Cùng với đó, bệnh thủy đậu đang có nguy cơ bùng phát mạnh với số ca bệnh tăng từng ngày.
Bệnh nhân mắc thủy đậu
Không tự ý điều trị
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, những ngày gần đây trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 150 đến gần 200 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị, tăng nhanh so với dịp trước Tết Nguyên đán và tương đương với đầu mùa dịch tháng 9 hàng năm. Bệnh nhân chủ yếu ở Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tại nhiều khoa Mắt và Bệnh viện Mắt ở miền Bắc, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám cũng khá đông vào đầu giờ sáng hàng ngày, đa số là trẻ em hoặc những người có sức đề kháng kém.
Bác sỹ Hoàng Minh Anh, Trưởng khoa Tổng hợp, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, trong điều kiện thời tiết hiện nay, virus gây bệnh đau mắt đỏ phát triển mạnh và phát tán trong không khí, khiến bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh, sau đó lây lan nhanh qua tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh qua đường hô hấp, nước mắt, nước bọt và bắt tay.
Vì bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ gây thành dịch nên bác sỹ Hoàng Anh Minh khuyến cáo, người bị bệnh này cần hạn chế tiếp xúc với người khác và nên nghỉ học, nghỉ làm để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
“Khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế có chuyên ngành nhãn khoa để khám. Không nên tự mua thuốc điều trị vì có thể mua không đúng chủng loại thuốc, không đúng với bệnh. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương có người khi phát hiện bị đau mắt cứ tự ra hiệu thuốc mua thuốc, chữa mãi không khỏi mới đến gặp bác sĩ. Trong khi đó, không phải thuốc nào cũng có thể tra vào mắt, nếu bệnh nhân tự ý dùng thuốc có thể gặp phải những loại thuốc chống chỉ định, từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường, có người bị giảm cơ quan thị giác, thậm chí bị mù do điều trị không đúng cách”, bác sĩ Hoàng Anh Minh lưu ý.
Sai lầm trong cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu
Trong khi bệnh đau mắt đỏ đang gia tăng mạnh thì bệnh thủy đậu cũng có nguy cơ bùng phát thành dịch. Nếu như từ tháng 1 và đến đầu tháng 2, thành phố Hà Nội ghi nhận hơn 160 ca thủy đậu rải rác tại các quận, huyện, thị xã, thì đến nay, số ca mắc đang tăng lên từng ngày.
Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, có những ngày Khoa Truyền nhiễm đón 3-4 bệnh nhân. Đáng chú ý, có những bệnh nhi sơ sinh mới vài tuần tuổi bị lây thủy đậu từ mẹ. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba, trung bình mỗi ngày tiếp nhận gần chục ca bệnh thủy đậu. Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đang điều trị bệnh này cho hàng chục bệnh nhi.
Bác sỹ Vũ Mạnh Cường, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E cho biết, qua điều trị hơn 20 bệnh nhân trong vòng 1 tháng qua cho thấy, vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm trong chăm sóc bệnh nhân thủy đậu tại nhà.
“Trong dân gian vẫn lưu truyền những quan niệm sai lầm khi chăm sóc bệnh nhân thủy đậu như kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng gió, cố làm vỡ mụn nước, trùm chăn kín sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, khiến bệnh trầm trọng thêm. Thay vào đó, người bệnh cần được tắm rửa sạch sẽ, ăn uống đầy đủ, không nên ăn quá ngọt và tránh những món gây dị ứng”, bác sỹ Vũ Mạnh Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó,TS.BS Nguyễn Văn Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Nhi Trung ương cho rằng, thủy đậu là bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, việc đầu tiên là các bậc cha mẹ nên cách ly trẻ tại nhà cho tới khi khỏi hẳn.
Bổ sung thêm vitamin C, nhỏ mũi 2 lần/ngày cho trẻ. Mặc quần áo vải mềm, thấm hút mồ hôi và đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo vệ sinh da cho trẻ để tránh xảy ra biến chứng. Giữ bàn tay cho trẻ thật sạch. Khi cần tiếp xúc người bệnh thủy đậu thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Người bệnh nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng và thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm sạch.
Để phòng bệnh, TS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, mặc dù bệnh có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng, nhưng hiện tại đã có biện pháp chủ động để phòng ngừa bệnh thủy đậu, đó là chủng ngừa bằng vắc-xin. Đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi, tiêm 1 liều và liều thứ 2 nên tiêm thêm cách liều thứ nhất 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả phòng bệnh và giảm việc mắc bệnh thuỷ đậu trở lại mặc dù trước đó đã tiêm phòng. Đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn, tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.