâng, tạo hạ tầng ổn định để phát triển SX, bảo vệ dân cư. Đồng thời, phục vụ cho công tác ứu hộ, cứu nạn do thiên tai.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: BĐKH không còn là kịch bản hay dự báo trong tương lai mà đã tác động rõ nét, sâu sắc đến Việt Nam nói chung, ĐBSCL trong đó có Bến Tre. Chính phủ Việt Nam chọn Bến Tre làm điểm đến của bà Victoria KwaKwa trên cương vị Giám đốc WB tại Việt Nam với mong muốn, cơ quan này là đối tác quan trọng, không những hỗ trợ cho Bến Tre về kinh phí mà còn tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, qua đó nâng cao năng lực dự báo, đánh giá tác động BĐKH để có giải pháp thích ứng một cách tốt nhất.

Bà Victoria KwaKwa đánh giá cao khung kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của Bến Tre, nhất là các giải pháp công trình và phi công trình. Bà đặc biệt quan tâm đến các dự án hạ tầng mà tỉnh đề xuất và cho biết sẽ hội đàm với Chủ tịch WB và Chính phủ Việt Nam, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn tín dụng để Bến Tre sớm triển khai các công trình này.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm