| Hotline: 0983.970.780

Bệnh LMLM trâu bò

Thứ Tư 13/07/2011 , 11:14 (GMT+7)

Bệnh lở mồm long móng (LMLM) trâu bò do một số chủng virút thuộc giống Aphthovirus họ Picornaviridae gây ra, có 7 týp huyết thanh O, A, C, SAT1, SAT2, SAT3 và Asia 1, mỗi týp còn có nhiều phụ týp.

Khi giám định huyết thanh các týp vi-rút đều không có miễn dịch chéo, do đó ngành thú y phải chọn vắc-xin đúng với týp đang gây bệnh để tiêm phòng. Đến nay đã xác định có 3 týp vi-rút là A, Asia1 và O gây bệnh LMLM trên gia súc ở Việt Nam.

Triệu chứng và bệnh tích:

Trâu bò có thời gian ủ bệnh từ 2-7 ngày, đôi khi kéo dài đến 14 ngày. Các triệu chứng của bệnh như ủ rũ, lông dựng, sốt cao từ 40-41oC, gương mũi khô, ăn ít hoặc không ăn, uống nước nhiều. Sau khi sốt 2-3 ngày bắt đầu xuất hiện các mụn nước ở miệng (trên lưỡi, lợi, môi, chân răng…), ở chân (kẽ móng, nơi tiếp giáp giữa móng sừng và da, bướu gót chân), đối với bò sữa thường thấy những biến đổi ở núm vú. Mới đầu mụn nước nhỏ (đường kính 1-2 cm) nhưng nhanh chóng to lên và nổi lên màu trắng.

Sau đó các mụn vỡ, chảy dịch màu vàng rơm và để lại vết loét màu đỏ hồng. Tổn thương này làm con vật bị đau mồm không ăn được; miệng chảy nhiều nước dãi (trắng như bọt bia); đau chân, không đứng yên (đổi chân liên tục, nhấc chân lên rồi hạ xuống như giã gạo); loét núm vú làm tắc tuyến sữa, vú sưng và rất đau con thú không cho con bú. Mụn nước ở móng chân thường bị nhiễm trùng do thú đi đứng trong phân, đất, vi trùng phụ nhiễm sẽ tấn công sâu vào các lớp bên dưới gây hư hại nặng tổ chức da ở gờ móng, làm móng dễ bị bong tróc. Bệnh tích điển hình của bệnh LMLM là mụn và sẹo ở miệng và móng. Mụn có kích thước khác nhau, dịch trong mụn chứa đầy bạch cầu, sau khi mụn vỡ ra thấy vết loét màu hồng.

Chẩn đoán bệnh:

 Dựa vào triệu chứng và bệnh tích. Do tính chất đa dạng của vi-rút gây bệnh và khả năng lây lan rất nhanh của mầm bệnh nên việc chẩn đoán nhanh và chính xác là điều hết sức quan trọng nhằm phát hiện, cách ly hoặc loại bỏ sớm gia súc mắc bệnh để tránh lây lan và có biện pháp phòng chóng dịch thích hợp. Để chẩn đoán xác định týp vi-rút LMLM có thể dùng các phản ứng như kết hợp bổ thể, trung hòa, ELISA và RT-PCR với các loại mẫu là dịch trong các mụn nước chưa vỡ hoặc thành mụn nước, máu toàn phần, huyết thanh và sữa.

Điều trị:

 Không có thuốc chữa bệnh đặc hiệu. Công tác hộ lý rất quan trọng như cải thiện điều kiện nuôi dưỡng, nhốt trâu bò ở chuồng khô ráo, cho ăn thức ăn mềm. Xử lý mụn loét bằng thuốc sát trùng nhẹ như dấm chua (axít axêtic), axít boric, axít lactic, phèn chua 2%, thuốc tím 1%, xanh methylen 1% hoặc nước quả chua như chanh, khế. Có thể dùng kháng sinh điều trị để chống phụ nhiễm.

Phòng bệnh:

Bằng vắc-xin: tiêm chủng vắc-xin thường được áp dụng ở các vùng có dịch lưu hành. Các loại vắc-xin LMLM vô hoạt đơn giá hoặc đa giá do các công ty: Merial, Intervet, Pfizer và Rosagrobioprom – ROAO của liên bang Nga hiện đang được sử dụng ở Việt Nam. Vắc-xin bao gồm các loại: đơn giá týp O, nhị giá týp O+A và tam giá týp O+A+Asia1. Quy trình tiêm phòng thường được thực hiện như sau: chủng ngừa lần đầu tiêm 2 lần cách nhau 3 – 4 tuần, lần thứ nhất gia súc non 2 tuần tuổi có mẹ chưa chủng ngừa, gia súc non 2,5 tháng tuổi có mẹ đã chủng ngừa. Ở cùng có dịch, lần tiêm đầu tiên cần được thực hiện trên tất cả gia súc từ 2 tuần tuổi, càng sớm càng tốt. Chủng ngừa nhắc lại thông thường được thực hiện 6 tháng 1 lần phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh và pháp chế của địa phương.

Thực hiện tốt vệ sinh thú y như giữ gìn chuồng trại luôn khô sạch, định kỳ vệ sinh tiêu độc kỹ chuồng nuôi bằng: formol 2%, nước vôi 20% hoặc Navetkon-S, dung dịch Benkocid chuồng trại. Kiểm dịch nghiêm ngặt khi xuất nhập bò sữa để loại trừ bò mang vi-rút. Thực hiện các quy chế phòng chống bệnh LMLM đúng theo pháp lệnh Thú y.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm